Cầu Giấy (Hà Nội): Khoảng gần 600m2 tầng 1 bị bỏ hoang tại toà nhà 17T-10 phố Nguyễn Thị Định
(Xây dựng) – Năm 2004 – 2005, Nhà nước mở nút giao thông ngã Tư Sở, Thành phố Hà Nội, đã tái định cư trên 1.000 hộ gia đình về ở các khu chung cư: Làng Quốc tế Thăng Long, Khu cao tầng Dịch Vọng, Định Công, Đền Lừ. Trong đó có 192 hộ nhà mặt đường kinh doanh ở Tây Sơn, Đường Láng và đường Trường Chinh, quận Đống Đa, Hà Nội được về ở khu Chung cư cao tầng 17T-10 phố Nguyễn Thị Định, Trung Hòa Nhân Chính, Hà Nội. Tòa có trên 700m2 do Tổng Công ty CP Vinaconex xây dựng.
Tại toà nhà 17T-10, phần lớn diện tích tầng 1 bị bỏ không, sập xệ, khiến người dân xót xa. |
Theo đó, tại tầng 1 toà nhà cho đối tác khác thuê. Trong khi đó, các hộ dân nhà ở mặt đường đang kinh doanh, tái định cư về đây cần cửa hàng để bảo đảm cuộc sống thường ngày, lại không được thuê. Các hộ dân ở đây đã nhiều lần làm đơn kiến nghị gửi các cấp…nhưng không được giải quyết. Một số đối tác đang thuê, sau một thời gian có nhiều vấn đề, đã chuyển đi nơi khác. Người dân ở đây đã chiếm lại 1 phần để làm nhà sinh hoạt cộng đồng. Còn lại gần 600m2 diện tích tầng 1 bị bỏ hoang gần 20 năm nay. Các hộ kinh doanh tái định cư mong từ ngày được thuê để ổn định cuộc sống.
Qua sự việc trên, phóng viên đã làm việc với bà Nguyễn Thị Phúc – cán bộ Công an nghỉ hưu, hiện đang làm Trưởng Ban quản trị Tòa nhà cho biết: Các hộ tái định cư về đây, phần lớn sống bằng kinh doanh buôn bán tại nhà mặt đường. Về đây không có việc làm, không biết trông vào đâu? Nên rất khó khăn trong cuộc sống. Có nhiều hộ phải bán nhà ở đây đi, mua, thuê ở chỗ khác sinh sống. Các trang thiết bị phục vụ chung cư xuống cấp, cần kinh phí sửa chữa không có.
Theo Quyết định số 65/2004/QĐ-UB và Nghị quyết 03/2008/NQ-HĐND của HĐND thành phố Hà Nội dành ưu tiên cho người dân Tòa nhà tái kinh doanh, có 1 phần kinh phí bảo trì vận hành Tòa nhà chung cư, nhưng vẫn chưa được thực hiện.
Theo ông Phạm Đình Thái – nguyên Giám đốc Công ty CP Cơ điện Thăng Long – gia đình cũng nằm trong diện tái định cư về đây cho biết: Thị trường giá đất mặt đường lúc đó, khoảng 80 triệu đồng/1m2, Nhà nước đền bù theo từng loại vị trí giá đất từ 10 triệu đồng đến 23.5 triệu đồng/1m2, được hỗ trợ tái kinh doanh từ 12 – 18 triệu đồng/1 hộ có kinh doanh đã đóng thuế trên 1 năm. Vì hỗ trợ quá ít, nên có hộ chưa nhận tiền.
Những hộ kinh doanh tái định cư gần hai chục năm nay, vẫn mong mỏi Cơ quan chức năng hỗ trợ, tạo điều kiện để các hộ ở đây đấu giá theo quy trình: Ưu tiên các doanh nghiệp, hộ kinh doanh mặt đường, chưa nhận tiền hỗ trợ tái kinh doanh. Doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã nhận tiền hỗ trợ và nhà mặt đường không kinh doanh rồi đến nhà bên trong.
Mới đây, ngày 14/09/2022, Ban quản trị Tòa chung cư 17T-10 nhận được thông báo của Công ty Đấu giá Hợp danh Lạc Việt thời gian niêm yết đăng ký: Từ 14 đến 30/09/2022. Ai có nhu cầu thuê tầng 1 để tái kinh doanh dịch vụ, thì đăng ký tham gia đấu giá với các tiêu chí và giá khởi điểm thấp nhất từ 289.000 đồng/m2 trở lên. Với giá này, đối với các hộ ở đây là quá cao, không thể đầu tư kinh doanh thu hồi vốn và có lãi. Vì vậy, các hộ ở đây không đăng ký đấu giá thuê. Chính vì giá chưa hợp lý, nên gần 600 m2 tầng 1 để không, bỏ phí gần 20 năm nay, lãng phí nhiều tỷ đồng.
Theo các hộ tái định cư ở đây cho biết: Nếu giá cao quá thì không chịu nổi. Vì kinh doanh hiện nay rất khó khăn. Nhất là dịch Covid-19 vừa qua còn chưa chấm dứt, nên Nhà nước cần điều chỉnh hỗ trợ với mức thấp nhất. Mới có thể bảo đảm được tiền chi, thu có lãi, thêm phần nào cho các hộ tái định cư nơi đây ổn định cuộc sống.
Qua đây cho thấy: Thành phố Hà Nội cần xem xét, kiểm tra những trường hợp tương tự trên, để chỉ đạo giải quyết, phù hợp với hoàn cảnh và cuộc sống hiện tại của những hộ kinh doanh tái định cư. Họ đã chấp hành chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước, để phục vụ lợi ích chung cho xã hội. Cần được quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa cho những hộ dân tái định cư.
Nguồn: Báo xây dựng