Cảnh giác với tấn công mạng vào dịp Tết Nguyên Đán
Trong báo cáo chuyển đổi số quốc gia tháng 1/2024, Bộ Thông Tin và Truyền Thông cho biết, trong tổng số 3.193 hệ thống thông tin trên toàn quốc, đã có 2.110 hệ thống được chứng nhận đạt cấp độ bảo đảm an toàn thông tin, chiếm tỷ lệ 66%. Đây là một tăng trưởng đáng kể, là 1% so với tháng 12 năm 2023 và 10% so với tháng 1 năm 2023.
Theo báo cáo, số lượng cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam trong tháng 1 năm 2024 giảm mạnh so với cả tháng cuối năm trước và tháng 1 năm 2023. Đây được chuyên gia đánh giá là một dấu hiệu tích cực. Theo phân tích của ông Ngô Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Cổ phần An ninh mạng thông minh (SCS), sự giảm số lượng tấn công mạng phản ánh việc các tổ chức và cơ quan đã bắt đầu áp dụng biện pháp tăng cường an toàn, an ninh bảo mật.
“Khi phòng thủ tốt hơn, giám sát cảnh báo phát hiện sớm tốt hơn, việc các hệ thống bị tấn công xâm nhập sẽ giảm. Đây là tín hiệu đáng ghi nhận!”, ông Ngô Tuấn Anh nhận định.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng, trong giai đoạn cận Tết và trong đợt nghỉ Tết Nguyên Đán, các nhóm tấn công mạng thường tăng cường hoạt động. Ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Nghiên cứu công nghệ an ninh mạng, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, lưu ý cần tăng cường giám sát an ninh mạng trong những ngày nghỉ Tết và đề xuất các biện pháp đặc biệt để ứng phó với các mối đe dọa tiềm ẩn.
“Nhân sự quản trị của các đơn vị cần tăng cường các biện pháp giám sát an ninh mạng cho hệ thống, đặt biệt lên phương án sẵn sàng trong những ngày nghỉ Tết vì theo kinh nghiệm hàng năm, những ngày nghỉ thường xảy ra nhiều vụ tấn công mạng nhất”, ông Vũ Ngọc Sơn nhấn mạnh.
Ông Vũ Ngọc Sơn cũng khuyến nghị các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp cần rà soát, săn tìm, và kiểm tra các dấu hiệu tấn công trên các thiết bị máy chủ nhạy cảm, đồng thời thực hiện các biện pháp nâng cấp hệ thống để giảm thiểu rủi ro.
Bên cạnh đó, các đơn vị cũng nên đánh giá toàn diện, kiểm thử tấn công xâm nhập hệ thống máy chủ/ứng dụng nhằm phát hiện các lỗ hổng bảo mật tồn tại trên hệ thống/ứng dụng; đồng thời đánh giá mức độ rủi ro, mức độ ảnh hưởng của các lỗ hổng và tiến hành nâng cấp hệ thống, khắc phục các lỗ hổng, giảm thiểu rủi ro bị khai thác.
Trong khi đó, người tiêu dùng cũng được nhắc nhở về sự thận trọng khi mua sắm và thực hiện các giao dịch trực tuyến, đặc biệt trong giai đoạn gần Tết cổ truyền. Chuyên gia Ngô Tuấn Anh cảnh báo về nguy cơ lừa đảo trực tuyến tăng cao trong thời kỳ này và khuyến nghị lựa chọn nguồn tin cậy, sử dụng dịch vụ giao hàng có thu tiền khi nhận hàng.
Đối với người dùng cá nhân, việc duy trì sự cảnh giác và thực hiện các biện pháp phòng tránh cũng được đặc biệt nhấn mạnh. Các chuyên gia khuyến cáo mỗi người khi sử dụng điện thoại, máy tính, mạng xã hội cần thực hiện tốt “3 không”: Không nhấn vào những đường link do người lạ gửi đến; không tải ứng dụng từ bên thứ ba, chỉ tải trên kho Google Play hay App Store; không nghe những lời cáo buộc, đe dọa hoặc tư vấn liên quan đến đầu tư, lợi ích tài chính, nhận thưởng… qua điện thoại hoặc mạng xã hội, bởi đa phần trong số đó là hành vi làm phiền và lừa đảo trực tuyến.
Được biết, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia đang phát triển phần mềm chống lừa đảo và cho ra mắt vào giữa năm 2024, nhằm giảm thiểu rủi ro lừa đảo trực tuyến. Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh, giải pháp công nghệ chỉ là một phần, và người dân cần cập nhật thông tin và duy trì sự cảnh giác để tránh trở thành nạn nhân của tội phạm mạng. Thực hiện tốt khẩu hiệu “4 không” (Không sợ, không tham, không kết bạn với người lạ, không chuyển khoản) và “2 phải” (Phải thường xuyên cảnh giác và phải tố giác ngay với công an khi có nghi ngờ).
Duy Trinh (t/h)