Câu chuyện học phí đại học

Câu chuyện học phí đại học
Ảnh minh họa: Nguồn TTXVN

Theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo thì các trường sẽ được tự quyết học phí nếu kiểm định chương trình đào tạo. Điều này, tạo nên làn sóng đua nhau thực hiện kiểm định để tăng học phí. Trên thực tế, có nhiều trường đã tăng học phí lên rất cao, có những trường không mở ngành học bình thường nhưng lại mở ngành chất lượng cao.

Đại biểu Nghĩa lập luận, “nếu là dự án BOT sẽ là đường cũ để dân đi, nếu người nào có tiền thì đi đường mới với sự đầu tư mới”. Tuy nhiên, nhiều trường có những ngành học tăng học phí từ khoảng 20, 30 triệu đồng lên 60 triệu đồng bởi chỉ có “đường BOT”; còn chất lượng cao có điểm đầu vào thấp hơn chất lượng bình thường, chỉ tăng thêm một số môn học, sau khi kiểm định xong thì tăng học phí.

Nhìn vào bức tranh giáo dục đào tạo hiện nay nói chung và đào tạo đại học nói riêng chúng ta đã từng nêu lên rất nhiều bất cập. Nào là các trường đại học thì mọc lên quá nhiều, chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội, trong khi hệ thống trường nghề, trường cao đẳng (đào tạo lao động chất lượng cao) vẫn teo tóp dẫn đến nguồn cung lao động không cao, năng suất lao động chưa được cải thiện. Không những thế, cùng với sự nở rộ các trường đại học, thì thời gian qua, các trường cũng đua nhau mở rộng các khoa, các chuyên ngành đào tạo. Có cầu ắt có cung. Tâm lý cho con học đại học thay vì đi học nghề đã ăn sâu vào suy nghĩ rất nhiều gia đình, nên sự mở rộng và “rộng mở” các trường, các khoa, các chuyên ngành đào tạo là đương nhiên. Khi thí sinh không có khả năng vào các trường có tiếng thì vẫn đủ điểm vào các trường tốp dưới hoặc hệ thống trường công lập.

Sự thật là thế, song có điều mà đại biểu Nghĩa đề cập ở trên và qua thực tế chúng ta có thể nhận thấy, không ít trường cả tốp đầu hay tốp cuối, cả hệ thống đại học dân lập mở các chuyên ngành gọi là chất lượng cao, chuyên ngành “hót” chưa biết chất lượng đào tạo thế nào nhưng được xếp ngành học chất lượng cao là học phí cũng tăng cao. Thậm chí, ví như lĩnh vực rất khó là đào tạo sinh viên y khoa, một số trường không chuyên ngành cũng được phép đào tạo.

Thiết nghĩ để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và minh định chất lượng đi đôi với mức học phí trong bối cảnh các trường tự chủ như hiện nay cần phải thanh tra toàn diện vấn đề học phí.

L.Hà

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích