Cấp độ dịch của 63 tỉnh thành: 26 xanh, 37 vàng
Cấp độ dịch của 63 tỉnh thành: 26 xanh, 37 vàng
Sáng 22/10, 63 tỉnh thành đã đánh giá xong cấp độ dịch COVID-19, với 26 tỉnh thành đạt mức xanh, mức bình thường mới, 37 tỉnh đạt mức vàng, nguy cơ trung bình, không có tỉnh thành nào mức cam, đỏ.
Theo đó, 26 tỉnh, thành cấp 1 (bình thường mới), gồm: Bà Rịa Vũng Tàu; Bắc Giang; Bắc Kạn; Bình Thuận, Cao Bằng, Điện Biên, Đồng Nai, Hà Giang, Hà Nội, Hải Phòng, Hòa Bình, Kon Tum, Lai Châu, Lạng Sơn, Lào Cai, Ninh Bình, Phú Yên, Quảng Ninh, Sóc Trăng, Sơn La, Tây Ninh, Thái Bình, Thái Nguyên, Trà Vinh, Tuyên Quang, Yên Bái.
37 tỉnh, thành cấp độ 2 (nguy cơ trung bình). Không có tỉnh, thành cấp 3 (nguy cơ cao) và cấp 4 (nguy cơ rất cao). Tuy nhiên, vẫn còn 14 huyện và 98 xã cấp 3; 2 huyện và 37 xã cấp 4.
Tỉnh Bình Dương hôm qua thuộc nhóm cấp 3, nhưng đến sáng nay đã cập nhật thành cấp 2.
Cả nước có 372 huyện xanh; 6.946 xã xanh; 287 huyện vàng; 2.790 xã vàng.
Trong số 5 thành phố trực thuộc Trung ương, có hai địa phương “xanh” là Hà Nội, Hải Phòng; 3 địa phương “vàng” là Đà Nẵng, Cần Thơ, TP HCM.
Ảnh minh họa.
Ngày 11/10, Chính phủ ban hành Nghị quyết quy định tạm thời Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Theo Nghị quyết, có bốn cấp độ dịch bệnh, gồm: cấp 1 (nguy cơ thấp – bình thường mới), màu xanh; cấp 2 (nguy cơ trung bình), màu vàng; cấp 3 (nguy cơ cao), màu cam; cấp 4 (nguy cơ rất cao), màu đỏ.
Theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế, có ba tiêu chí đánh giá cấp độ dịch bệnh gồm: số ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 dân/tuần; tỷ lệ tiêm vaccine; năng lực y tế.
Các tỉnh, thành cấp 1, các sự kiện trong nhà và ngoài trời không hạn chế số người. Những lĩnh vực được hoạt động gồm: Vận tải công cộng đường bộ, đường thủy, hàng hải; cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; nhà hàng, quán ăn, chợ truyền thống; các cơ quan, công sở; cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; khách sạn, nhà nghỉ, khu nghỉ dưỡng, điểm tham quan du lịch; biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao…
Cấp 2, hạn chế các sự kiện tập trung đông người trong nhà, ngoài trời hoặc tổ chức có điều kiện. Địa phương căn cứ vào thực tiễn để quy định số người tham gia.
Vận tải hành khách công cộng được hoạt động, theo hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải.
Cơ sở kinh doanh dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao như vũ trường, karaoke, massage, bar, internet, trò chơi điện tử, làm tóc, làm đẹp… phải ngừng hoặc hạn chế. Địa phương sẽ quyết định các dịch vụ nguy cơ khác được hoạt động hay không. UBND cấp tỉnh quy định điều kiện hoạt động của những người bán hàng rong, vé số dạo…
Các hoạt động giáo dục, đào tạo trực tiếp vẫn được tổ chức theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bộ quy định về thời gian, số lượng học sinh…
UBND cấp tỉnh quyết định số người tham gia hoạt động tại cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự. Bảo tàng, triển lãm, thư viện, rạp chiếu phim, địa điểm biểu diễn văn hóa, thể dục, thể thao hạn chế hoạt động; giảm công suất, số người tham dự.
Bộ Y tế nhận định, sau gần 2 năm ứng phó với đại dịch Covid-19, nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác phòng chống dịch. Đến nay, dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, số người mắc và số người tử vong trong thời gian qua liên tục giảm. Cuộc sống đang dần trở về trạng thái bình thường mới. Hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới đã thay đổi quan điểm ứng phó với dịch từ cố gắng dập dứt điểm ca bệnh sang “chung sống an toàn”.
Đến tối 21/10, Việt Nam có 877.537 ca mắc Covid-19, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/ một triệu dân, Việt Nam đứng thứ 154/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ một triệu người có 8.911 ca nhiễm).
Trong đó, riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay), nước ta ghi nhận 872.811 ca, trong đó có 795.307 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Các địa phương ghi nhận số mắc tích lũy cao trong đợt dịch này: TPHCM (422.201), Bình Dương (227.328), Đồng Nai (60.081), Long An (33.999), Tiền Giang (15.331).