Chăn nuôi những tháng cuối năm: Phát triển mô hình bền vững

Theo Tổng cục Thống kê, diễn biến của ngành chăn nuôi từ đầu năm đến nay khá phức tạp và gặp nhiều rủi ro. Tuy nhiên, những tháng gần đây, dịch tả lợn châu Phi dần được kiểm soát và nguồn cung thức ăn được khôi phục đã tạo sự kỳ vọng cho ngành chăn nuôi những tháng cuối năm.

Theo phân tích của Tổng cục Thống kê, sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ngành chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn. Dịch tả lợn châu Phi tháng đầu năm vẫn còn ở nhiều địa phương: tính đến 23/1 cả nước vẫn còn 263 ổ dịch tại 35 địa phương bị còn dịch tả lợn châu Phi chưa qua 21 ngày và đến 24/2 cả nước còn 160 ổ dịch tại 29 địa phương.

Bên cạnh đó, tuy giá lợn giống đầu vào dùng cho sản xuất và giá lợn hơi đầu ra đều giảm nhưng giá thức ăn chăn nuôi lại tăng liên tục khiến chi phí sản xuất vẫn ở mức cao, lợi nhuận của người chăn nuôi ở mức thấp, thậm chí đối với một số khu vực hộ nhỏ lẻ còn bị thua lỗ. Chăn nuôi trâu, bò bị ảnh hưởng bởi rét đậm, rét hại tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ với nền nhiệt thấp (vùng núi cao có nơi dưới 0 độ) trong tháng 2 đã tác động tiêu cực đến đàn gia súc của người dân. Đặc biệt là tại nhiều khu vực, hàng nghìn con trâu, bò đã bị chết do giá rét.

Chăn nuôi những tháng cuối năm: Phát triển mô hình bền vững
Mô hình chăn nuôi gà thương phẩm theo hướng gắn với liên kết tiêu thụ đã tạo ra sản phẩm thịt gia cầm chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm (Ảnh: Lương Hằng)

Theo số liệu của Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, đợt rét đậm, rét hại tại các tỉnh khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã khiến 6.389 con gia súc bị chết, trong đó có 5.311 con trâu, bò; 1.078 con dê và gia súc khác.

Trong những tháng gần đây, dịch tả lợn châu Phi dần được kiểm soát, đến 24/7 cả nước chỉ còn 104 ổ dịch tại 14 địa phương có dịch chưa qua 21 ngày và đến 22/8 cả nước còn 93 ổ dịch tại 15 địa phương. Đàn trâu, bò cả nước phát triển ổn định, dịch viêm da nổi cục tiếp tục được kiểm soát. Ngành chăn nuôi đã phục hồi và phát triển trở lại.

Tổng đàn vật nuôi và sản lượng sản xuất tại các doanh nghiệp, trang trại, hộ chăn nuôi đang dần ổn định, đặc biệt là các đơn vị chủ động được nguồn con giống, liên kết tiêu thụ sản phẩm đầu ra, đảm bảo vệ sinh, an toàn sinh học. Ước tính tổng số trâu của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 8/2022 chỉ giảm 0,6%; tổng số bò tăng 3,4% so với cùng thời điểm năm 2021.

Tuy giá thức ăn chăn nuôi ở mức cao nhưng nguồn cung thịt lợn trong nước khôi phục trở lại cùng với giá lợn hơi tăng cao nên chăn nuôi lợn vẫn đem lại hiệu quả. Các nhà hàng, quán ăn, các khu du lịch hoạt động trở lại nên tiêu thụ thịt lợn cao hơn. Giá thịt lợn hơi trong nước tăng cao so với cùng kỳ năm trước.

Tháng 7/2022, giá thịt lợn hơi dao động ở mức từ 66.000-73.000 đồng/kg, cao hơn 10.000-21.000 đồng/kg so với tháng 7/2021. Sang đến tháng 8, giá thịt lợn hơi giữ ở mức tương đối ổn định so với tháng trước. Tính đến ngày 22/8/2022, giá thịt lợn hơi cả nước dao động trong khoảng 62.000 – 71.000 đồng/kg, thay đổi tùy từng địa phương. Giá lợn hơi tăng đẩy giá bán thịt lợn tăng ở mức 130.000-160.000 đồng/kg tuỳ loại mặc dù giá xăng dầu gần đây đã giảm. Dự báo trong thời gian tới, giá lợn hơi sẽ dao động quanh ngưỡng 70.000 đồng/kg, vào thời điểm cuối năm giá lợn hơi có thể sẽ tăng do nhu cầu tiêu thụ thịt lợn tăng.

Bên cạnh đó, lượng thịt lợn nhập khẩu giảm cũng là cơ hội cho nguồn cung trong nước tăng lên. Lượng thịt lợn nhập khẩu 7 tháng năm 2022 đạt 55,21 nghìn tấn tương đương trị giá 117,5 triệu USD, giảm 42,1% về lượng và giảm 46,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Cùng với đó, người chăn nuôi tập trung tái đàn nên số lượng lợn tăng so với cùng kỳ năm trước. Ước tính tổng số lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng Tám năm 2022 tăng khoảng 6,8% so với cùng thời điểm năm 2021.

Chăn nuôi gia cầm phát triển ổn định trong tháng 8, dịch bệnh được kiểm soát tốt. Mô hình chăn nuôi gà thương phẩm theo hướng gắn với liên kết tiêu thụ đã tạo ra sản phẩm thịt gia cầm chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm. Đặc biệt, chuỗi liên kết đã giúp người chăn nuôi an tâm đầu tư và mang lại hiệu quả kinh tế cao.Hiện tại, người chăn nuôi bắt đầu tập trung tái đàn, tạo nguồn cung ứng thịt ra thị trường những tháng cuối năm và các kỳ lễ tết sắp tới. Ước tính tổng số gia cầm của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 8/2022 tăng khoảng 3,6% so với cùng thời điểm năm 2021.

Theo các chuyên gia kinh tế, để ngành chăn nuôi phát triển đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong những tháng cuối năm, các trang trại phải tìm nguồn thức ăn sẵn có trong nước để hạ giá thành chăn nuôi, kiểm soát phòng chống dịch tốt, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi; phát triển các mô hình chăn nuôi đảm bảo song hành yếu tố hiệu quả, bền vững nhờ đầu vào chuẩn với con giống ưu việt, quy trình chăn nuôi hiện đại giúp tối ưu chi phí vận hành, đầu ra thương phẩm chất lượng cao, được bao tiêu với giá tốt, công nghệ xử lý thải bền vững.

Các cơ quan chức năng cũng cần kiểm soát xuất khẩu lợn tiểu ngạch sang các nước láng giềng, kiểm soát nguồn thịt nhập khẩu có chất lượng. Để ổn định thị trường sản xuất và tiêu thụ thịt lợn trong nước, cần thực hiện quyết liệt và đồng thời nhiều biện pháp, chính sách chống đầu cơ, thao túng giá, đảm bảo quyền lợi của người chăn nuôi và người tiêu dùng.

Bảo Thoa

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích