Cao Bằng: Còn nhiều bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt không hợp vệ sinh
Cao Bằng: Còn nhiều bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt không hợp vệ sinh
Cùng với sự phát triển KT – XH, gia tăng dân số, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh Cao Bằng ngày càng nhiều. Trong những năm qua, tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo, quản lý, xử lý chất thải rắn nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Cùng với sự phát triển KT – XH, gia tăng dân số, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh ngày càng nhiều. Trong những năm qua, tỉnh đã chỉ đạo, quản lý, xử lý chất thải rắn nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Song, do thiếu nguồn vốn đầu tư cho công trình xử lý rác thải; mức thu phí vệ sinh môi trường còn thấp nên chưa khuyến khích được doanh nghiệp tham gia đầu tư…
Khi mức sống của người dân ngày càng nâng cao, việc xây dựng, sửa chữa các công trình hạ tầng cơ sở, nhất là trụ sở làm việc các cơ quan, trường học, bệnh viện, nhà ở nhiều, làm phát sinh số lượng lớn rác thải sinh hoạt, đặc biệt là các loại chất thải nhựa, chất thải rắn khó phân hủy. Trong khi công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh mới chỉ đạt khoảng trên 84% về khối lượng và chưa đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Cao Bằng cho thấy, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ các nguồn thải chủ yếu: khu dân cư, cơ quan hành chính, văn phòng, nhà hàng, khách sạn, khu sản xuất, cơ sở y tế, khu vực công cộng. Lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh trung bình khoảng 134,5 tấn/ngày, tương đương 41.592 tấn/năm. Trong đó, khối lượng thu gom, vận chuyển, xử lý khoảng 113,95 tấn/năm. Tại khu vực đô thị, lượng chất thải rắn sinh hoạt được nhiều người dân tự phân loại, như: các loại chất thải là thức ăn thừa, dùng cho hoạt động chăn nuôi; các loại chất thải (giấy vụn, bìa cácton, sắt, thép, nhôm, nhựa) được bán cho các đơn vị thu mua phế liệu; chất thải còn lại được đơn vị vệ sinh môi trường thu gom, vận chuyển, xử lý bằng phương pháp chôn lấp tại bãi chôn lấp.
Khu vực nông thôn, lượng rác thải đa phần được phân loại tự phát tại các hộ gia đình; các chất thải là thức ăn thừa được sử dụng cho hoạt động chăn nuôi; các loại bìa cácton, kim loại được gom lại để bán. Các chất thải còn lại thành phần có khả năng phân hủy và khó phân hủy như túi nilon, thủy tinh, cành cây, lá cây, hoa quả, xác động vật… được các hộ gia đình tự thu gom, xử lý bằng phương pháp chôn lấp hoặc đốt tại vườn nhà, khu đất trống, một số hộ gia đình thiếu ý thức đã tập kết tại ven các tuyến giao thông liên thôn, liên xã, các kênh mương, ao, hồ, sông, suối.
Phó trưởng Phòng TN&MT huyện Trùng Khánh Đàm Xuân Trường cho biết: Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn khoảng 2.706,5 tấn/năm, tỷ lệ thu gom rác khu vực nông thôn đạt 26,6%. Lượng chất thải rắn sinh hoạt chủ yếu được phân loại tự phát tại các hộ gia đình. Các xã về đích nông thôn mới được quy hoạch bãi chôn lấp rác thải, có thu gom, vận chuyển, xử lý; một số khu vực nông thôn xây dựng một số lò đốt rác thải sinh hoạt quy mô hộ gia đình, nhóm hộ gia đình và nhóm khu vực dân cư. Hiện huyện có 2 đơn vị vệ sinh môi trường; 2 bãi chôn lấp rác thải và 2 lò đốt chất thải (1 lò đã đầu tư, đang vận hành và 1 lò đang xây dựng). Hiện tại, chất thải sinh hoạt được xử lý chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp, chỉ có 5/21 xã, thị trấn có bãi chôn lấp được đầu tư xây dựng đúng quy định, còn lại là các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh; 1 lò đốt đã đầu tư, 1 lò đốt rác thải đặt tại xã Đoài Dương đang hoàn thiện. Tuy nhiên, các lò đốt rác thải sinh hoạt quy mô nhỏ, hoạt động không liên tục, chưa hiệu quả, trở thành điểm tập kết rác thải sinh hoạt tự phát gây ảnh hưởng mỹ quan và về lâu dài có nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT Chu Đức Quang: Toàn tỉnh có 55 vị trí quy hoạch cơ sở xử lý chất thải rắn với tổng diện tích 70,58 ha, trong đó, quỹ đất sử dụng để xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và khu dân cư nông thôn 44,2 ha, chất thải rắn công nghiệp 16,5 ha, chất thải rắn ý tế 0,42 ha và chất thải rắn xây dựng, bùn thải 9,46 ha. Hiện, tỉnh có 16 đơn vị vệ sinh môi trường, 13 bãi chôn lấp rác thải thuộc các huyện, Thành phố. Trong đó có 3/13 bãi chôn lấp được đầu tư xây dựng đúng quy định, còn lại là các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh; 2 lò đốt đã đầu tư xong, 1 lò đốt rác thải tại thị trấn Tĩnh Túc (Nguyên Bình) đang vận hành thử nghiệm, 1 lò đốt lắp đặt tại khu xử lý rác thải Nà Lần, xã Chu Trinh (Thành phố) vào năm 2018 chưa đưa vào vận hành chính thức vì thiếu kinh phí thực hiện. Nguyên nhân do không có nguồn vốn đầu tư, cải tạo, xây mới, quy mô nhỏ chưa đáp ứng nhu cầu xử lý; các bãi rác thải được đầu tư lâu năm; một số công trình xử lý rác thải đã hư hỏng, quá tải, xuống cấp, không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Thực tế, công tác quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn do kinh phí đầu tư việc xử lý chất thải còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; hạ tầng cơ sở về xử lý rác thải chưa đảm bảo theo quy định; sự phối hợp giữa các ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân còn thiếu chặt chẽ. Công tác xã hội hóa đầu tư cho xử lý rác thải sinh hoạt còn hạn chế; thiếu nguồn vốn đầu tư cho công trình xử lý rác thải; mức thu phí vệ sinh môi trường còn thấp nên chưa khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư… Ngoài ra, công nghệ xử lý rác thải hiện tại chủ yếu là chôn lấp, sử dụng diện tích đất lớn gây lãng phí tài nguyên, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng; một số bãi chôn lấp thực hiện đốt thủ công gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ chuyên môn làm công tác quản lý chất thải còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu.
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh, Sở TN&MT tiếp tục tham mưu, đề xuất với tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường nói chung, công tác quản lý chất thải rắn nói riêng cho các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú nhằm sớm thay đổi nhận thức, thực hiện hành vi tốt hơn. Tham mưu cho tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tăng cường kiểm tra các hoạt động quản lý chất thải rắn bảo vệ môi trường. Triển khác tốt các đề án phân loại, xử lý, tái chế chất thải tập trung và phân tán trên địa bàn tỉnh theo tiến độ đề ra. Phối hợp với UBND các huyện thực hiện Dự án xử lý, cải tạo, nâng cấp bãi chôn lấp rác thải tại 2 huyện Bảo Lâm, Trùng Khánh và bãi chôn lấp rác thải Nà Bao, xã Minh Tâm (Nguyên Bình); hướng dẫn các cơ sở hoàn thành xử lý ô nhiễm nghiêm trọng tại 3 bãi chôn lấp rác thải tại các huyện: Bảo Lâm, Nguyên Bình, Trùng Khánh.
Tăng cường đẩy mạnh công tác truyền thông về thu gom rác thải, bảo vệ môi trường, khuyến khích các hoạt động phân loại rác thải tại nguồn; quản lý chặt chẽ quy hoạch chất thải sinh hoạt của tỉnh. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong quản lý, xử lý chất thải sinh hoạt trên địa bàn. Sở TN&MT phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động quản lý, thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh; xây dựng chính sách ưu đãi để thu hút các chủ đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt có công nghệ tiên tiến, phù hợp với địa phương, hạn chế chôn lấp, gây ô nhiễm môi trường…
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị