Cấp chỉ dẫn địa lý nước mắm Nam Ô, nâng tầm giá trị sản phẩm làng nghề
Sau gần 3 năm thực hiện đến nay, chỉ dẫn địa lý “Nam Ô” cho sản phẩm nước mắm của TP Đà Nẵng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ theo Quyết định số 437/QĐ-SHTT ngày 03/6/2024 của Cục Sở hữu trí tuệ, đây là chỉ dẫn địa lý đầu tiên của TP Đà Nẵng. Theo dữ liệu từ Cục Sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý ‘‘Nam Ô’’ cho sản phẩm nước mắm là 1 trong 3 chỉ dẫn địa lý về sản phẩm nước mắm trên cả nước, bên cạnh nước mắm Phú Quốc và nước mắm Phan Thiết.
Khu vực địa lý của mắm Nam Ô được công nhận tại các khối phố thuộc quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Mắm chỉ dùng 2 nguyên liệu chính là cá cơm than và muối biển Sa Huỳnh, hoặc muối Cà Ná, được trộn theo tỷ lệ và ủ trong các lu, thùng từ 12 tháng đến 16 tháng. Mắm có màu nâu cánh gián, vị mặn, hậu vị ngọt đậm kéo dài, mùi thơm dịu đặc trưng.
Hiện nay, làng nghề nước mắm Nam Ô được duy trì với 71 thành viên, trong đó có 3 hợp tác xã, 10 cơ sở chế biến có quy mô tương đối, 17 cơ sở đăng ký thương hiệu riêng. Mỗi năm, sản lượng nước mắm tiêu thụ đạt từ 200 đến 300 nghìn lít.
Nước mắm Nam Ô được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý
Theo ông Trần Ngọc Vinh – Chủ tịch Hội làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô, TP Đà Nẵng bày tỏ: “Cách đây 5 năm, chúng tôi nhận được bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, hôm nay tiếp tục nhận chỉ dẫn địa lý Nam Ô cho sản phẩm nước mắm. Chúng tôi rất cảm ơn những người đã có công xây dựng làng nghề của chúng tôi. Nước mắm Nam Ô đặc biệt ở chỗ là “bốn không”, không có hóa chất, không chất tạo màu, không chất tạo mùi và không có chất bảo quản. Hiện nay, chúng tôi phát động tổ đánh bắt hải sản để phục vụ cá cơm chế biến nước mắm tại Nam Ô. Sắp tới chúng tôi sẽ xin quỹ đất của thành phố, trưng bày sản phẩm, trình diễn cho khách du lịch đến địa phương biết được quy trình sản xuất nước mắm của làng Nam Ô chúng tôi”.
Ông Trần Lê Hồng – Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, việc công nhận chỉ dẫn địa lý “Nam Ô” cho sản phẩm nước mắm của TP Đà Nẵng mới là bước đi đầu tiên. Các đơn vị, địa phương cần phải hoàn thiện quy trình quản lý, kiểm soát chỉ dẫn địa lý để bảo tồn chất lượng và danh tiếng của sản phẩm.
“Tôi hy vọng rằng, trong thời gian tới, việc quản lý việc sử dụng chỉ dẫn địa lý, vấn đề phát triển thương hiệu cần được địa phương chú trọng và sẽ tiếp tục có sự quan tâm đối với quận Liên Chiểu nói chung và bà con sản xuất nước mắm nói riêng. Chúng ta tiếp tục đồng hành với nhau trong chặng đường rất dài để thu được những lợi ích từ chỉ dẫn địa lý “Nam Ô” cho sản phẩm nước mắm.” – Ông Trần Lê Hồng cho biết.
Chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Nam Ô” cho sản phẩm nước mắm được bảo hộ thể hiện sự công nhận về uy tín, danh tiếng, chất lượng và nguồn gốc sản phẩm. Từ đó, giúp nâng tầm giá trị thương hiệu của cộng đồng và là cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ sở sản xuất, kinh doanh nước mắm truyền thống Nam Ô nâng cao danh tiếng, phát triển thị trường, bảo vệ giá trị về chất lượng, nguồn gốc của sản phẩm nước mắm truyền thống có lịch sử hàng trăm năm. Qua đó, góp phần nâng cao sức cạnh tranh, tạo điều kiện cho sản phẩm nước mắm truyền thống Nam Ô tiêu thụ rộng rãi tại thị trường trong nước và xuất khẩu.
Bảo Linh (t/h)