Câu chuyện tăng trưởng của chủ HEAD Doanh Thu khi đòn bẩy tài chính cao
Công ty TNHH Thương Mại và Dịch vụ tổng hợp Việt Nhật (Công ty Việt Nhật) là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phân phối và sản xuất xe máy tại thị trường Việt Nam. Trong bối cảnh nhu cầu thị trường tăng trưởng chậm lại, công ty vẫn ghi nhận những kết quả doanh thu ổn định nhờ mở rộng mạng lưới phân phối. Tuy nhiên, việc sử dụng đòn bẩy tài chính cao đã đặt ra những câu hỏi về tính bền vững trong dài hạn.
Theo dữ liệu của VietnamFinance, năm 2023 Công ty Việt Nhật ghi nhận doanh thu hơn 1.528,1 tỷ đồng, tăng hơn 80 tỷ đồng, tương đương tăng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu bán hàng là hơn 1.502,9 tỷ đồng và doanh thu cung cấp dịch vụ gần 25,2 tỷ đồng.
Lợi nhuận gộp của công ty ghi nhận hơn 145,9 tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, giá vốn bán hàng trong kỳ tăng gần 5% lên mức gần 1.382,2 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính của công ty là hơn 5,7 triệu đồng. Chi phí tài chính tăng gần 41% lên hơn 17,4 tỷ đồng (chủ yếu là chi phí lãi vay). Trong khi đó, công ty kiểm soát tốt chi phí bán hàng khi giảm được hơn 20 tỷ đồng xuống còn hơn 38,2 tỷ đồng (số đầu năm là hơn 58,5 tỷ đồng); chi phí quản lý doanh nghiệp hiện là hơn 53,6 tỷ đồng.
Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty là hơn 36,6 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế là hơn 34,9 tỷ đồng.
Kết thúc năm 2023, Công ty Việt Nhật báo lãi sau thuế hơn 27,6 tỷ đồng, tăng gấp 16,6 lần so với cùng kỳ năm 2022 (báo lãi hơn 1,6 tỷ đồng). Đây cũng là một điều mà Công ty Việt Nhật làm tốt hơn các công ty khác cùng ngành khi mà công ty Kường Ngân dù doanh thu nghìn tỷ vẫn báo lỗ.
Tổng cộng tài sản của Công ty Việt Nhật tính đến cuối năm 2023 là hơn 556,1 tỷ đồng, tập trung ở tài sản ngắn hạn với hơn 429,6 tỷ đồng. Thời điểm này, công ty có hơn 1,7 tỷ đồng tiền mặt và hơn 5,7 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng.
Hàng tồn kho của công ty ghi nhận tới cuối năm 2023 là hơn 377,1 tỷ đồng (chủ yếu là hàng hoá), hiện đang chiếm 87,8% tài sản ngắn hạn.
Đến cuối năm 2023, nợ phải trả của Công ty Việt Nhật là hơn 405,4 tỷ đồng, tập trung ở nợ ngắn hạn. Trong đó, chiếm phần lớn là Phải trả ngắn hạn khác (hơn 250,06 tỷ đồng) và Người mua trả tiền trước ngắn hạn với gần 34,7 tỷ đồng.
Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của Công ty Việt Nhật là hơn 101,7 tỷ đồng, trong kỳ hồi đầu năm con số này là gần 250 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu của công ty thời điểm cuối 2023 là hơn 150,7 tỷ đồng. Như vậy, hiện hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu (D/E) của công ty là gấp 2,7 lần. Đây là một chỉ số thể hiện mức độ đòn bẩy tài chính cao. Điều này cho thấy công ty đang phụ thuộc lớn vào nợ vay để tài trợ cho hoạt động kinh doanh và phát triển.
Theo ông Đinh Văn Hoàng, Viện trưởng Viện Phát triển Doanh nghiệp và chính sách thì một tỷ lệ D/E cao sẽ mang lại cả lợi ích lẫn rủi ro. Việc sử dụng đòn bẩy tài chính cao giúp công ty có thể mở rộng quy mô và gia tăng doanh thu vượt qua mức có thể đạt được nếu chỉ dựa vào vốn chủ sở hữu. Nếu sử dụng vốn vay một cách hiệu quả và lãi vay không vượt quá lợi nhuận tạo ra, công ty sẽ có khả năng tăng giá trị cổ đông. Đi kèm với đó là rủi ro tài chính lớn. Nếu dòng tiền không đủ để thanh toán nợ hoặc chi phí lãi vay tăng (do lãi suất thị trường biến động), công ty có thể đối mặt với nguy cơ mất khả năng thanh toán và ảnh hưởng đến giá trị doanh nghiệp.
Cũng theo ông Hoàng thì mặc dù tỷ lệ nợ cao mang lại tiềm năng mở rộng nhanh chóng, doanh nghiệp trong hoàn cảnh này cần cẩn trọng trong việc quản lý các khoản vay và cơ cấu tài chính. Tính bền vững và ổn định lâu dài của công ty sẽ phụ thuộc vào việc kiểm soát tốt đòn bẩy tài chính, đồng thời tận dụng các nguồn lực sẵn có để duy trì sự phát triển trong môi trường kinh doanh cạnh tranh. Ông cũng đưa ra một vài khuyến nghị chiến lược đối với doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính cao như sau: Thứ nhất cần kiểm soát nợ vay doanh nghiệp cần đánh giá lại hiệu quả sử dụng vốn vay, đồng thời xây dựng kế hoạch tái cơ cấu nợ nếu cần thiết để giảm thiểu rủi ro thanh khoản.Thứ hai là doanh nghiệp có thể xem xét các phương án tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu hoặc thu hút nhà đầu tư chiến lược để cải thiện cân đối tài chính. Ngoài ra doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược quản lý rủi ro tài chính hiệu quả nhằm bảo vệ doanh nghiệp trước các biến động lãi suất và điều kiện thị trường.
Nguồn: hoanhap.vn