Cầu Long Biên
(Xây dựng) – Không nhiều lắm trên dải đất Việt Nam có những cây cầu đẹp về thẩm mỹ. Quanh đi quẩn lại vẫn chỉ là cầu Tràng Tiền bắc qua sông Hương ở Huế và cầu Long Biên ở Hà Nội. Với người Hà Nội cũ, cây cầu Long Biên gắn với kí ức hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ vô cùng oanh liệt. Ảnh tư liệu lịch sử còn ghi lại được khá nhiều khoảnh khắc khi đoàn quân viễn chinh Pháp thất trận rút lui bằng đường bộ qua cầu Long Biên xuống Hải Phòng về nước.
Những năm đầu hòa bình 1954, cây cầu đã được đưa vào sử dụng hơn nửa thế kỷ. Nó vẫn còn bền chắc đẹp đẽ như mới. Những người công nhân chia nhau làm công việc tu sửa hàng ngày. Tất cả mọi việc đều được chăm chút tỉ mỉ hoàn toàn bằng tay mà không có bất kì thứ máy móc gì phụ trợ. Ta sẽ rất ngạc nhiên khi biết rằng nhóm thợ sơn với chiếc thùng đựng sơn xách tay và chổi đót tự bó phải bỏ công sức hàng mấy năm trời mới sơn hết chiều dài cây cầu bắc từ phố Hàng Đậu sang Gia Lâm. Khi sơn hết chiều dài cây cầu cũng là lúc phải quay lại đánh rỉ chuẩn bị sơn nước mới. Không có lúc nào vắng bóng những người thợ trên cầu trong suốt hơn nửa thế kỷ ấy.
Lũ trẻ đầu những năm 60 mượn xe đạp người lớn dắt bộ lên dốc cầu Hàng Đậu đạp xe sang Gia Lâm vào buổi tối. Cũng như phố phường Hà Nội lúc bấy giờ, cây cầu vắng hoe từ khoảng bảy giờ tối. Những ngọn đèn vàng thưa thớt trên các trụ cầu không đủ sáng. Mặt cầu bộ hành còn lát ván gỗ cập kênh. Thị trấn Gia Lâm cũng mờ mịt tối khi nhìn xuống con dốc bên kia cầu. Rất ít đứa đủ can đảm để con dốc ấy đi vào thị trấn. Ngọn đèn đầu cầu bên ấy trở thành điểm sáng nhất giữa mênh mông tối đen. Những hôm oi nồng, cà cuống bay về rợp dưới đèn tha hồ bắt. Lũ trẻ quay xe đạp về thực hiện một cú thả dốc Hàng Khoai đầy thú vị. Nó là mục đích chính của chuyến vượt cầu. Thật lạ là không có đứa nào dám dắt bộ ngược chiều lên con dốc ấy để thả xuống. Cứ đúng luật bên trái cầu mà đạp sang tận Gia Lâm để quay về.
Những năm chống Mỹ, cầu Long Biên là một trong điểm đánh phá ác liệt. Khoảng 14 trận bom Mỹ trong hai lần chiến tranh phá hoại đã đánh trúng cây cầu làm hư hỏng hàng nghìn mét chiều dài và sập mất sáu trụ chính. Người Hà Nội phải sửa chữa cầu bằng những vật liệu thô sơ để dùng tạm. Đặt thêm mấy trụ mới bằng lồng thép hình. Lắp đặt những đoạn cầu thẳng thay thế mà không thể làm lại những nhịp uốn hai mê hồn như cũ.
Chẳng biết khi người Pháp cuối thế kỷ XIX khi thiết kế ra cây cầu có quan tâm đến yếu tố tâm linh của người Á Đông không? Hay họ chỉ quan tâm đến một biểu đồ chịu lực kết cấu thép tối ưu nhất? Nhưng rõ ràng cây cầu mang dáng dấp của một con rồng cách điệu hùng vĩ kiêu hãnh vươn lên nền trời đã mặc nhiên thành biểu tượng của kinh thành Thăng Long nghìn năm tuổi. Ở nước mình có khá nhiều cây cầu mang trồng như Hoàng Long, Kim Long… đều không có được thiết kế đầy chất nghệ thuật tạo hình như cầu Long Biên. Thậm chí cây cầu mang hẳn tên là Cầu Rồng mới xây dựng ở Đà Nẵng, người ta đã làm hình con rồng vàng chóe đủ cả đầu đuối và phun lửa cũng không gây hiệu quả tạo hình như mong muốn. Nó chỉ là một cách kể lể rồng rắn hiện thực có phần thô mộc nhạt nhẽo.
Cầu Long Biên đã tồn tại hơn một thế kỷ. Trải qua bao tao loạn và thời gian phá hủy nó chỉ còn lại được như ngày nay chúng ta thấy. Cho đến lúc này công năng của nó vẫn chưa hề thay đổi. Nó được làm ra ban đầu để phục vụ tuyến đường sắt duy nhất qua sông Hồng thì bây giờ vẫn thế. Nó được dành cho người dân nghèo hai bên đầu cầu qua lại làm ăn buôn thúng bán mẹt thì bây giờ vẫn thế. Chỉ khác phương tiện bây giờ không còn gồng gánh như xưa nữa mà thôi.
Tag: cầu Long Biên, lịch sử, vật liệu thô sơ, Hà Nội
Nguồn: Báo xây dựng