Cao tốc Chí Thạnh – Vân Phong chưa thông mặt bằng
(Xây dựng) – Đến nay, Phú Yên đã bàn giao 95,74% mặt bằng, nhanh hơn một số tỉnh khác, nhưng mặt bằng bàn giao tư chưa liên tục, khó tiếp cận hiện trường để thi công, có nguy cơ ảnh hưởng tiến độ khi mùa mưa bão ở miền Trung đang đến gần.
Thi công ca đêm tại hạng mục hầm Tuy An. |
Hiện mặt bằng toàn tuyến đã bàn giao được 46,05/48,05km đạt 95,83%, trong đó nhà thầu có thể tiếp cận thi công được 43,31/48,05 km đạt 90,13%; còn lại 2,0/48,05km chưa được bàn giao.
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án 7, riêng tại gói XL01 do liên danh Nhà thầu gồm Đèo Cả – Thăng Long – Lũng Lô – Phúc Lộc – 68 thực hiện, mặt bằng bàn giao được 22,85/24km đạt 95,2%, trong đó các nhà thầu có thể tiếp cận để thi công được khoảng 20,87/24km đạt 86,95%.
Đại diện liên danh nhà thầu cho biết, nhà thầu cùng chính quyền địa phương và các phòng ban liên quan đã tích cực phối hợp nhằm đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên đến nay, tình trạng giải phóng mặt bằng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Việc bàn giao mặt bằng đình trệ kéo dài sẽ làm ảnh hưởng lớn tới tiến độ và chất lượng của dự án.
Tổng mặt bằng chưa bàn giao cho gói thầu này chỉ khoảng 1,15km (4,79%) nhưng lại phân bổ “xôi đỗ” khiến nhà thầu gặp khó khi triển khai thi công. Trên đoạn tuyến 24km còn vướng mặt bằng 11 điểm và nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật như đường điện, đường nước, đường cáp quang.
Ông Trương Công Đạt – Phó Giám đốc Ban điều hành gói thầu XL01 cho biết, tuyến đường công vụ từ ĐT643 đến hầm đường bộ Tuy An đang bị vướng khoảng 100m phần đất nhà ở và hơn 100m đất rừng sản xuất của người dân chưa được giải phóng mặt bằng (GPMB). Đặc biệt là các vị trí cắt qua khu dân cư hay các vị trí đào đất phục vụ điều phối dọc đắp K95 còn vướng mặt bằng không thể triển khai.
Theo ông Đạt, từ ngày 10/8/2023, nhà thầu đã tạm dừng mũi thi công số 2 vì chưa có mặt bằng, không lấy được đất đắp nền. Nhà thầu muốn tranh thủ khi thời tiết đang thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ bù đắp cho thời gian sắp tới mưa bão sẽ ảnh hưởng đến công tác tổ chức thi công. Tuy nhiên vì chưa có mặt mặt nên không triển khai được. “Máy móc, thiết bị tạm dừng không chỉ gây thiệt hại về kinh tế của nhà thầu mà còn ảnh hưởng tới tiến độ và hiệu quả thi công dự án” ông Đạt nói.
Sau buổi kiểm điểm và làm việc về tình hình thực hiện các dự án thành phần qua các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa thuộc Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải, chính quyền các địa phương giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng theo đúng các mốc tiến độ yêu cầu của Chính phủ; phấn đấu bàn giao toàn bộ mặt bằng trong quý III/2023.
Liên danh nhà thầu cũng đã có văn bản báo cáo Bộ Bộ Giao thông Vận tải và Ban Quản lý dự án 7 về tình hình vướng mắc mặt bằng thi công, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vướng mắc để bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch cho nhà thầu triển khai thi công đảm bảo tiến độ.
Hiện gói XL01 đã huy động hơn 217 xe máy thiết bị, 470 nhân sự, triển khai 19 mũi thi công thi công đồng loạt các công việc như đường công vụ, đào đắp nền đường, đắp cát K90, hầm chui… Trên tuyến có hạng mục hầm Tuy An với chiều dài 1.020m là đường găng tiến độ toàn dự án. Hiện cửa hầm Phải (phía Nam) đã được mở và tiến hành đào được khoảng 15 mét. Nhà thầu cũng đang đang tập trung ưu tiên gia cố mái cơ, tiến hành mở cửa hầm Trái để thi công đào trước khi mùa mưa tới.
Nguồn: Báo xây dựng