Cầu Châu Đốc: Là đòn bẩy, tạo động lực phát triển kinh tế biên mậu

(Xây dựng) – Sáng 23/4, UBND tỉnh An Giang đã long trọng tổ chức Lễ thông xe cầu Châu Đốc. Cầu Châu Đốc có tổng chiều dài cầu là 667m, với tổng mức đầu tư hơn 534 tỷ đồng bằng ngân sách Trung ương và địa phương. Đây là cầu bắc qua sông Hậu nối liền từ thị xã Tân Châu đến thành phố Châu Đốc, để An Giang liên kết vùng với tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp.

Cầu Châu Đốc: Là đòn bẩy, tạo động lực phát triển kinh tế biên mậu
Các đại biểu tiến hành nghi thức thông xe cầu Châu Đốc.

Theo đó, cầu Châu Đốc thuộc dự án xây dựng tuyến đường liên kết vùng đoạn từ thị xã Tân Châu đến thành phố Châu Đốc, kết nối với tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp được HĐND tỉnh An Giang phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 42/NQ-HĐND ngày 08/12/2020.

Dự án có tổng chiều dài toàn tuyến là 20,96km, tổng mức đầu tư 2.131 tỷ đồng, được chia làm 3 gói thầu thi công xây lắp. Sau hơn 24 tháng thi công, gói thầu số 17 cầu Châu Đốc và đường dẫn vào cầu thuộc dự án xây dựng tuyến đường liên kết vùng, đoạn từ thị xã Tân Châu đến thành phố Châu Đốc đã được hoàn thành, vượt tiến độ theo kế hoạch đề ra là 9 tháng.

Trong đó, phần cầu Châu Đốc (Km16+483): Được xây dựng cầu bê tông cốt thép vĩnh cửu; Mặt cắt ngang cầu rộng 14m đảm bảo cho 02 làn xe cơ giới (2×3,5m) + 2 làn xe hỗn hợp (2×3,0m) và lan can cầu (2×0,5m). Tổng chiều dài cầu là 667m. tổng vốn đầu tư cầu hơn 534 tỷ đồng bằng ngân sách Trung ương và địa phương. Do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang làm chủ đầu tư.

Cầu Châu Đốc: Là đòn bẩy, tạo động lực phát triển kinh tế biên mậu
Ông Lê Văn Phước – Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang phát biểu tại buổi lễ.

Phát biểu tại Lễ thông xe cầu Châu Đốc, ông Lê Văn Phước – Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: Cầu Châu Đốc được bắc qua sông Hậu, là công trình giao thông quy mô lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần thông tuyến Quốc lộ N1, kết nối theo trục ngang của các tỉnh Tây Nam bộ nằm trên trục hành lang biên giới các tỉnh: Long An – Đồng Tháp – An Giang – Kiên Giang; qua đó, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ và hiện đại liên vùng, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và của tỉnh An Giang nói riêng, gắn với mục tiêu đảm bảo quốc phòng – an ninh khu vực biên giới phía Tây Nam của Tổ quốc.

Cầu Châu Đốc: Là đòn bẩy, tạo động lực phát triển kinh tế biên mậu
UBND tỉnh An Giang tặng bằng khen cho những hộ dân đóng góp lớn cho việc xây dựng cầu Châu Đốc.

Bên cạnh việc góp phần thông tuyến Quốc lộ N1, cầu Châu Đốc với vị trí giao thoa, còn góp phần khơi thông kết nối, đồng bộ tải trọng đường bộ với các tuyến Quốc lộ 91, Quốc lộ 91C và Quốc lộ 80B; khơi thông kết nối, đồng bộ tải trọng trong khu vực, rút ngắn thời gian di chuyển; cầu Châu Đốc còn là đòn bẩy, tạo động lực trong phát triển kinh tế biên mậu, du lịch, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp… góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 05 năm 2021 – 2025 của tỉnh An Giang đã đề ra. Đồng thời, đáp ứng sự kỳ vọng, mong chờ của nhân dân tỉnh An Giang nói chung, của thành phố Châu Đốc và thị xã Tân Châu nói riêng.

Cầu Châu Đốc: Là đòn bẩy, tạo động lực phát triển kinh tế biên mậu
Cầu Châu Đốc đã thông xe giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ Đồng Tháp đi Kiên Giang.

Thông xe cầu Châu Đốc, đánh dấu sự kiện cây cầu thứ 3 bắc qua sông Hậu được đưa vào khai thác, sử dụng phục vụ nhân dân, nhân kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2024).

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích