Cây Gòn – người bạn tuổi thơ
Ảnh minh họa. |
Ngẫm cũng lạ, cây gòn không như các loài cây khác trong vùng, gòn ra hoa vào đầu xuân. Khi lá trên cây dần chuyển sắc vàng, từ từ rụng xuống cũng là lúc những chùm hoa be bé nhú ra. Những búp hoa xanh mượt bằng đầu ngón tay, mở tung những cánh hoa trắng ngà ngà. Hương hoa gòn dìu dịu, nhẹ nhàng đằm thắm, giản dị mộc mạc như người dân quê.
Trái gòn thuôn dài, nhọn ở hai đầu, phình ra ở giữa, lớn dần giữa trời xanh. Lúc bấy giờ lá đã rời cành, trên cây chỉ toàn quả là quả, chi chít từ đầu cành đến cuối cành. Chính điểm này mà cây gòn đã để lại trong tôi một niềm thích thú đặc biệt.
Đến giữa hoặc cuối Giêng, gòn lại ra lá. Ban đầu, lá non có màu nâu tía sau chuyển xanh dần. Nằm dưới gốc cây, nhìn lên ngắm những sắc màu của lá, của trái, của cây mới thấy sắc màu thiên nhiên thật tuyệt. Thân gòn xanh rờn, những cụm lá trên cành màu nâu tía, những chùm quả xanh lủng lẳng in trên nền trời xanh trong, thỉnh thoảng có làn mây trắng xốp nhẹ nhàng trôi qua, ta thấy lòng mình bình yên lạ.
Cuối xuân, đầu hạ, lá gòn phủ kín cành, rợp mát cả một khoảnh đất rộng. Trái gòn già chuyển dần sang khô, ngả màu vàng đất nhàn nhạt. Vào ngày nghỉ, chúng tôi thường xuyên tụ tập, vui chơi ở đây. Những trái khô gom được ở dưới gốc có đứa đem về để dành đủ số lượng rồi thay cho ruột gối đã cũ xẹp từ lâu. Còn tôi, nhặt được trái nào là về nhét ngay trên gác mái gian bếp. Khi nào cần, bố tôi sẽ dùng bông gòn xe sợi luồn bật lửa châm điếu, vì hồi đó làm gì có quẹt ga tiện lợi như bây giờ. Cứ như thế, một thời tuổi thơ gắn bó với cây gòn tưởng chừng không bao giờ rời.
Rồi một ngày tôi xa làng, xa người bạn gòn thân thiết để lên tỉnh học tập và làm việc. Cuốn theo dòng đời tất bật. Lâu lâu mới có dịp thăm làng, mỗi lần đi ngang qua chỗ cây gòn, lòng tôi không khỏi rộn ràng, xốn xang. Một trời kỉ niệm lại ùa về.
Đứng bên gốc gòn, nhìn quang cảnh làng quê đang dần thay đổi, tôi lo sợ một ngày không xa, trong nhịp sống hiện đại này, liệu người bạn tuổi thơ của chúng tôi còn có chỗ đứng hiên ngang, sừng sững giữa trời đón nắng, đón mưa và đón những người con thân yêu của làng như bây giờ hay không?
Phạm Thị Thanh Tâm
Nguồn: Báo lao động thủ đô