Chàng trai biến núi hoang thành khu du lịch nổi tiếng sau 13 năm
Sau nhiều năm vác gỗ, đào đất, tìm nguồn nước sạch, Abu đã cải tạo ngọn núi hoang ở Tứ Xuyên, Trung Quốc thành khu du lịch nổi tiếng.
Hơn 10 năm trước, ngọn núi Heo Rừng gần làng của Abu là một “kho báu bị chôn giấu” chưa phát triển, không có điện và nước sạch. Vùng đất hoang dã có đỉnh núi tuyết, sông băng và suối nước nóng, nhiều lợn rừng.
Ban ngày, từ nơi đây có thể ngắm núi tuyết Gongga mù sương ở đối diện, đêm được nhìn bầu trời lấp lánh sao. Tuy phong cảnh đẹp nhưng không nhiều người biết tới núi Heo Rừng.
Abu lớn lên ở ngôi làng gần ngọn núi và khi còn nhỏ thường đi chăn gia súc trên núi. Khi những con bò ngoan ngoãn, Abu có thể nằm chơi đến tận lúc trời tối hay đi mò bắt trứng chim, tìm rau rừng ăn cho bớt đói.
Abu đã xây dựng núi hoang thành khu du lịch nổi tiếng ở Tứ Xuyên.
Dù cuộc sống nghèo khó, đôi ủng rách để lộ ngón chân và quần thủng vài lỗ, anh cảm thấy những ngày chăn bò là hạnh phúc nhất.
Những lúc rảnh rỗi nằm ngẩn ngơ suy nghĩ, anh luôn tự hỏi tại sao một nơi đẹp như vậy lại được đặt tên kỳ lạ đến thế. Tuy nhiên, anh không nghĩ quá nhiều đến thứ mình có thể làm khi đó.
Vác gỗ, đào đường để cải tạo núi hoang
Bố mẹ Abu là nông dân. Để đỡ đần gia đình, anh vừa đi học, vừa lên núi đào thảo mộc bán lấy tiền nộp học phí.
Năm 14 tuổi, anh làm phục vụ du khách ở sông băng tại Khu thắng cảnh Hailuogou. Nhiều du khách không thể tự xuống sông băng sẽ ngồi lên cáng 2 người khiêng. Với quãng đường 3,5 km, phải mất ít nhất 30 phút để di chuyển.
Giá cho mỗi chuyến là 60 nhân dân tệ (hơn 211.000 đồng), nhưng Abu chỉ nhận được khoảng 1/4 số tiền. Vì còn nhỏ, mỗi lần đi làm về anh còn bị nôn. Nhưng Abu đã làm công việc đó suốt 4 năm.
Sau khi tốt nghiệp cấp 3, giống như đa số thanh niên trong làng, Abu đến Thành Đô tìm việc và ở đó một thời gian. Nhưng không quen với nhịp độ sôi động của thành phố, anh chọn quay về làng quê.
Trong làng không có công việc nào, Abu tự mở một quán bar nhỏ ở thị trấn cổ Moxi. Tuy nhiên lượng khách hàng cũng không lớn. Để kiếm thêm, Abu nhận giặt chăn màn cho các nhà trọ, làm hướng dẫn viên cho khách du lịch.
Nơi Abu đưa khách đến không phải những danh thắng nổi tiếng mà là những điểm đặc biệt chỉ người dân địa phương biết tới.
Trong khi giới thiệu với du khách, anh liên tục nghĩ về câu hỏi làm sao để thay đổi quê hương.
Abu và người anh em của mình tự vác gỗ xây nhà, cuốc đất mở đường lên núi. |
Abu đã có một ý tưởng táo bạo: trước khi giới thiệu cảnh đẹp quê mình với du khách, anh đặt một cái tên khác cho núi Heo Rừng. Vì thích bộ phim “Notting Hill”, anh đặt tên núi là Ruoding, phiên âm tiếng Hán của phim này.
Năm 2008, anh bắt đầu xây dựng ngôi nhà gỗ trên núi, ở đó để cải tạo và xây dựng điều kiện thiết yếu cho sự phát triển về sau. Thấy cậu bé họ Chai cùng làng ở nhà nhàn rỗi nên anh rủ cùng tham gia.
Chi phí xây dựng nhà gỗ là số tiền Abu đã tích góp trong thời gian làm việc trước đó, nhưng cũng chỉ có khoảng 2.000 tệ. Trên núi không có nước, điện, đường, mọi vật liệu phải dùng sức người chuyển lên. Đêm, khi trở về nhà dưới làng, đôi vai Abu đầy những vết bầm tím vì mang vác nặng.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất với anh thời điểm đó không phải thiếu tiền hay công việc nặng nhọc, mà là những lời chế giễu từ dân làng, họ nói “đầu óc anh có vấn đề khi muốn kéo khách thành phố tới làng”.
Vì cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện nên ít du khách tới đây. Ban ngày, Abu làm việc trên núi, tối anh lại xuống mở quán bar ở thị trấn cổ để có thêm tiền.
Dựng xong nhà, hai thanh niên lại miệt mài tự tay cuốc đất để mở con đường dài và hẹp dẫn lên núi. Abu mượn được chiếc máy ủi để mở rộng đường, nhưng mỗi lần mưa xuống đường lại bị hỏng. Đoạn đường dài 5 km phải sửa từ năm này qua năm khác.
Sau 13 năm, Abu đã xây dựng được khu du lịch với những căn nhà gỗ đẹp như tranh. |
Quan trọng nhất là phải có nguồn nước ổn định. Trước đây, nước sạch đều do hai người cõng từ dưới chân núi lên, như vậy quá vất vả. Abu và Chai lục tung các khu vực xung quanh để tìm nguồn nước trên núi.
Sau cả tháng trời, họ tìm được nước. “Tôi mua ống nước, kéo rồi chôn xuống, sau nửa tháng cũng xong. Nhưng nước chảy ra đục ngầu và ít, có mưa thì nước chảy, trời không mưa đành chịu. Sau 3 tháng, nguồn nước đó cạn kiệt”, Abu kể.
Sau khi tìm kiếm tiếp, Abu cuối cùng lấy được nước từ vách đá cách chỗ anh vài cây số. Anh ôm chặt người anh em của mình, bật khóc vì hạnh phúc khi dòng nước sạch được khơi thông.
Quả ngọt
Vấn đề nguồn nước đã được giải quyết, cơ sở hạ tầng trên núi dần được cải thiện. Nơi đây không chỉ kết nối điện, nước mà còn được xây dựng trạm thu phát tín hiệu riêng với vùng phủ sóng Wi-Fi đầy đủ.
Dân làng đã nhìn thấy những thay đổi trên ngọn núi và thái độ của họ đối với vấn đề này cũng tích cực hơn. Năm 2014, 46 dân làng ở làng Baiyangping đã tham gia vào kế hoạch xây dựng núi Ruoding dưới hình thức chia cổ tức và cổ phần đất rừng tập thể.
Hàng loạt homestay sang trọng, hòa với thiên nhiên được mở, khách du lịch cũng tới đông hơn. Khi khu vực trên núi quá tải, khách được chuyển xuống làng.
Người dân trong làng đều làm nghề mộc, thấy nhà gỗ trên núi xây đẹp nên học theo, mở nhà trọ hoặc cửa hàng buôn bán trong nhà, kiếm được khoản thu nhập đáng kể hàng năm.
Ngọn núi hoang giờ đây là điểm du lịch hút khách ở Tứ Xuyên. |
Năm 2016, với sự hỗ trợ của chính phủ, con đường Huangni trên núi cuối cùng cũng được xây lại bằng phẳng và rộng rãi. Núi Ruoding được liệt kê là một địa điểm thí điểm quan trọng cho việc xóa đói giảm nghèo bằng du lịch địa phương.
Trong 10 năm đầu, Abu bận rộn canh tác mảnh đất dưới chân mình. Hầu hết khách lên núi đều do chính anh tiếp đón. Anh đưa khách đi dạo trên núi, ăn thịt nướng, ngắm bầu trời đầy sao, và kể đi kể lại cho khách nghe câu chuyện về núi Ruoding.
Năm 2017, đạo diễn Hong Kong Cheng Xiaodong cũng đến núi Ruoding để xem xét vì muốn tìm địa điểm cho bộ phim mới của mình. Điều khiến vị đạo diễn xúc động hơn cả cảnh đẹp chính là câu chuyện về núi Abu và ngọn núi này.
Họ đã sử dụng ngôi nhà gỗ ban đầu làm nguyên mẫu cho phim về chính câu chuyện của Abu, đồng thời thêm một bệ trên tầng hai, nơi có thể nhìn thấy những ngọn núi phủ tuyết trắng và các vì sao. Căn nhà gỗ diện tích không lớn, toàn bộ nền chỉ hơn 50 m2.
Sau khi đoàn phim rời đi, Abu dùng ngôi nhà gỗ này để làm bối cảnh quay vlog nấu ăn, chia sẻ văn hóa địa phương với mọi người.
Abu hy vọng rằng núi Ruoding có thể trở thành cánh cửa sổ: không chỉ mở ra cho những người bên ngoài biết quê hương của anh đẹp như thế nào mà còn để những đứa trẻ ở quê hương anh nhìn thấy những đổi thay của thế giới bên ngoài.
Nguồn: Báo xây dựng