CEO Vinamilk Mai Kiều Liên: Hành trình đưa “Giấc mơ sữa Việt” vươn tầm thế giới
Thất vọng khi phân công học ngành chế biến thịt và sữa
Bà Mai Kiều Liên sinh ngày 1/9/1953 tại Paris, Pháp trong một gia đình trí thức người Việt, cha mẹ bà đều là bác sĩ. Quê nội của bà ở Vị Thanh, trước thuộc Cần Thơ, nay thuộc Hậu Giang. Năm 1957, gia đình bà quyết định trở về Việt Nam cống hiến, không lâu sau khi Hiệp định Genève được ký kết.
Bà Mai Kiều Liên học tại trường Trưng Vương – Hà Nội, vào những năm chiến tranh khốc liệt phải sơ tán về nông thôn, học giữa bãi sông Hồng.
Thủa nhỏ mơ ước theo ngành sư phạm hoặc bác sĩ, nên sau khi được phân công học ngành xa lạ (ngành chế biến thịt và sữa), bà rất thất vọng. Thế nhưng, cha bà, bác sĩ Mai Văn Thông động viên: “Sữa là ngành non trẻ, nếu phát triển tốt sẽ giải quyết được tình trạng suy dinh dưỡng triền miên bao đời nay đối với người Việt Nam, nhất là sau chiến tranh, đây là việc lớn nhất…”
Năm 1976, bà Liên tốt nghiệp kỹ sư về chế biến thịt và sữa, Đại học Moscow, Nga.
Từ tháng 8/1976 – 8/1980, bà là kỹ sư phụ trách Khối sản xuất sữa đặc và sữa chua Nhà máy sữa Trường Thọ, Công ty Sữa – Cà phê Miền Nam (tiền thân của Công ty Sữa Việt Nam – Vinamilk).
Hai năm tiếp đó, bà là kỹ sư công nghệ thuộc Phòng Kỹ thuật Xí nghiệp Liên hợp Sữa Cà phê Bánh kẹo 1. Một năm sau, bà trở thành trợ lý Giám đốc, rồi Phó Giám đốc Kỹ thuật Nhà máy Sữa Thống Nhất, Xí nghiệp Liên hợp Sữa Cà phê Bánh kẹo 1. Sau đó, bà được cử đi học Quản lý Kinh tế tại Đại học Kinh tế Leningrad, Liên Xô.
Từ tháng 7/1984 – 11/1992, bà Mai Kiều Liên làm Phó Tổng Giám đốc Vinamilk, phụ trách lĩnh vực kinh tế.
Từ tháng 12/1992 đến nay, bà Liên là Tổng Giám đốc Vinamilk. Suốt 12 năm từ 2003 đến 2015, bà còn kiêm nhiệm chức Chủ tịch HĐQT Vinamilk.
Bà Mai Kiều Liên từng là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII nhiệm kỳ 1996 – 2001, thời kỳ giao thoa giữa 2 đời Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải.
Hành trình đưa thương hiệu sữa Việt vươn tầm quốc tế
Đầu thập niên 1990, ba nhà máy sữa của Vinamilk đều tập trung ở phía Nam, việc vận chuyển sản phẩm sữa ra phía Bắc mất rất nhiều thời gian. Điều này đã khiến bà Liên đưa ra quyết định xây dựng nhà máy sữa tại Hà Nội. Kế hoạch của bà vấp phải rất nhiều sự phản đối của các lãnh đạo cấp cao khi ấy vì họ cảm thấy không khả thi.
Phải mất đến 2 năm, bà Liên mới thuyết phục được cấp trên phê duyệt dự án xây nhà máy sữa tại Hà Nội. Với tổng số vốn đầu tư 8 triệu USD, trong đó có một nửa là vốn tự có, Vinamilk đã khánh thành nhà máy sữa Hà Nội vào cuối năm 1994.
Đến năm 2003, nhà nước đồng ý cho Vinamilk cổ phần hóa. Đợt đầu nhà nước bán 20% vốn điều lệ, trong đó một nửa dành cho các cán bộ nhân viên nội bộ. Đợt đấu giá lần 2 vào năm 2005, giảm tỉ lệ sở hữu nhà nước xuống còn 60%. Sau khi cổ phần hóa Vinamilk đã có sự tăng trưởng ấn tượng với doanh số tăng 66 lần, lợi nhuận tăng 116 lần tính đến cuối năm 2013.
Xuất phát điểm không mấy dễ dàng, nhưng đó là câu chuyện của 20 năm về trước. Giờ đây, công ty có số vốn hóa thị trường lên đến 5 tỉ USD, tăng 50 lần so với năm 2003. Đến năm 2014, doanh số dự kiến đạt 36.300 tỉ đồng, mức lợi nhuận sau thuế gần 6.000 tỉ đồng. Từ khi tiến hành cổ phần hóa, quyền tự chủ được nâng cao thì Vinamilk đã cho thấy sự phát triển không ngừng.
Thị phần của Vinamilk liên tục tăng trong nhiều năm , kim ngạch xuất khẩu lên đến 250 USD mỗi năm. Nhờ đó, cổ phiếu của Vinamilk nằm trong rổ VN30 và là cổ phiếu blue chip được nhiều nhà đầu tư săn đón trên sàn chứng khoán.
Với 45 năm gắn bó với Công ty CP sữa Việt Nam, bà Liên cùng các cộng sự của mình đã từng bước đưa thương hiệu sữa Việt gặt hái được nhiều thành công. Để có được những sự thành công như ngày hôm nay, hành trình phát triển của Vinamilk cũng trải qua rất nhiều thăng trầm.
Vinamilk không chỉ là số 1 tại Việt Nam mà thương hiệu sữa “quốc dân” này đã có mặt tại hơn 56 quốc gia và vùng lãnh thổ trong một hành trình đáng nhớ và đầy tự hào.
“Giấc mơ sữa Việt” – Giá trị cho cộng đồng và đất nước
Với tầm nhìn chiến lược, sự cống hiến và tâm huyết dành cho Vinamilk cũng như sự phát triển của ngành sữa Việt Nam, năm 2018, bà Mai Kiều Liên là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên được Forbes Việt Nam vinh danh giải thưởng “Thành tựu trọn đời” với dấu ấn “tư tưởng đổi mới sáng tạo, khả năng hoạch định chiến lược đúng đắn, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, gắn kết người lao động để cống hiến vì mục tiêu chung đưa công ty phát triển”.
Trước đó, bà Mai Kiều Liên là nữ doanh nhân duy nhất của Việt Nam có mặt liên tiếp từ năm 2012-2015 trong danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á do Forbes bình chọn và được tặng giải thưởng Nikkei Asia Prize của Nikkei Inc. Bên cạnh đó, bà Mai Kiều Liên cũng là một trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam do Forbes Việt Nam bình chọn.
12 năm liền là thương hiệu quốc gia, đại diện duy nhất của ASEAN thuộc Top 10 thương hiệu sữa giá trị nhất toàn cầu với định giá 2,4 tỷ USD là những kết quả mà Vinamilk đã đạt được. Điều đó đã minh chứng không chỉ sự lớn mạnh của một doanh nghiệp mà còn cho thấy vị thế của những thương hiệu đại diện cho quốc gia đã không ngừng nuôi dưỡng và vai trò của “nữ tướng” Mai Kiều Liên, người phụ nữ tạo dựng, truyền cảm hứng là không thể phủ nhận.
Bên cạnh những dấu ấn trong sự phát triển của Vinamilk trên thương trường, bà Mai Kiều Liên còn được biết đến là người “truyền lửa” từ chính những giá trị sống, trách nhiệm của mình vào những hoạt động hướng tới cộng đồng của Vinamilk.
Gắn bó với ngành sữa từ một mục đích tốt đẹp và tầm nhìn xa, các quyết định của bà cũng như mọi hoạt động của Vinamilk luôn xoay quanh việc làm sao để đưa đến cộng đồng những sản phẩm dinh dưỡng có lợi nhất cho sức khỏe, làm sao để trẻ em Việt Nam phát triển toàn diện cả về thể chất và trí tuệ. Hàng loạt chương trình hướng về cộng đồng đặc biệt là đối tượng trẻ em đã được Vinamilk thực hiện nhiều năm nay như Chương trình Quỹ sữa vươn cao Việt Nam với hành trình 14 năm, Chương trình Sữa học đường đã thực hiện được 15 năm đem lại lợi ích cho hàng triệu trẻ em Việt Nam.
Từ khi dịch bệnh Covid – 19 bùng phát tại Việt Nam, khi được hỏi về sự thách thức của đại dịch với cương vị là người lãnh đạo Vinamilk, bà cho biết “Mỗi thời kỳ có những thách thức khác nhau nên tôi cũng không dám khẳng định đây là thách thức lớn nhất trong mấy chục năm làm kinh doanh của mình. Khi đối diện với nó, tôi lo nhiều thứ, mà hơn hết là sức khoẻ của người dân và nhân viên Vinamilk”.
Bà cũng từng chia sẻ rằng thành công của một doanh nghiệp không chỉ nằm ở các con số kinh doanh, mà còn ở các giá trị mang đến cho cộng đồng, đất nước cũng như đối tác, khách hàng và cả người lao động của mình. Trong giai đoạn khó khăn chung vì Covid-19, bên cạnh nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”, Vinamilk còn đặt ra mục tiêu thứ 3 đó là chia sẻ các khó khăn với cộng đồng hết sức có thể, cùng đất nước vượt qua đại dịch.
Trong suốt 45 năm đồng hành cùng Vinamilk, bà Mai Kiều Liên đã kiến tạo nên không chỉ là một công ty sữa vững mạnh được trong và ngoài nước công nhận mà còn là một doanh nghiệp hướng về cộng đồng, đem đến nhiều giá trị bền vững cho con người và đất nước và không ngừng chinh phục những đỉnh cao mới.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu