Chấn chỉnh hoạt động môi giới BĐS bảo đảm các quy định của pháp luật

(TN&MT) – Trả lời về việc đầu cơ đất đai diễn ra làm giá đất tăng cao, gây nguy cơ bong bóng bất động sản, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, Bộ TN&MT sẽ kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động môi giới BĐS bảo đảm các quy định của pháp luật
Phát biểu tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3, chiều 4/4, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, trong thời gian qua, tác động của dịch bệnh Covid-19 làm đứt gãy chuỗi sản xuất, ảnh hưởng đến đầu tư kinh doanh, do đó, nhiều người dân lựa chọn đầu tư đất đai, bất động sản, vàng làm kênh trú ẩn an toàn cho tài chính.

Ngoài ra, trong những năm 2020, 2021 là năm các địa phương tập trung xây dựng quy hoạch. Do đó, nhiều người đã về các khu vực này mua gom đất, chờ cơ hội, chờ quy hoạch bán lại hưởng chênh lệch, những đối tượng này gây nhiều lộn xộn, vi phạm về đất đai như mua bán, chia tách, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép. Ngoài ra, vẫn còn một số nơi làm chưa nghiêm việc đấu giá đất, làm lộ thông tin đấu giá dẫn đến giá đất tăng cao. “Việc để giá đất tăng quá cao sẽ làm mất ưu thế thu hút đầu tư, phá vỡ quy hoạch, ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô” – Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh.
Với chức năng và nhiệm vụ của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Lê Công thành cho biết, Bộ đã đưa ra những giải pháp để thực hiện chấn chỉnh tình trạng này, bảo đảm môi trường đầu tư, góp phần phát triển kinh tế – xã hội. Theo đó, ngày 30/3/2021, Bộ đã ban hành Công văn số 1454/BTBMT-TCQLĐĐ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường quản lý chặt chẽ các dự án bất động sản, nhất là bất động sản hình thành trong tương lai, chuyển nhượng dự án bất động sản phải đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư và kinh doanh bất động sản; Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các Bộ, ngành sẽ kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động môi giới bất động sản bảo đảm các quy định của pháp luật.
Công văn đề nghị các địa phương phải công bố công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch tránh bị nhiễu thông tin; tránh bị giới đầu cơ lợi dụng thổi giá, đẩy giá đất, giá bất động sản lên cao và quản lý sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt.
Bên cạnh đó, cần thực hiện nghiêm các quy định về đăng ký chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất… để thu nghĩa vụ thuế, kiểm soát các giao dịch ảo, thổi giá đất, giá bất động sản; quản lý chặt chẽ việc tách thửa đất; xử lý nghiêm đối với hành vi không đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất chậm.
Ngoài ra, chủ động điều tiết “nguồn cung” quỹ đất ra thị trường thông qua việc tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, kinh doanh bất động sản… để người dân hiểu và thực hiện, tránh bị lợi dụng, trục lợi.
Thứ trưởng Lê Công Thành cũng thông tin về các giải pháp trong thời gian tới. Theo đó, giao trách nhiệm cho các cấp địa phương quản lý theo hiện trạng sử dụng đất, công bố công khai hiện trạng sử dụng đất… để người dân tham gia giám sát.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng là cần quan tâm đến vấn đề quy hoạch, Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị “cần quản lý chặt quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị; quy hoạch phải dựa trên nhu cầu thực được điều tra, đánh giá cụ thể, khoa học; đặc biệt là Kế hoạch sử dụng đất phải được xây dựng và tổ chức thực hiện theo nhu cầu phát triển đến đâu, mở quỹ đất đến đó; chủ động tạo quỹ đất đưa ra đầu giá, đấu thầu để điều tiết quan hệ “cung-cầu”.
Đi đôi với giải pháp này Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị cần tăng cường năng lực của tổ chức phát triển quỹ đất, của quỹ phát triển đất.
Ngoài ra, cần sửa đổi chính sách thuế theo hướng hạn chế được đầu cơ, găm đất, ôm đất chờ khi giá lên bán kiếm chênh lệch; khuyến khích đưa đất vào sản xuất. Các trường hợp giữ đất, ôm đất không đưa vào sử dụng phải chịu thuế suất cao.
Bên cạnh đó, cần quy định chặt chẽ các điều kiện để được giao đất, thuê đất để thực hiện dự án để loại bỏ tình trạng “tay không bắt giặc”, phải chứng minh được tính khả thi của việc huy động vốn, ưu tiên suất đầu tư lớn vào đất để phát huy hiệu quả sử dụng.
Cuối cùng cần thực hiện chính sách tiền tệ, tín dụng linh hoạt để một mặt kích thích sự phát triển của thị trường bất động sản, mặt khác, ưu tiên vốn, tín dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh.