Cặp vợ chồng đam mê kiến trúc “tái sinh” ngôi nhà cổ thành không gian sống như mơ
Sau một thời gian tu sửa và hoàn thiện, ngôi nhà như được tái sinh với vẻ ngoài ấn tượng hơn bao giờ hết.
Chủ căn nhà là anh Ed Workman giám đốc một khách sạn ở Somerset (Anh) và vợ là chị Alice, người sáng lập một cơ quan chuyên về đào tạo nghệ thuật. Cặp đôi cho biết họ cảm thấy thật may mắn vì ngôi nhà vốn có phần khung rất tốt nên việc thiết kế lại cũng dễ hơn phần nào.
Câu chuyện thiết kế
Kể từ thế kỷ XIX, ngôi nhà đã nhiều lần đổi chủ. Qua nhiều năm như vậy, những nét nguyên bản của ngôi nhà thời Victoria đã bị mai một đi ít nhiều.
Anh Ed Workman chia sẻ, mỗi khi cần phát triển các dự án quốc tế hay khi tham gia các khóa học về kỹ năng thiết kế, anh thường biến những liên tưởng thành câu chuyện kể khi thiết kế, đối với ngôi nhà của mình cũng vậy.
Anh giải thích: “Mọi ngôi nhà đều ẩn chứa một câu chuyện và người thiết kế chính là người kể chuyện. Ban đầu nơi đây thực sự trống trơn, thậm chí còn không có ống khói. Tôi đã nảy ra một ý tưởng thú vị cho ngôi nhà này, chính là đưa ngôi nhà trở lại nguồn gốc lịch sử của nó. Tôi tưởng tượng đây như là nơi ở của một thương gia giàu có với ước mơ, địa vị cao”.
Thiết kế cổ điển nhưng không kém phần hiện đại
Nhìn từ bên ngoài, ngôi nhà có mặt tiền khá khiêm tốn, nhưng sau cánh cửa là một hành lang rộng rãi tràn ngập ánh sáng với những bức tranh do Cavendish Morton – một nghệ sĩ từ thế kỷ XX vẽ, ông cũng chính là ông nội của chị Alice.
Ngôi nhà có phòng khách lộng lẫy, với giấy dán tường màu xanh rêu, tác phẩm điêu khắc của Des Hughes và gốm sứ Edmund de Waal được trưng bày trên lò sưởi.
Anh Ed Workman giải thích, phòng khách không chỉ phục vụ cho mục đích giải trí mà còn tạo cho mọi người được cảm giác “giàu có và sống động nhờ sự tương phản của nghệ thuật lịch sử và đương đại”. Anh kể thêm: “Tôi bị ảnh hưởng rất nhiều bởi những gì tôi đang làm và chính những dự định đó đã thúc đẩy tôi tạo dựng lại một cung điện thú vị thời Victoria”.
Cung điện thú vị của cặp đôi có một phòng sách đặc biệt, mỗi giá được xếp gọn gàng với một loạt các tác phẩm nghệ thuật. Vợ chồng anh Workman còn tự hào sở hữu một cặp giá sách gốc của Paul Cadovius năm 1948. Một chiếc bàn cà phê Ercol và bức tranh của Roy Oxlade giúp hoàn thiện không gian làm việc thanh bình này.
Một lò sưởi mới với ống khói và các chi tiết trong phòng khách đã tái hiện nguồn gốc lịch sử của tòa nhà. Tuy nhiên, một số yếu tố đương đại đã được đưa vào để phù hợp cho một gia đình thế kỷ 21. Ở tầng dưới, các cửa sổ bếp nhỏ được thay thế bằng cửa gỗ lớn mở ra ngoài để nhận được nhiều ánh sáng hơn. Anh Ed cũng thiết kế thêm một phòng tắm và phòng ăn để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình.
Anh Ed cho biết không gian căn bếp được thiết kế “sạch sẽ, hiện đại và yên tĩnh” bởi gia đình dành phần lớn thời gian ở đó. Chiếc cửa bếp được thiết kế mới dẫn ra vườn, nơi những bức tường bao quanh trồng đầy hoa hồng leo, hoa oải hương và hoa quỳ.
Tình yêu nghệ thuật là cảm hứng cho thiết kế
Nghệ thuật là niềm đam mê bất tận của cả chị Alice và anh Ed. Họ gặp nhau lần đầu khi đang làm việc tại công viên điêu khắc Roche Court, mọi thiết kế trong gia đình cũng đều đến từ những ảnh hưởng trong công việc của cả hai vợ chồng.
Lấy cảm hứng từ cuốn sách về màu sắc kiến trúc của Le Corbusier, mỗi phòng trên lầu được trang trí bằng các tông màu riêng biệt cùng với giấy dán tường hiện đại. Các tác phẩm nghệ thuật kết nối liền mạch câu chuyện của Ed và Alice với nhau ở cả bốn tầng của ngôi nhà.
Các căn phòng đều được sơn hoặc dùng giấy dán tường với gam màu đậm bởi theo anh Ed: “Màu sắc thú vị hơn rất nhiều khi được tô đậm”. Anh Ed quan niệm thiết kế nội thất là sợi dây liên kết giữa nghệ thuật và kiến trúc, mọi thứ đều được dung hòa qua thiết kế nội thất, chính điều này đã thôi thúc anh mua và tu sửa lại căn nhà./.