Chàng trai chi nửa tỷ đồng cải tạo nhà cấp 4 cũ nát theo kiến trúc Đà Lạt
Ngôi nhà cấp 4 được cải tạo, nâng cấp thêm một tầng lửng với phong cách kiến trúc giống như những công trình ở thành phố Đà Lạt.
Anh Thanh Đường quyết định mua mảnh đất có sẵn căn nhà cấp 4 vào dịp cuối năm với mong muốn sửa lại để đón tết 2023. Mảnh đất có đầy đủ các đặc trưng để xây 1 căn nhà phố ở trung tâm thành phố Nha Trang như: Diện tích 4x15m, nằm trong con hẻm 4m vừa đủ cho 1 chiếc xe hơi chạy vào.
Trên đất có sẵn căn nhà cấp 4 được xây dựng theo kiểu xưa, kiểu “để ở” chứ không phải để tận hưởng không gian sống như hiện tại. Sau khi nhận nhà, anh yêu cầu nhóm thiết kế, thi công phải giải được bài toán với các đề bài như sau: Tiết kiệm thời gian để bàn giao nhà trước Tết. Tiết kiệm ngân sách nhưng phải đảm bảo tính thẩm mỹ và công năng sử dụng. Tối giản hết mức nhưng phải khiến gia chủ trầm trồ bởi sự thay đổi.
Để hoàn thiện căn nhà 1 trệt, 1 lửng, 2 vệ sinh, 2 phòng ngủ với đầy đủ nội thất, từ thiết kế đến thi công thô, hoàn thiện và cả nội thất decor đi kèm, anh Thanh Đường chi khoảng nửa tỷ đồng.
Sau khi ngôi nhà được hoàn thiện, hàng xóm nức nở khen ngợi vì công trình quá khá biệt với khu dân cư xung quanh. Với thiết kế kiến trúc, ngoại thất như vậy, ngôi nhà phảng phất nét kiến trúc của Đà Lạt.
“Với tôi, một căn nhà được gọi là tổ ấm khi nó vừa vặn với nhu cầu và mục đích của mình. Không làm mình nợ nần sau khi làm xong để ở nhà mới nhưng mất ngủ, diện tích sử dụng vừa đủ để không phải tốn nhiều thời gian dọn dẹp và nếu lỡ như ‘giàu quá dư đất quá’ thì mình chọn làm không gian chung cho cả nhà sinh hoạt như làm vườn trước, vườn sau, sân trước, sân sau… Và cuối cùng, căn nhà phải làm bản thân cảm thấy vui vẻ khi trở về, đặc biệt với bản thân mình thay vì phải chứng tỏ với người khác”, anh Thanh Đường tâm sự.
Một số hình ảnh về công trình này:
Bên trong căn nhà cũ trước khi được thiết kế lại. Mặt tiền cũ bị nóng nực và bí – một đặc điểm cơ bản của những căn nhà cấp 4 xưa khi gia chủ không có nhiều tiền để chọn lựa phong cách.
Mặt tiền thay đổi đi 1 chút dựa trên khung nhà cũ đã thấy sự khác biệt rõ ràng.
Mặt tiền nhà tận dụng từ tường gạch cũ, sơn hiệu ứng phun gai. Cửa sổ tầng lửng hướng chính Đông đón nắng sớm mỗi ngày.
Phòng khách góc nhìn từ tầng lửng và bếp. Một mảng tường màu cam nổi bật, tạo điểm nhấn giúp nhà đỡ đơn điệu.
Toàn bộ không gian bếp và khách của nhà. Phần mặt ngoài của tầng lửng sẽ là không gian thờ phụng.
Ở Nha Trang quanh năm nóng bức nên gia chủ cho xây nhà cao hơn chiều cao bình thường để thoáng khí. Do đó làm khu bếp trên dưới cũng lệch chuẩn. Để giải quyết vấn đề này, anh Thanh Đường yêu cầu nhóm thiết kế nhấn nhá thêm phần trần thạch cao để vừa decor vừa hạ chiều cao khu bếp xuống.
Phía sau bếp là cửa vòm, dẫn vào phòng ngủ master và khu giặt sấy, vệ sinh.
Bàn ăn dành cho 4 người với màu gỗ vàng.
Cầu thang ốp bằng gỗ sồi tự nhiên, dưới chân cầu thang là tiểu cảnh mảng xanh để làm dịu lại không gian màu cam đất.
Bếp nhiều kệ thì thành cái kho, hướng đến lối sống tối giản, ít tích trữ nên phần bếp trên anh không làm full tủ bếp mà dành 1 không gian nhỏ tầm 50cm để làm đợt gỗ với đèn decor cho không gian thêm thanh thoát, có điểm nhấn.
Phòng ngủ mini trên tầng lửng, nhóm thiết kế đặt thêm một bàn làm việc kiêm bàn trang điểm ở gần khu cửa sổ đón ánh sáng, tạo năng lượng tích cực mỗi ngày cho gia chủ.
Phòng ngủ master với giếng trời ngăn giữa nhà vệ sinh, phòng giặt với phòng ngủ. Vì phòng vệ sinh có sẵn nên gia chủ dựa vào đó thiết kế không gian chung để tiết kiệm ngân sách.
Phòng ngủ master ngăn với khu vệ sinh bằng tường bo cong và rèm trắng tinh tế.
Nguồn: Báo xây dựng