Chậm nâng cao chất lượng sản phẩm khiến xuất khẩu chè sụt giảm mạnh

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), năm 2023, chè xuất khẩu ước đạt 121 nghìn tấn, trị giá 211 triệu USD, giảm 16,9% về lượng và giảm 10,9% về trị giá so với năm 2022. Giá chè xuất khẩu bình quân trong năm 2023 ước đạt 1.737,3 USD/tấn, tăng 7,3% so với năm 2022.

1
Chậm nâng cao chất lượng sản phẩm khiến xuất khẩu chè sụt giảm mạnh.

Trong đó, riêng quý 4/2023 xuất khẩu chè của Việt Nam ước đạt 39.300 tấn, trị giá 70 triệu USD, tăng lần lượt 16,7% về lượng và 18,1% về trị giá so với quý 3/2023. So với cùng kỳ năm 2022, mặc dù lượng chè xuất khẩu giảm 22,1% nhưng lại tăng 1,4% về kim ngạch. Giá chè xuất khẩu bình quân trong quý 4/2023 đạt 1.778,9 USD/tấn, tăng 1,2% so với quý 3/2023 và tăng 30,1% so với cùng kỳ năm trước.

Hầu hết các mặt hàng chè xuất khẩu đều có xu hướng giảm trong 11 tháng năm 2023. Dẫn đầu về lượng và trị giá là chủng loại chè xanh với 52.600 tấn, trị giá 104 triệu USD, giảm 6,9% về lượng và giảm 1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Tiếp đến là chủng loại chè đen đạt 42.200 tấn, trị giá 57,2 triệu USD, giảm lần lượt 16,1% về lượng và 18,4% về trị giá; chè ướp hoa đạt 3.500 tấn, trị giá 7,3 triệu USD, giảm 4,7% về lượng nhưng tăng 6,7% về trị giá.

Đáng chú ý, xuất khẩu chè ô long đạt 1.100 tấn, trị giá 3,5 triệu USD, tăng 101,8% về lượng và tăng 106,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn trên thế giới, ngành chè Việt Nam phải đẩy mạnh sản xuất chè theo hướng an toàn; khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao, chú trọng tăng nhanh tỷ trọng những sản phẩm có giá trị cao và sản phẩm mới…

Việt Nam có đến 170 giống chè các loại

Theo báo cáo của Hiệp hội Chè Việt Nam, diện tích trồng chè lớn tập trung chủ yếu ở khu vực trung du và miền núi phía Bắc, sau đó rải rác ở các khu vực như Tây Nguyên, đồng bằng Bắc Bộ và bắc Trung Bộ. Một số tỉnh của nước ta có diện tích đất trồng chè lớn là Thái Nguyên (22,3 nghìn ha), Lâm Đồng (10,8 nghìn ha), Hà Giang (21,5 nghìn ha), Phú Thọ (16,1 nghìn ha). Hiện nay, Việt nam có đa dạng giống chè, theo thống kê có đến 170 giống chè các loại bảo đảm chất lượng và cho năng suất cao.

ác doanh nghiệp cũng sản xuất theo hướng đa dạng hóa sản phẩm cho nên giá trị từng bước được nâng cao. Bên cạnh đó, nhiều cơ chế, chính sách từ cấp Trung ương đến địa phương ban hành nhằm phát triển sản xuất và tiêu thụ chè; các sản phẩm làm từ cây chè đang ngày càng đa dạng và phong phú, bảo đảm sản lượng và chất lượng, phục vụ cho nhu cầu người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Bên cạnh việc phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tại các vùng chè chủ lực đã tiếp cận, phát triển hình thức du lịch trải nghiệm, bước đầu đã có những tín hiệu rất tích cực như: Vùng chè đặc sản Tân Cương, Shan tuyết tỉnh Hà Giang, Shan tuyết Suối Giàng, đảo chè Thanh An, huyện Thanh Chương (Nghệ An) và các đồi chè Tâm Châu tỉnh Lâm Đồng, Long Cốc (Phú Thọ), Mộc Châu (Sơn La), Linh Dương (Lào Cai), Tân Trào (Tuyên Quang), Hương Sơn (Hà Tĩnh)…

Trong tổ chức và liên kết sản xuất, Việt Nam xây dựng hai chuỗi giá trị sản phẩm chè chủ yếu là chuỗi giá trị sản phẩm chè đen (chủ yếu cho xuất khẩu) và chuỗi giá trị sản phẩm chè xanh (phục vụ trong nước và xuất khẩu).

Trên thực tế, việc sản xuất chè ở Việt Nam còn nhiều khó khăn như:

Áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cũng như sản xuất theo hướng hữu cơ đã được triển khai từ nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn đạt tỷ lệ còn thấp; quản lý chất lượng giống và các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây chè ở một số địa phương còn lỏng lẻo, chế tài xử lý còn nhiều khó khăn; sản xuất chè theo nông hộ chiếm gần 65% về diện tích, quy mô khoảng 0,2 ha/hộ; tình trạng thu gom nguyên liệu qua nhiều cấp làm tăng giá nguyên liệu đầu vào, kéo dài thời gian bảo quản, làm giảm chất lượng nguyên liệu, tăng chi phí đầu tư.

Ngoài ra, cả nước có khoảng 257 doanh nghiệp chế biến chè quy mô công nghiệp, tổng công suất theo thiết kế là 5,2 nghìn tấn búp tươi/ngày, sử dụng 220 nghìn lao động sản xuất ra gần 200 nghìn tấn sản phẩm mỗi năm. Tuy nhiên, số nhà máy được trang bị đồng bộ, máy móc thiết bị tốt, bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật chỉ chiếm 20%; số nhà máy trung bình là 60%; số cơ sở chế biến chắp vá, không bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật của quá trình chế biến chè là 20%…

Cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trọng tâm

2
Ứng dụng công nghệ trong sản xuất chè chất lượng.

Mục tiêu đến năm 2030, diện tích trồng chè của Việt Nam đạt từ 135 đến 140 nghìn ha; phấn đấu đến năm 2025 diện tích chè được chứng nhận an toàn lên 55% và đến năm 2030 khoảng 75%.

Để làm được điều đó, các bộ, ngành, địa phương cần khuyến khích và tạo điều kiện tập trung đất đai hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn; ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông tại các vùng sản xuất chè; xây dựng thương hiệu, quảng bá các sản phẩm du lịch nông nghiệp tại vùng chè; thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển vùng chè chủ lực gắn với du lịch nông nghiệp sinh thái;

Đẩy mạnh sản xuất chè theo hướng an toàn; khuyến khích nhân dân sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao, sinh học, sản xuất nông nghiệp hữu cơ; hỗ trợ nhân dân liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm chè; đa dạng hóa sản phẩm, chú trọng tăng nhanh tỷ trọng những sản phẩm có giá trị cao và sản phẩm mới…

Ông Nguyễn Hữu Tài, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng để nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển bền vững, thời gian tới ngành chè cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trọng tâm. Trước hết, cần tập trung nâng cao năng suất, chất lượng chè Việt Nam thông qua chuyển đổi các giống chè cũ sang các giống chè mới.

Đầu tư có trọng điểm vào công tác chế biến sâu, đặc biệt là các sản phẩm chè sau chế biến có chất lượng cao, mang lại giá trị kinh tế lớn để hình thành ngành công nghiệp chế biến chè tiên tiến tại Việt Nam; Đa dạng hóa sản phẩm chè chế biến bằng công nghệ tiên tiến. Đây là hướng đi chủ đạo đúng đắn, trên thực tế đã có những đơn vị như HTX Chế biến chè Phìn Hồ (xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang) đã khẳng định vị thế vững chắc trên thị trường nhờ hướng đi này.

Ông Triệu Văn Mềnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Chế biến chè Phìn Hồ cho biết: Để đáp ứng được nhu cầu thị trường xuất khẩu, HTX đã nâng công suất, đổi mới công nghệ cho phù hợp. Đặc biệt, HTX đã được đơn vị chứng nhận hữu cơ châu Âu chứng nhận gần 300ha chè tại các xã: Hồ Thầu, Tả Sử Choóng và Túng Sán (Hoàng Su Phì).

Đây chính là cầu nối để HTX xuất bán sản phẩm sang các thị trường lớn như Trung Quốc, Đài Loan, Nga và Đức… nâng doanh thu của HTX tăng khoảng 30 lần so với cách đây 10 năm, từ chỗ chỉ khoảng 500 triệu mỗi năm, nay đạt 15 tỷ đồng/năm, góp phần không nhỏ mang hương vị thơm chè Việt vươn xa…

Theo Thương Hiệu Và Sản Phẩm

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích