Cao tốc Cam Lộ-La Sơn thiếu hơn 1 triệu m3 đất đắp
Dự án cao tốc Cam Lộ-La Sơn đang thiếu gần 1.000.000 m3 đất đắp. Trong đó, gói XL5 thiếu hơn 300.000 m3, XL6 thiếu hơn 600.000 m3, khiến nỗ lực “hợp long” nền đường đoạn tuyến này thêm áp lực…
Cao tốc Cam Lộ-La Sơn đoạn qua Thừa Thiên Huế. Ảnh: TTO |
Đại diện Ban Quản lý dự án (QLDA) đường Hồ Chí Minh (Bộ GTVT) cho biết, công tác thi công các gói thầu XL5, 6, 7 (Km 46+200 – Km 69+00) trên công trường dự án cao tốc Cam Lộ-La Sơn đang vào đợt cao điểm thi công nền đường.
Để tranh thủ thời tiết thuận lợi khô ráo, hầu hết các đơn vị thi công đều tăng ca để bù phụ khối lượng còn chậm do trước đây thiếu nguồn cung đất đắp. Tất cả công nhân, lái máy trên công trường được phổ biến tuân thủ quy định 5K, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, sát trùng… để bảo đảm tiến độ thi công và phòng chống dịch bệnh.
Đến nay, các gói xây lắp đạt sản lượng trung bình hơn 40%, riêng gói thầu XL7 đạt trên 50% giá trị hợp đồng.
Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho hay, kể từ khi khởi công, công trình gặp không ít bất lợi về thời tiết, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Đơn cử như vào mùa mưa bão năm 2020, toàn bộ công trường phải “đắp chiếu” không thể triển khai suốt 4 tháng trời. Thậm chí, nhiều hạng mục nền đất đã thi công bị lũ xói lở, hư hại, gây áp lực lớn đến tiến độ hoàn thành gói thầu.
Bên cạnh đó, quá trình triển khai phát sinh một số vị trí phải xử lý kỹ thuật do đất yếu hoặc gặp loại địa hình hang karst (những hang hốc trong lòng đá) là hiện tượng địa chất gây nguy hiểm cho nền móng công trình). Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cũng thực hiện bổ sung một số hạng mục (hầm chui; cống, mương dẫn dòng thoát nước…) theo ý kiến đề xuất của nhân dân, địa phương để phù hợp với điều kiện sản xuất, tập quán sinh hoạt của nhân dân…
Đáng kể, do đặc thù địa hình, quy hoạch, chất lượng nguồn vật liệu cao tốc yêu cầu khắt khe hơn khiến thời gian đầu triển khai các gói thầu XL 5, 6, 7 qua địa bàn Phong Điền, Hương Trà (Thừa Thiên Huế) gặp khó khăn vướng mắc lớn về nguồn đất đắp nền cho dự án, toàn bộ 3 gói thầu thiếu hơn 2.000.000 m3 đất đắp.
“Chúng tôi đã sử dụng những giải pháp kỹ thuật, sử dụng công nghệ thi công tận dụng tối đa nguồn đất lẫn đá đắp nền cùng sự vào cuộc tích cực của địa phương trong công tác rút ngắn thủ tục cấp mỏ mới, đến nay, gói thầu XL7 cơ bản bảo đảm nguồn vật liệu, còn lại 2 gói thầu (XL5, XL6) đang thiếu gần 1.000.000 m3 đất đắp. Trong đó, gói XL5 thiếu hơn 300.000 m3, XL6 thiếu hơn 600.000 m3, khiến nỗ lực “hợp long” nền đường đoạn tuyến này thêm áp lực”, đại diện Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho hay.
Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cũng khẳng định, nếu được sớm tháo gỡ nguồn vật liệu, đơn vị sẽ khẩn trương tăng tốc tiến độ các gói thầu trong thời gian tới. Hiện, nhiều nhà thầu tập trung nhân vật lực, nhưng việc khan hiếm nguồn đất đắp khiến nhiều đơn vị chưa phát huy hết công suất. Đồng thời, yêu cầu các nhà thầu thực hiện đúng cam kết sửa chữa kịp thời hư hỏng phát sinh của đường công vụ, tưới nước, hạn chế tối đa ảnh hưởng môi trường, tiếng ồn ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân vùng dự án đi qua.
Trước đó, trên tinh thần Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 của Chính phủ, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đã có văn bản báo cáo và kiến nghị Bộ TN&MT, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế quan tâm chỉ đạo các sở, ban, ngành ưu tiên giải quyết các thủ tục để sớm bổ sung nguồn vật liệu gần 1.000.000 m3 đất đắp cung cấp cho dự án nhằm bảo đảm tiến độ hoàn thành công trình.
Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trung tuần tháng 8/2021, Sở đã chủ trì buổi làm việc với các đơn vị, địa phương liên quan, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh để thống nhất đề xuất UBND tỉnh phương án xử lý tháo gỡ nguồn vật liệu.
Cụ thể, xin cấp phép khai thác đất tầng phủ tại mỏ đá vôi Phong Xuân (Công ty CP Xi măng Đồng Lâm); đất tầng phủ mỏ đất sét Huỳnh Trúc (xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền); đẩy nhanh giải phóng mặt bằng phần diện tích 1,6 ha tại mỏ đất đồi Vũng Nhựa (thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền) của Công ty Trường Thịnh; kiến nghị mở rộng mỏ Hiền Sỹ từ 5 ha lên 10 ha theo quy hoạch; tham mưu UBND tỉnh đấu giá đất dôi dư trong quá trình nạo vét hồ Khe Tăm (xã Phong Mỹ) để tăng cường nguồn cung vật liệu cho dự án cao tốc qua Huế; đẩy nhanh tiến độ, thủ tục đưa vào khai thác các khu vực đã được UBND tỉnh quy hoạch làm mỏ khai thác vật liệu san lấp tại đồi Kiền Kiền, xã Phong Thu và khu vực phường Hóp 2, xã Phong An; kiến nghị UBND tỉnh nâng công suất khai thác năm 2021 đối với các mỏ đá Trường Sơn, Coxano Hương Thọ và Việt Nhật…
Dự án cao tốc Cam Lộ-La Sơn là 1 trong 11 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam phía đông, có chiều dài gần 100 km. Trong đó, đoạn qua tỉnh Quảng Trị dài 37,3 km, đoạn qua Thừa Thiên Huế dài 61 km, với tổng vốn đầu tư 7.699 tỷ đồng. Dự án khởi công tháng 9/2019, dự kiến sẽ hoàn thành vào quý IV/2022. Cao tốc Cam Lộ-La Sơn đoạn qua Quảng Trị sẽ kết nối với cảng biển nước sâu Mỹ Thủy thông qua Quốc lộ 15D; đồng thời kết nối với Hành lang kinh tế Đông-Tây đáp ứng nhu cầu giao lưu, hợp tác thương mại quốc tế với các nước Lào, Thái Lan. Theo quy hoạch, khi đoạn Cam Lộ-La Sơn được nối với cao tốc Vạn Ninh-Cam Lộ sẽ nối thông tuyến cao tốc Bắc-Nam đoạn qua tỉnh Quảng Trị vào năm 2025 tạo động lực cho địa phương này kết nối vùng miền, phát triển kinh tế và thu hút đầu tư. |
Nguồn: Báo xây dựng