Cắt giảm mạnh mẽ lượng khí thải từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch để đạt mức phát thải ròng bằng ‘0’
Ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch từ lâu đã sử dụng công nghệ thu hồi carbon, hút carbon dioxide ra khỏi không khí và lưu trữ sâu dưới lòng đất như một loại thuốc chữa bách bệnh khí hậu. Nhưng các nhà môi trường lo ngại rằng công nghệ này, vốn có nhiều thành tích chưa rõ ràng và chưa bao giờ được triển khai rộng rãi, có thể trở thành tấm bình phong khiến việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch kéo dài trong nhiều thập kỷ tới.
Tác động của tình trạng tăng lượng khí thải từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và nạn phá rừng sẽ nghiêm trọng hơn trong 2024 khi El Nino làm suy giảm khả năng hấp thụ CO2 của rừng nhiệt đới.
Mới đây Cơ quan khí tượng Anh (Met) dự báo nồng độ khí CO2 trong bầu khí quyển tăng lên trong năm 2024 sẽ vượt ra ngoài lộ trình cần có để kiềm chế nhiệt độ Trái Đất không tăng quá 1,5 độ C. Các nhà nghiên cứu một lần nữa khẳng định chỉ có cắt giảm mạnh mẽ lượng khí thải mới giữ cho mục tiêu này khả thi.
Met tin rằng điều này sẽ dẫn khiến nồng độ CO2 trung bình năm 2024 tăng đáng kể, dự báo nồng độ CO2 được đo tại trạm quan sát Manna Loa ở Hawaii sẽ cao hơn so với năm 2023 khoảng 2,84 ppm.
Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh điều này đồng nghĩa rằng thế giới sẽ chệch lộ trình do Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc đặt ra nhằm kiềm chế sự ấm lên toàn cầu ở mức không quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp (1850-1900). Mục tiêu tham vọng này đã được các nước nhất trí trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (năm 2015).
Chuyên gia của Met đồng thời là tác giả của dự báo trên, ông Richard Betts, nhận định thực tế cho thấy thế giới ngày càng khó có thể thực hiện được mục tiêu này.
Về mặt kỹ thuật, con người vẫn có thể làm được điều này nếu ngay lập tức giảm đáng kể lượng khí thải, nhưng các kịch bản mà IPCC sử dụng để vạch ra lộ trình trên dựa trên giả thiết rằng sự tích tụ khí thải CO2 trong bầu khí quyển đã bắt đầu chậm lại.
Theo tờ Australian Financial Review, các quốc gia đã đạt được thỏa thuận kêu gọi giải quyết nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng khí hậu là nhiên liệu hóa thạch, phá vỡ thế bế tắc vốn đã cản trở các cuộc đàm phán về khí hậu trong 3 thập kỷ qua.
Cụ thể, thỏa thuận cuối cùng tại Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP28) năm 2023 ở Dubai (UAE), đưa ra khuyến nghị rõ ràng là các nước “chuyển đổi khỏi sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong các hệ thống năng lượng một cách công bằng, có trật tự và hợp lý để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 từ nay đến năm 2050, phù hợp với khoa học”.
Theo các chuyên gia, thỏa thuận này có thể là yếu tố thay đổi tích cực cho tình hình khí hậu thế giới, đồng thời “về cơ bản báo hiệu sự kết thúc kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch”. Nhiên liệu hóa thạch, bao gồm than, dầu và khí đốt, chiếm hơn 75% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu và gần 90% tổng lượng phát thải carbon dioxide.
Về vấn đề này, quan điểm Việt Nam tham dự Hội nghị COP28 là ứng phó biến đổi khí hậu phải được thực hiện trên nguyên tắc công bằng, công lý, với cách tiếp cận toàn cầu và toàn dân; dựa trên thể chế đồng bộ, chính sách, pháp luật hiệu lực và hiệu quả, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy nội lực và đẩy mạnh hợp tác quốc tế; tăng cường đoàn kết toàn cầu, thống nhất tầm nhìn mới, có tư duy mới mang lại đột phá trong triển khai, đưa ra quyết tâm mới để hành động quyết liệt, hiệu quả và thông qua giải pháp toàn cầu toàn diện, đổi mới và sáng tạo, lấy người dân làm trung tâm, không bỏ lại phía sau bất cứ một quốc gia, cộng đồng hay người dân nào. Đồng thời kêu gọi các quốc gia, tổ chức, tập đoàn cần thực hiện nghiêm túc các cam kết của mình bằng những hành động cụ thể, thiết thực.
Tại Hội nghị COP28, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam quyết tâm thực hiện cam kết phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Thủ tướng đã kêu gọi các bên cần có sự phối hợp tốt hơn, các nước phát triển cần phải tiếp tục hỗ trợ các nước đang phát triển đặc biệt là về tài chính và chuyển giao công nghệ, để các nước đang phát triển có đủ nguồn lực cũng như năng lực trong thích ứng với biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng.
Đặc biệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã nêu ra những nỗ lực của Việt Nam cũng như kết quả đã đạt được kể từ khi cam kết tại COP26. Thủ tướng cho biết, thời gian tới sẽ đưa ra hành lang pháp lý, chính sách cụ thể hơn nữa, như xây dựng hệ thống truyền tải điện thông minh, đưa ra hợp đồng chuẩn về mua bán điện năng lượng tái tạo trực tiếp… Đây là những động thái rất rõ ràng và trực tiếp để đảm bảo với các nhà đầu tư nước ngoài rằng Việt Nam cam kết và quyết tâm thực hiện, tạo mọi điều kiện thuận lợi, giảm rủi ro cho các nhà đầu tư, Việt Nam mong muốn thu hút các khoản đầu tư lớn hơn nữa, đầu tư chất lượng hơn trong phát triển xanh, chuyển dịch năng lượng.
An Dương (T/h)