Cao Bằng: Tập trung nguồn lực thực hiện hiệu quả đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát

(Xây dựng) – Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Cao Bằng được chú trọng quan tâm, đã có nhiều hộ nghèo, gia đình chính sách được hỗ trợ làm mới và sửa chữa nhà ở.

Cao Bằng: Tập trung nguồn lực thực hiện hiệu quả đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát
Tỉnh Cao Bằng chú trọng xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Để hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 56/2021/NQ-HĐND ngày 29/7/2021, Nghị quyết số 64/2022/NQ-HĐND ngày 30/8/2022 về chính sách hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 – 2025 nhằm tiếp tục huy động tối đa mọi nguồn lực xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, gia đình chính sách.

Theo đó, giai đoạn 2021 – 2022, tỉnh sẽ hoàn thành xóa 6.602 nhà tạm, nhà dột nát; giai đoạn 2023 – 2025, hằng năm tiếp tục rà soát, hỗ trợ gia đình chính sách, hộ nghèo ở nhà tạm, nhà dột nát mới phát sinh; kiểm tra, giám sát chất lượng các công trình nhà ở đã hỗ trợ trên địa bàn.

Đến nay, tỉnh đã hỗ trợ về nhà ở cho 7.499/16.627 hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách với tổng số tiền trên 285 tỷ đồng, trong đó, huy động xã hội hóa hơn 90 tỷ đồng, nguồn hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững hơn 164 tỷ đồng… Sau khi hoàn thành, nhà ở có diện tích từ 40 – 120m2, đảm bảo “3 cứng” (nền cứng, khung – tường cứng, mái cứng); tuổi thọ căn nhà từ 20 năm trở lên, trị giá 50 – 150 triệu đồng/nhà.

Với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự đồng thuận cao của người dân và sự ủng hộ của các nhà hảo tâm, đến hết năm 2023 tỉnh đã giải ngân hết nguồn vốn được giao. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát còn một số khó khăn như: Nhu cầu hỗ trợ về nhà ở của tỉnh còn rất lớn, ngân sách Trung ương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia chỉ đáp ứng gần 76%, ngân sách địa phương, huy động từ nguồn xã hội hóa còn hạn chế; nhiều hộ chủ động xây dựng, sửa chữa nhà nhưng chưa được hỗ trợ kinh phí kịp thời do thiếu nguồn vốn gây khó khăn, trong nhân dân; nhiều hộ được hỗ trợ nhà ở (5-6 triệu đồng) theo Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg, Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg, Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là hộ nghèo, nhà đã dột nát nhưng không thuộc đối tượng được hỗ trợ về nhà ở theo quy định của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; nhiều hộ vướng mắc về đất đai, quy hoạch, xây dựng, sửa chữa nhà ở vượt quá khả năng kinh tế…

Để thực hiện tốt chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, tỉnh kiến nghị Trung ương tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện bố trí kinh phí ngân sách và giúp đỡ, hỗ trợ tỉnh xã hội hóa kinh phí để thực hiện hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh (hiện còn thiếu 70 tỷ đồng để xóa 2.000 nhà tạm, nhà dột nát). Tiếp tục huy động các nguồn lực, vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm quan tâm ủng hộ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát; vận động sự tham gia trực tiếp của lực lượng vũ trang, các đoàn viên, hội viên của các tổ chức chính trị – xã hội các cấp, hộ gia đình được thụ hưởng; vận động người dân đẩy mạnh phát triển kinh tế, tích lũy để xây dựng nhà ở, từng bước tự xóa bỏ nhà tạm, nhà dột nát để ổn định cuộc sống lâu dài.

Thực hiện có hiệu quả nghị quyết ban hành chính sách hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, các đối tượng được hỗ trợ theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.

Giai đoạn 1 từ năm 2021 – 2025, hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo sinh sống trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa có nhà ở hoặc nhà ở bị dột nát, hư hỏng. Đối tượng được hỗ trợ theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/1/2022 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 là hộ nghèo, hộ cận nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2021 – 2025) trong danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo do UBND cấp xã quản lý, đang cư trú trên địa bàn huyện nghèo và là hộ độc lập có thời gian tách hộ đến khi chương trình có hiệu lực thi hành tối thiểu 3 năm.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích