Câu chuyện về khởi nghiệp
Rời Thế Giới Di Động vào năm 2018 khi đang là Giám đốc ngành hàng phụ kiện, anh Nguyễn Lê Quốc Tuấn – Tổng Giám đốc Sông Hương Foods nay đã trở thành một trong những người tiên phong trong việc đưa cà pháo, mắm tôm, bánh nậm, bánh lọc… xuất sang thị trường Mỹ. Năm 2023, chuyến xuất khẩu đầu tiên đạt 240.000 USD, cả năm dự kiến đạt 1,5 – 2 triệu USD.
Anh Nguyễn Lê Quốc Tuấn – Tổng Giám đốc Sông Hương Foods. |
Dù đã giúp cho Sông Hương Foods tiến những bước tiến dài nhưng anh Tuấn vẫn còn “lấn cấn” khi phụ trách kinh doanh các sản phẩm làm từ tôm, cá trong khi bản thân là người ăn chay trường. Chính điều này khiến anh suy tư và cố gắng phát triển những sản phẩm mới làm từ thực vật. Năm 2022, anh đã hiện thực hoá được điều này khi đã mua một nhà hàng chay mang tên Phước Lạc Duyên (Tây Ninh) và thành lập một công ty chuyên xuất nhập khẩu những sản phẩm chay sang Mỹ và các quốc gia khác.
Anh Tuấn cho biết, sẽ xuất khẩu các sản phẩm chay chuẩn OCOP sang Mỹ với tên “Út Chinh”. “Út nghĩa là con út trong gia đình Việt Nam, còn Chinh là chinh phục. Do đó, thương hiệu này được đặt tên với ước nguyện để người Việt Nam khi sống tại Mỹ và các quốc gia khác khi nhìn vào tên sản phẩm sẽ nhớ về Việt Nam”, anh Tuấn nói.
Ước mơ lớn nhất và cũng chính là mục tiêu trong năm 2024 của anh Tuấn là tập hợp được toàn bộ các đặc sản gia truyền của mọi vùng miền trên Tổ quốc để xuất khẩu ra thế giới. Nhằm giúp cho mọi người Việt ở nước ngoài thưởng thức được toàn bộ đặc sản quê hương, qua đó cũng góp phần quảng bá nền ẩm thực độc đáo của các vùng miền Việt Nam.
Theo anh Tuấn, với lợi thế đã từng làm việc với doanh nghiệp tại Mỹ và có kinh nghiệp trong phát triển các sản phẩm xuất khẩu, do đó, khi các startup hoặc doanh nghiệp cần, anh sẽ hỗ trợ đưa sản phẩm của họ đi xuất khẩu, miễn là đáp ứng yêu cầu là sản phẩm đặc sản gia truyền và đạt chuẩn OCOP. Từ các quy trình sản xuất sản phẩm chuẩn xuất khẩu, đóng gói, R&D, giấy phép FDA, các loại giấy phép khác để xuất khẩu… đều sẽ được anh Tuấn hỗ trợ.
Bên trong nơi sản xuất bánh nậm, bánh lọc xuất khẩu sang Mỹ của Sông Hương Foods. |
Anh Tuấn cho biết, để làm ra một sản phẩm xuất khẩu không đơn giản và khác hoàn toàn so với sản phẩm phục vụ cho thị trường trong nước. Sản phẩm xuất đi nước ngoài không chỉ là hàng hoá, mà còn là bộ mặt của doanh nghiệp cũng như là hình ảnh của đất nước Việt Nam. Vì vậy, với những kinh nghiệm đã từng làm việc với thị trường Mỹ, Nhật, Hàn… anh Tuấn tự tin sẽ làm tốt việc hỗ trợ các doanh nghiệp trên toàn quốc muốn đưa sản phẩm đi xuất khẩu.
Chia sẻ với các startup sẽ khởi nghiệp trong năm mới, anh Tuấn cho biết, để thành công, startup cần phải tập trung vào hai điều. Thứ nhất, startup cần phải làm điều mình giỏi nhất, sản phẩm mà mình làm tốt nhất hay dịch vụ mà mình làm tốt nhất; có như vậy, mới có thể chinh phục được khách hàng.
Thứ hai, muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì cần phải có đồng đội. Cho nên, các bạn phải có đồng đội để hoàn thiện startup, để góp ý cho doanh nghiệp của mình. Như chính bản thân tôi, nếu không có đồng đội, có lẽ cũng bị thất bại từ lâu.
Nói về khởi nghiệp, anh Tuấn cho hay: “Khi bản thân bắt đầu kinh doanh đã ngốn khá nhiều tiền, nhưng may mắn bây giờ tôi đã thu lại được. Nếu startup không có tiền sẵn thì buộc phải kêu gọi đầu tư. Nhưng để người ta tin rót tiền vào đầu tư thì startup cần phải chứng minh tốt hai yếu tố tôi đã nói trên”.
Một cánh én không làm nên mùa Xuân, nhưng có một cây lại sẽ có rừng. Nếu muốn quốc gia hưng thịnh, cộng đồng doanh nghiệp phải mạnh. Muốn cộng đồng doanh nghiệp mạnh phải bắt đầu từ những bước đi đầu tiên. Startup là bước đi đầu tiên như thế. Câu chuyện về anh Tuấn nêu trên không phải là để truyền thông hình ảnh mà muốn kể ra như một lời mạn đàm đầu năm rằng tuổi trẻ phải có ước mơ, hoài bão để khẳng định giá trị của mình… |
Minh Tuấn
Nguồn: Báo lao động thủ đô