Cầu Giấy (Hà Nội): Chuyên gia nói gì về quy hoạch Khu 5.2ha?

(Xây dựng) – Liên quan đến nội dung cử tri phường Yên Hòa (Cầu Giấy) kiến nghị Thành phố Hà Nội đồng ý cho áp dụng Thông tư 01/2021/TT-BXD để điều chỉnh Quy hoạch tổng thể Khu 5.2ha. Chuyên gia về quy hoạch, kiến trúc, xây dựng đề nghị Hà Nội nên bầy tỏ rõ quan điểm có áp dụng Thông tư 01/2021/TT-BXD của Bộ Xây dựng cho việc điều chỉnh quy hoạch khu vực này hay không? Còn chuyên gia pháp lý phân tích, có thể xem xét áp dụng “hồi tố” văn bản quy phạm pháp luật.

Như đã thông tin ở bài trước, khu nhà ở biệt thự, liền kề 5,2ha tại phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội được quy hoạch từ đầu những năm 2000. Đến nay, quy hoạch này đã cũ, phát sinh nhiều bất cập và không còn phù hợp, gây khó khăn cho trong việc xây dựng nhà ở, từ đó phát sinh nhiều vấn đề liên quan công tác quản lý, cấp phép trong lĩnh vực xây dựng và ảnh hưởng chung đến an ninh trật tự xã hội.

cau giay ha noi chuyen gia noi gi ve quy hoach khu 52ha
Do quy hoạch có nhiều bất cập nên nhiều căn nhà bị bỏ hoang, có những căn không liên lạc được với chủ nhà.

Nhiều người dân sinh sống Khu 5,2ha (Khu đô thị Yên Hòa) chia sẻ, thực trạng bất cập trong quy hoạch tại khu vực này và bày tỏ tâm tư nguyện vọng đề nghị các cơ quan chức năng xem xét, tạo điều kiện, thay đổi quy hoạch. Cụ thể, người dân đã nhiều lần kiến nghị trong các cuộc họp cử tri phường Yên Hòa đề nghị chính quyền xem xét thay đổi quy hoạch khu vực này. Lý do vì thực tế diện tích đất ở đây dao động từ hơn 100- 400m2. Trong khi mật độ xây dựng ở khu vực này theo quy định cũ rất thấp, chỉ từ hơn 20%-60%, số tầng chỉ được 2-3 tầng 1 tum, hướng cửa nhà cũng không thuận tiện trong sinh hoạt, không được xây hầm để xe, gây bất tiện và mất an toàn, an ninh.

Người dân đặt câu hỏi, vì sao Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 01/2021/TT-BXD, hướng dẫn quy chuẩn quốc gia về Quy hoạch xây dựng, nhưng đến nay chưa được áp dụng để điều chỉnh quy hoạch khu vực này cho phù hợp nhu cầu thực tế của người dân?

Từ đó, người dân đề nghị với các cơ quan chức năng sớm nghiên cứu, xem xét điều chỉnh quy hoạch tổng thể Khu 5,2ha, phường Yên Hòa theo hướng cho phép tăng thêm mật độ xây dựng, được phép tăng thêm 1 tầng và 1 tầng hầm (sau điều chỉnh tối đa không quá 5 tầng cao, 1 tầng hầm, 1 tum) cho phù hợp với nhu cầu thiết thực của người dân và xem xép áp dụng tiêu chuẩn của Thông tư 01/2021/TT-BXD của Bộ Xây dựng khi điều chỉnh.

Được biết, hiện nay tại Khu 5,2ha có 95 hộ sinh sống, khi lấy ý kiến về kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch thì 94 hộ đồng ý điều chỉnh, 1 hộ có ý kiến về phương pháp lấy ý kiến.

cau giay ha noi chuyen gia noi gi ve quy hoach khu 52ha
Nhiều người dân bỏ nhà hoang, số khác bán nhà khi nhận thấy bất cập trong quy hoạch tại khu vực này.

Theo ông Nguyễn Xuân Quang – Phó Chủ tịch UBND phường Yên Hòa: Sau khi được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch từ năm 2000, đến nay Khu 5,2ha đã từng được điều chỉnh 5 lần, nhưng điều chỉnh cục bộ từng khu vực, từng lô chứ không phải điều chỉnh tổng thể, hiện vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu thực tại của người dân và dẫn đến tình trạng người dân cho là thiếu công bằng trong công tác điều chỉnh quy hoạch. Sau 5 lần điều chỉnh Khu 5,2 ha đã tăng số ô đất từ 90 lên 112 ô, mật độ xây dựng sau mỗi lần điều chỉnh đều tăng lên, có những ô đất được điều chỉnh tăng gấp 3,25 lần mật độ xây dựng cũ.

Chia sẻ với những khó khăn của người dân tại khu vực này, KTS.Phạm Thanh Tùng – Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, việc điều chỉnh theo kiểu “xôi đỗ”, chưa thống nhất thì cơ quan chức năng cần giải thích rõ ràng, đồng thời minh bạch, công khai thông tin để mọi người nắm được, tránh sự mất công bằng và hạn chế khiếu kiện vượt cấp, kéo dài. Còn việc vì sao hiện nay Thành phố chưa áp dụng thông tư 01/2021/TT-BXD để điều chỉnh quy hoạch cho khu này thì Hà Nội cũng nên giải thích để người dân biết.

cau giay ha noi chuyen gia noi gi ve quy hoach khu 52ha
Thông tư 01/2021/TT-BXD có nhiều điểm mới, phù hợp với thực tế hiện nay.

Ông Đỗ Thành Tích, Giám đốc Công ty Xây dựng Bạch Đằng, đơn vị chuyên thi công xây dựng nhà ở tại đô thị có nhận định: Nói chung trên cả nước, nếu giữ các chỉ tiêu về quy hoạch cũ mà không điều chỉnh cho người dân theo Thông tư 01/2021/TT-BXD thì rất bất cập và giảm đi ý nghĩa tốt đẹp, tiên tiến của thông tư này. Bởi lẽ, Thông tư 01/2021/TT-BXD của Bộ Xây dựng quy định rất cụ thể, rất có lợi cho người dân. Ví dụ như, thay vì những ô đất có diện tích 100m2, theo quy định cũ mật độ xây dựng chỉ được 60% thì nay đã tăng lên 90%,… đây chính là hướng gỡ nút thắt cho nhà ở tại đô thị lớn hiện nay nhất là những đô thị chật chội đông đúc như Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Nếu Thông tư không thể đi vào đời sống, những thay đổi tốt đẹp nếu chỉ “nằm trên giấy” thì thật đáng tiếc, cần phải xem xét lại cách hiểu, cách tiếp cận của những người thực thi pháp luật, những “công bộc” của dân.

Còn theo Luật sư Lê Hữu Linh (Đoàn Luật sư Hà Nội), “hồi tố” trong văn bản pháp luật đã được quy định tại Khoản 1, Điều 152, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015. Theo đó, hiệu lực trở về trước của văn bản quy phạm pháp luật: “Chỉ trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm lợi ích chung của xã hội, thực hiện các quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân được quy định trong luật, nghị quyết của Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan trung ương mới được quy định hiệu lực trở về trước”.

Nói cho dễ hiểu thì việc áp dụng các văn bản pháp luật mới có lợi hơn cho người dân, xã hội cần được cơ quan chức năng xem xét áp dụng, từ đó đề cao tính nhân văn, tính mới của văn bản quy phạm pháp luật mới. Trong trường hợp này, có thể áp dụng “hồi tố” văn bản quy phạm pháp luật để giải quyết “nút thắt” những bất cập trong công tác quy hoạch – Luật sư Linh phân tích.

Như vậy, thực tế có những tồn tại, bất cập, theo quy hoạch cũ tại Khu 5,2ha, phường Yên Hòa nói riêng và một số khu đô thị nói chung trên cả nước. Chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận và coi như đó là những “vết sẹo” trong công tác quy hoạch. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu, xem xét hướng tháo gỡ khó khăn cho người dân.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích