Chân dung Công ty Khánh Thiện của đại gia Phạm Duy Tân mà Bộ GTVT vừa cảnh cáo

 

Cty Khánh Thiện của đại gia Phạm Duy Tân vừa bị Bộ GTVT cảnh cáo do thiếu tinh thần trách nhiệm (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)
Cty Khánh Thiện của đại gia Phạm Duy Tân vừa bị Bộ GTVT cảnh cáo do thiếu tinh thần trách nhiệm (Ảnh minh họa – Nguồn: Internet)

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có văn bản cảnh cáo đối với Công ty TNHH MTV Thiết kế và Tư vấn xây dựng công trình hàng không ADCC (ADCC) và Công ty TNHH Thương mại Khánh Thiện (Khánh Thiện) do thiếu tinh thần trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ, chậm xử lý các phát sinh, vi phạm tiến độ hợp đồng tại dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh và đường lăn Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

Dự án này có tổng mức đầu tư 2.030 tỉ đồng, được khởi công vào ngày 29/6/2020 và dự kiến hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2022 (ngày 1/2/2022).

Bộ GTVT yêu cầu ADCC và Khánh Thiện khắc phục các tồn tại, tập trung nhân lực, nguồn lực triển khai dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ và tuyệt đối an toàn; giao Ban quản lý dự án Thăng Long (đại diện chủ đầu tư) căn cứ theo hợp đồng tổ chức quản lý nhà thầu đảm bảo chặt chẽ và kịp thời xử lý các vi phạm theo đúng quy định.

Theo tìm hiểu của VietTimes, Khánh Thiện được thành lập vào tháng 9/1994, trụ sở chính đóng tại số 181/4 Lê Thánh Tôn, phường Bến Thành, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật hiện nay là bà Phạm Thị Tố Loan (SN 1984).

Cập nhật tại ngày 4/12/2018, Khánh Thiện có vốn điều lệ 20 tỉ đồng, trong đó bà Phạm Thị Tố Loan góp 10 tỉ đồng, sở hữu 50% vốn điều lệ. 50% vốn còn lại thuộc về ông Phạm Duy Tân (SN 1954) – có cùng địa chỉ thường trú với bà Loan.

Như VietTimes từng đề cập, ông Phạm Duy Tân từng góp mặt trong thương vụ “lướt sóng” tại khu đất vàng rộng 1.215 m2, tọa lạc ở số 2 Tôn Đức Thắng, Tp. HCM – nay là trụ sở chính của VPBank Sài Gòn.

Ông Tân từng có nhiều năm công tác tại Xí nghiệp vận tải 19/5 Ninh Bình (từ năm 1979 – 1985) và Công ty cơ khí Thủy sản 3 – Bộ Thủy sản (từ năm 1986 – 1993).

Ngoài Khánh Thiện, ông Phạm Duy Tân cùng vợ là bà Nguyễn Thu Hồng (SN 1957) và các cá nhân liên quan khác như bà Phạm Thị Tố Loan, ông Phạm Trung Kiên, ông Hà Anh Tuấn hiện còn đứng tên tại loạt doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực như khách sạn, dược phẩm, y tế, thương mại, logistics, dịch vụ hàng không, bất động sản.

Đối với lĩnh vực logistics và dịch vụ hàng không có thể kể tới như: CTCP Đầu tư Công nghiệp Hàng không; CTCP Kho vận giao nhận Ngoại thương Mộc An Châu; CTCP ICD Tân Cảng – Long Bình; CTCP Thương mại và Dịch vụ Nội Bài Hà Nội, CTCP Đầu tư Công nghiệp Hàng không.

Trong lĩnh vực dược phẩm, thiết bị y tế, chăm sóc sức khỏe với thương hiệu Paramed, có thể kể tới: Công ty TNHH Y tế Iparamed, Công ty TNHH Dược phẩm Cát Thịnh, Công ty TNHH Dịch vụ Kỹ thuật cao Khánh Thiện, CTCP Đầu tư Y tế Thiện Mỹ, CTCP Dịch vụ và Đầu tư Y tế Health Boutique.

Ở lĩnh vực khách sạn, Công ty TNHH Dịch vụ Khánh Thiện của “đại gia” Phạm Duy Tân hiện sở hữu hai khách sạn là Paris và Phú Đạt ở Quận 1, Tp. HCM.

Chân dung Công ty Khánh Thiện của đại gia Phạm Duy Tân mà Bộ GTVT vừa cảnh cáo ảnh 1

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, trong giai đoạn 2016 – 2019, doanh thu và lợi nhuận của Khánh Thiện (công ty mẹ) có sự biến động mạnh. Doanh thu thuần của công ty này đạt đỉnh vào năm 2018 với 145 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 429 triệu đồng, tương ứng với biên lợi nhuận 0,3%.

Năm 2019, Khánh Thiện ghi nhận doanh thu thuần đạt 35,8 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 93 triệu đồng, lần lượt giảm 75% và 78% so với năm 2018.

Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản của Khánh Thiện đạt 132,2 tỉ đồng, trong đó nợ phải trả đạt 113,5 tỉ đồng, gấp 6 lần vốn chủ sở hữu (18,7 tỉ đồng).

ADCC tiền thân là Xí nghiệp khảo sát thiết kế và xây dựng công trình hàng không thuộc Quân chủng Không quân – Bộ Quốc phòng, được thành lập vào tháng 11/1990.

Chủ tịch kiêm người đại diện theo pháp luật của ADCC là ông Đồng Quốc Hùng (SN 1971). Ông Hùng cũng là người đại diện cho phần vốn góp 30 tỉ đồng tại ADCC.

Chân dung Công ty Khánh Thiện của đại gia Phạm Duy Tân mà Bộ GTVT vừa cảnh cáo ảnh 2

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, trong giai đoạn 2016 – 2019, doanh thu thuần của ADCC (công ty mẹ) luôn duy trì trên mức 100 tỉ đồng, song biên lãi thuần lại giảm dần qua các năm.

Năm 2019, ADCC đạt đỉnh doanh thu với 133,5 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 7,5 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận 5,6%.

Tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản của ADCC đạt mức 177,8 tỉ đồng, giảm 9% so với đầu năm. Vốn chủ sở hữu công ty mẹ ở mức 39,8 tỉ đồng./.

 

Copy Link

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích