Cấp ủy các cấp cần nghiên cứu, học tập, đúc rút kinh nghiệm từ bài viết của Tổng Bí thư
(Xây dựng) – Đó là chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Văn Thể – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương tại Hội nghị chuyên đề quý I năm 2024 của Đảng ủy Khối diễn ra vào ngày 10/04/2024.
Đồng chí Nguyễn Văn Thể – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị (Ảnh: Ban Tuyên giáo Trung ương). |
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến 424 điểm cầu, với sự tham dự của khoảng 17.350 đảng viên. Đảng ủy Bộ Xây dựng đã kết nối trực tuyến với điểm cầu Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương.
Hoạt động được tổ chức nhằm kỷ niệm 17 năm ngày thành lập Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương (11/04/2007 – 11/04/2024) và hướng tới kỷ niệm 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/04/1975 – 30/04/2024).
Hội nghị lần này có 2 chuyên đề. GS.TS Tạ Ngọc Tấn – Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương đã truyền đạt nội dung cơ bản về “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội” gắn với triển khai đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng về nội dung bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng”.
Trong khi đó, đồng chí Nguyễn Tuấn Ninh – Vụ trưởng Vụ Công chức – Viên chức, Bộ Nội vụ đã thông tin của chuyên đề “Một số giải pháp góp phần thúc đẩy cán bộ, đảng viên năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Thể – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương đề nghị các cấp ủy và mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận thức sâu sắc, nghiên cứu kỹ bài học kinh nghiệm được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Đại hội XIII của Đảng.
Đó sẽ là cơ sở để phục vụ công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, đặc biệt là tổng kết lý luận về đường lối đổi mới và những bài học kinh nghiệm, vấn đề có tính quy luật từ thực tiễn công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
Đồng chí Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương cũng đề nghị các cấp ủy tiếp tục đổi mới công tác cán bộ, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Cấp ủy các cấp phải tiếp tục triển khai đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng tới toàn thể cán bộ, đảng viên về nội dung bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đồng thời tiếp tục nghiên cứu, học tập và đúc rút ra bài học kinh nghiệm từ quan điểm của Đại hội XIII của Đảng.
Đó là tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách; dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên phong gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết; từ đó vận dụng vào thực tiễn, nhằm thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn đạt hiệu quả chất lượng cao.
Điểm cầu Đảng ủy Bộ Xây dựng tham dự Hội nghị chuyên đề quý I năm 2024 của Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương (Ảnh: Dịch Phong). |
Đồng chí Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương nhấn mạnh, cấp ủy các cấp, cán bộ, đảng viên cần hiểu rõ nội hàm “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung” để tham mưu cho đúng, trúng, mang lại hiệu quả, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị cho đơn vị mình.
Việc thực hiện tinh thần “7 dám” vừa là giải pháp quan trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên khối các cơ quan Trung ương, vừa góp phần tích cực đấu tranh phòng, chống suy thoái “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Đồng chí Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương đề nghị lấy “7 dám” soi rọi vào từng cương vị chức trách, nhiệm vụ cán bộ, đảng viên để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Nếu thiếu hoặc coi nhẹ, cán bộ không chỉ không hoàn thành nhiệm vụ mà còn dễ sa vào chủ nghĩa cá nhân, suy thoái tư tưởng, đạo đức, chính trị, lối sống.
Nguồn: Báo xây dựng