Cao Bằng sẵn sàng cho Hội nghị Công viên địa chất toàn cầu UNESCO châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 8

Sự kiện này được Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng phối hợp với Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ Ngoại giao tổ chức, với chủ đề “Cộng đồng địa phương và phát triển bền vững trong Công viên địa chất”. Hội nghị dự kiến thu hút 800 – 1.000 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự.

Hội nghị nhằm mục đích trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm các mô hình hiệu quả, giải pháp hữu ích trong công tác xây dựng và phát triển CVĐC giữa các thành viên của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và đồng bào các dân tộc trong việc bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình di sản để phát triển du lịch bền vững. Hội nghị cũng nhằm xúc tiến, quảng bá về tiềm năng du lịch miền đất và con người Cao Bằng nói riêng và Việt Nam nói chung…

Cao Bằng sẵn sàng cho Hội nghị Công viên địa chất toàn cầu UNESCO châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 8
Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng nằm ở miền đất địa đầu phía bắc Việt Nam, cách Hà Nội khoảng 300km, diện tích hơn 3.683 km2, bao gồm toàn bộ diện tích của thành phố Cao Bằng.

Chương trình hội nghị được chia thành nhiều giai đoạn với các hoạt động đa dạng. Từ ngày 8 đến 11/9, trước khi khai mạc chính thức, sẽ diễn ra các phiên họp quan trọng của Hội đồng CVĐC toàn cầu UNESCO và Ban điều hành Mạng lưới CVĐC toàn cầu. Trong những ngày này, tỉnh Cao Bằng cũng sẽ có cơ hội làm việc với các tổ chức quốc tế, đồng thời diễn ra các phiên họp của Ban cố vấn và Ban điều phối Mạng lưới CVĐC khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đặc biệt, ngày 11/9 sẽ có Lễ kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Mạng lưới CVĐC toàn cầu (2004 – 2024), một dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của tổ chức này.

Lễ khai mạc chính thức của Hội nghị sẽ diễn ra vào sáng ngày 12/9 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Cao Bằng, kèm theo đó là lễ khánh thành không gian trưng bày và triển lãm. Từ ngày 12 đến 15/9, các đại biểu sẽ tham gia vào phiên họp toàn thể các CVĐC và 6 phiên hội thảo chuyên đề về các chủ đề quan trọng. Các chủ đề này bao gồm tri thức bản địa, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, bảo tồn di sản, phát triển bền vững, giáo dục cộng đồng, và thách thức của các khu vực muốn trở thành CVĐC. Hội nghị sẽ kết thúc vào chiều ngày 15/9 với lễ bế mạc và trao cờ đăng cai cho đơn vị tổ chức Hội nghị lần thứ 9 năm 2026.

Bên cạnh các hoạt động chính, hội nghị còn có nhiều hoạt động bên lề hấp dẫn. Ngày 11/9 sẽ diễn ra Hội thảo quốc tế về phát huy giá trị danh hiệu UNESCO tại Việt Nam, và ngày 12/9 là Hội nghị thường niên của Tiểu ban chuyên môn về CVĐC toàn cầu Việt Nam. Trong suốt thời gian diễn ra hội nghị, sẽ có các hoạt động ký kết hợp tác giữa các CVĐC, chương trình trải nghiệm du lịch tại CVĐC Non nước Cao Bằng với hai tuyến tham quan hấp dẫn: “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên” và “Khám phá Phja Oắc – vùng núi của những đổi thay”.

Ngoài ra, các đại biểu và khách tham quan có thể thưởng thức triển lãm và không gian trưng bày quảng bá tại khu vực Trung tâm Hội nghị tỉnh Cao Bằng và quảng trường km5, cũng như tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, văn nghệ tại Phố đi bộ Kim Đồng từ ngày 13 đến 14/9.

Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại Cao Bằng là sự kiện quan trọng, mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc quảng bá hình ảnh, thúc đẩy du lịch và tăng cường hợp tác quốc tế. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và chương trình đa dạng, hội nghị hứa hẹn sẽ là một thành công lớn, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Thông qua sự kiện này, Cao Bằng và Việt Nam sẽ có cơ hội tuyệt vời để giới thiệu với bạn bè quốc tế về một đất nước giàu tiềm năng, một điểm đến hấp dẫn cho du lịch, học tập và đầu tư. Đồng thời, hội nghị cũng sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho các địa phương khác trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Phương Bùi

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích