Câu chuyện hoàn thuế
Mặc dù tính chung 10 tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động vẫn tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước, nhưng tỷ lệ rút khỏi thị trường là gần 8/10 (cứ 10 doanh nghiệp gia nhập thị trường, thì có 8 doanh nghiệp rút khỏi thị trường).
Không cần phải là một chuyên gia cũng có thể thấy rằng, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập tăng là một chỉ dấu tốt, nhưng những doanh nghiệp đang hoạt động, đang đóng thuế mới chính là yếu tố trực tiếp quyết định tăng trưởng. Khi những doanh nghiệp này tạm dừng hoạt động hoặc rời khỏi thị trường thì đó là những mất mát thật so với cái được vẫn còn ở dạng tiềm năng.
Ảnh minh họa. |
Thế nhưng, như chính kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện các quy định pháp luật về hoàn thuế giá trị gia tăng đối với xuất khẩu” của Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội đã chỉ rõ, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khi dòng tiền hoàn thuế đang ách tắc. Ngành thuế vừa qua đã quá nhấn mạnh các yếu tố rủi ro và xem nhẹ các yếu tố về lịch sử tuân thủ của người nộp thuế trong quản lý rủi ro.
Một trong những ví dụ cụ thể là từ năm 2020-2023, Tổng cục Thuế đã ban hành tới 27 văn bản chỉ đạo và yêu cầu cơ quan thuế các cấp phối hợp thực hiện rà soát xác minh việc cung ứng hàng hóa, dịch vụ đầu vào qua các khâu cũng như xác minh đầu ra của doanh nghiệp.
Trong khi đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong phân loại tự động hồ sơ hoàn thuế đã được quy định từ năm 2021 (Thông tư số 31/2021/TT-BTCT), nhưng theo báo cáo của Tổng cục Thuế và theo phản ánh của một số cục thuế, hiện tại, vẫn chưa có một ứng dụng quản lý rủi ro nào được sử dụng để hỗ trợ cho các cục thuế trong công tác phân loại và giải quyết hồ sơ hoàn thuế. Có doanh nghiệp phản ánh với đoàn giám sát họ đã phải chờ đợi đến 3 năm mà vẫn chưa được hoàn thuế.
Việc tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp đang hoạt động và đóng thuế là một yếu tố vô cùng quan trọng trong cải thiện môi trường kinh doanh, hơn nữa, sẽ trực tiếp tạo ra tăng trưởng.
Nói như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Hoàn thuế là nghĩa vụ của Nhà nước, doanh nghiệp không xin, đây là tiền của doanh nghiệp. Do đó, cơ quan Nhà nước phải hướng dẫn thủ tục. Ai sai, ai vi phạm pháp luật thì xử lý; cán bộ thuế sai thì phải xử lý cán bộ thuế, không thể để trì trệ, loay hoay mãi.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần phải rà soát các quy định của pháp luật, quy trình và cách thức triển khai công tác hoàn thuế, xét xem điều gì có thể cải tiến được, thay đổi được, rút ngắn quy trình này lại, vừa bảo đảm yêu cầu nhanh, chính xác, phòng ngừa rủi ro, chống gian lận, lậu thuế trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng.
Nguồn: Báo lao động thủ đô