Cao Bằng: Bảo vệ môi trường gắn với xây dựng nông thôn mới
Cao Bằng: Bảo vệ môi trường gắn với xây dựng nông thôn mới
Những năm qua, các cấp, ngành, địa phương và nhân dân trong tỉnh Cao Bằng nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường.
Xác định rõ bảo vệ môi trường là một trong những tiêu chí cần thiết và quan trọng trong Bộ tiêu chí quốc gia của Chương trình xây dựng nông thôn mới, những năm qua, các cấp, ngành, địa phương và nhân dân trong tỉnh nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường.
Những năm gần đây, môi trường nông thôn có nhiều bước chuyển biến tích cực. Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể trên địa bàn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động, vận động các hội viên, quần chúng nhân dân tham gia xây dựng, giữ gìn môi trường, cảnh quan đường làng, ngõ xóm, khuôn viên hộ gia đình.
Cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân với nhiều hình thức: lắp đặt panô, khẩu hiệu… Vận động nhân dân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chủ động nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong sản xuất, kinh doanh. Qua đó, góp phần đổi mới tư duy, cách làm, hành vi ứng xử, ý thức trách nhiệm của người dân với thiên nhiên, môi trường.
Là một trong những điểm sáng đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại Thành phố, xã Hưng Đạo tích cực tuyên truyền đến người dân về công tác phân loại và xử lý rác thải, chất thải trong chăn nuôi và chất thải tại nguồn. 9/9 xóm, tổ dân phố triển khai và duy trì thực hiện hiệu quả mô hình phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại nguồn bằng chế phẩm sinh học với gần 40 hộ. Theo đó, xã đầu tư trang thiết bị, vật tư, dụng cụ gồm thùng ủ rác di động xử lý chất thải hữu cơ và chế phẩm sinh học BIO ADB (loại 0,2 kg/gói) cho các hộ gia đình để phục vụ công tác phân loại rác hữu cơ. Các hộ chăn nuôi, hộ sản xuất nông nghiệp và hộ gia đình tận dụng phụ phẩm, phế thải hữu cơ trong nông nghiệp, chăn nuôi… thu gom để xử lý, chế biến thành phân bón, sản phẩm có lợi cho môi trường, có giá trị dinh dưỡng cao phục vụ trồng trọt và chăn nuôi. Tuyên truyền, vận động người dân thu gom, tập kết rác thải sinh hoạt, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định.
Phát huy vai trò của phụ nữ trong công tác bảo vệ môi trường gắn với xây dựng nông thôn mới, những năm qua, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ đã có nhiều hoạt động thiết thực tham gia bảo vệ môi trường sống xanh, sạch, đẹp, bền vững, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Hằng năm, các cấp Hội triển khai thực hiện, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực kết hợp lồng ghép tuyên truyền bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Từ năm 2023 đến nay, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ phối hợp tuyên truyền, vận động di dời chuồng gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở 150 cuộc/gần 5.000 lượt người tham gia, tạo sức lan tỏa rộng rãi trong tập thể hội viên, phụ nữ các cấp và đông đảo nhân dân.
Môi trường là một trong những yếu tố quan trọng, có tác động và ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người dân và bộ mặt nông thôn. Để nâng cao tiêu chí môi trường đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, ý thức của mỗi người dân và cả doanh nghiệp. Do vậy, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục vào cuộc, chỉ đạo sát sao, chú trọng công tác bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường, tăng cường tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia bảo vệ môi trường. Các tầng lớp nhân dân chung tay, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong bảo vệ môi trường nói riêng và công cuộc xây dựng nông thôn mới nói chung, góp phần hoàn thành tiêu chí quan trọng trong Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị