Cảnh giác với muôn kiểu lừa đảo trên mạng xã hội
Từ những vụ điển hình…
Mới đây, vào ngày 18/9, Công an phường Yên Sở, quận Hoàng Mai đã tiếp nhận tin trình báo của ông T. (sinh năm 1958, trú tại Hoàng Mai) về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ông T. cho biết nhận được tin nhắn của một số điện thoại lạ với nội dung: “Tài khoản của bạn sẽ bị ngừng dịch vụ vào ngày 18/9 lúc 22:00. Vui lòng vào www.mxsccb.com để kiểm tra”. Khi ông T. đăng nhập vào đường link trên điện thoại thì phát hiện tài khoản bị rút mất 399 triệu đồng. Lúc này ông T. mới biết mình bị lừa và đến cơ quan Công an trình báo…
Ảnh minh họa |
Đáng nói, sử dụng tin nhắn với đường link giả danh ngân hàng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản như trường hợp trên không phải là thủ đoạn mới, nhưng vẫn có khá nhiều người bị “sập bẫy”, vì không cẩn thận. Một thủ đoạn lừa đảo mới được Công an tỉnh Hải Dương tiếp nhận, xử lý là việc giả danh cô giáo chủ nhiệm để yêu cầu các phụ huynh đóng tiền học cho con đầu năm học. Các đối tượng đã chọn đúng thời điểm các trường thường thông báo các khoản thu cho phụ huynh, nên một số phụ huynh đã không nghi ngờ gì mà chuyển khoản, nộp tiền học cho con. Cụ thể, khoảng 12h50 ngày 14/9, cô giáo chủ nhiệm lớp 1 tại một trường tiểu học trên địa bàn thị xã Kinh Môn, Hải Dương đã bị đối tượng giả mạo bằng cách lập tài khoản Zalo, lấy ảnh đại diện của cô rồi đối tượng tìm cách tham gia vào nhóm zalo của lớp do cô giáo kia chủ nhiệm. Sau đó, đối tượng này sử dụng Zalo giả mạo cô giáo để kết bạn, nhắn tin với các phụ huynh trong lớp, thông báo chuyển khoản để nộp tiền học cho con vào số tài khoản 1018295xxx (chủ tài khoản không phải tên cô giáo). Đến 13h30 cùng ngày, cô giáo nhận được phản ánh và phát hiện ra có người giả mạo và đến Công an thị xã Kinh Môn trình báo sự việc. Lúc này, đã có 6 phụ huynh vì tin tưởng đã chuyển khoản vào tài khoản của đối tượng lừa đảo với tổng số tiền là 25,8 triệu đồng…
Bên cạnh những thủ đoạn trên, các đối tượng còn lừa đảo bằng cách chiếm quyền quản trị tài khoản mạng xã hội, lừa người thân quen của chủ tài khoản chuyển tiền rồi chiếm đoạt. Cụ thể như vụ việc do Công an quận Nam Từ Liêm triệt phá. Các đối tượng đã dùng thủ đoạn chiếm quyền quản trị (hack) tài khoản mạng xã hội Facebook của người dùng, rồi liên hệ với danh sách bạn trong tài khoản để nhờ nhận tiền, hoặc đưa thông tin giả để nhận tiền lương. Sau đó nhắn tin cung cấp đường link giả mạo dịch vụ chuyển tiền từ nước ngoài về Việt Nam, yêu cầu bị hại đăng nhập tài khoản ngân hàng, mã OTP rồi chiếm quyền sử dụng tài khoản ngân hàng và tiền có trong tài khoản. Đến khi bị phát hiện, các đối tượng đã chiếm đoạt thành công gần 100 vụ, với tổng sô tiền gần 2 tỷ đồng…
…Đến tỉ lệ khởi tố vụ án còn thấp
Bộ Công an vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo đó, chỉ tính riêng từ 25/5/2020 đến 24/5/2021, toàn quốc đã phát hiện xảy ra 5.408 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trị giá hàng nghìn tỷ đồng. Đáng quan tâm, do tác động của giãn cách xã hội, hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo phương thức truyền thống giảm, song tội phạm lợi dụng không gian mạng lại tăng và diễn biến phức tạp. Trong số các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã bị phát hiện, có 527 vụ giả danh cơ quan Nhà nước, Công an, Viện Kiểm sát… đe dọa; 526 vụ hack tài khoản mạng xã hội; 473 vụ lừa trúng thưởng, kinh doanh trên web; 423 vụ sử dụng mạng xã hội, kết bạn làm quen, thông báo gửi quà để lừa đảo, 144 vụ góp vốn kinh doanh đa cấp, tiền ảo… Số vụ lừa đảo trên đã tăng gần 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, nổi lên là các thủ đoạn như tạo lập các website, sàn giao dịch, ứng dụng kiếm tiền, sử dụng “mồi nhử” là các khoản lợi nhuận cao để kêu gọi, lôi kéo đầu tư, kinh doanh tiền ảo, ngoại hối (Forex), sàn giao dịch quyền chọn nhị phân (Binary Option)… theo mô hình đa cấp, sau đó can thiệp vào hệ thống kỹ thuật làm cho nhà đầu tư thua lỗ hoặc đánh sập để chiếm đoạt tài sản.
Bên cạnh đó, các đối tượng còn đăng thông tin giả mạo về các hoàn cảnh khó khăn để vận động quyên góp từ thiện và chiếm đoạt số tiền huy động đuợc; lợi dụng việc mua bán hàng hóa trên các website bán hàng trực tuyến, trên mạng xã hội, nhất là mua bán các mặt hàng như khẩu trang, thiết bị y tế trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn ra… để lừa đảo chiếm đoạt tiền của đối tác mua, bán hàng. Thậm chí, giả danh nhân viên y tế mời gọi người dân mua thuốc phòng dịch hoặc cung cấp dịch vụ xét nghiệm, tiêm vắc xin, cung ứng vật tư phòng, chống dịch bệnh Covid-19, yêu cầu người dân đóng tiền rồi chiếm đoạt…
Số vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng có chiều hướng gia tăng nhưng tỉ lệ khởi tố vụ án, khởi tố bị can và truy tố còn thấp (775 vụ án khởi tố/2.514 vụ phát hiện, đạt tỉ lệ 30%). Nguyên nhân, theo Bộ Công an, số tài sản bị chiếm đoạt lớn nhưng quy trình, thủ tục về phong tỏa tài khoản mất thời gian, trong khi thời gian đối tượng gây án chuyển tiền từ tài khoản ban đầu đến các tài khoản khác diễn ra rất nhanh. Đồng thời, việc truy vết theo dòng tiền bị chiếm đoạt kéo dài, nhất là khi tiền bị chuyển ra nước ngoài, khó khăn trong công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt… |
Đáng nói, số vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng có chiều hướng gia tăng nhưng tỉ lệ khởi tố vụ án, khởi tố bị can và truy tố còn thấp (775 vụ án khởi tố/2.514 vụ phát hiện, đạt tỉ lệ 30%). Nguyên nhân, theo Bộ Công an, số tài sản bị chiếm đoạt lớn nhưng quy trình, thủ tục về phong tỏa tài khoản mất thời gian, trong khi thời gian đối tượng gây án chuyển tiền từ tài khoản ban đầu đến các tài khoản khác diễn ra rất nhanh. Đồng thời, việc truy vết theo dòng tiền bị chiếm đoạt kéo dài, nhất là khi tiền bị chuyển ra nước ngoài, khó khăn trong công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt…
Bên cạnh đó, công tác phối hợp của một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhất là một số ngân hàng thương mại và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông chậm hoặc không cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan điều tra các cấp, ảnh hưởng đến tiến độ điều tra, xác minh các tin báo, vụ án, vụ việc và thu hồi tài sản bị chiếm đoạt.
Người dân cần nâng cao cảnh giác
Bộ Công an dự báo tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, xuyên quốc gia, có sự cấu kết giữa các đối tượng trong nước và đối tượng ở nước ngoài. Trước thực trạng trên, để tránh bị lừa đảo, cơ quan Công an khuyến cáo người dân khi nhận các tin nhắn nghi vấn, email không rõ ràng từ phía ngân hàng, cần gọi điện trực tiếp lên tổng đài chăm sóc khách hàng của ngân hàng để kiểm tra lại thông tin, chứ không làm theo hướng dẫn của các đường link lạ.
Đồng thời, xác minh cẩn thận khi nhận được các thông tin, yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân qua tin nhắn SMS, email, ứng dụng Zalo, Facebook… Khi nhận được đề nghị vay mượn qua tin nhắn, cuộc gọi qua Zalo, Facebook, cần gọi lại bằng cuộc gọi thông thường để xác thực, không nhanh chóng chuyển khoản cho vay mượn ngay theo đề nghị, để phòng tránh tình trạng chủ tài khoản Zalo, Facebook đã bị kẻ xấu chiếm tài khoản. Bên cạnh đó, khi nộp các khoản tiền phí, lệ phí, thông thường các cơ quan thu sẽ thu bằng tài khoản của pháp nhân, nên khi nộp tiền, người dân cần chú ý kiểm tra lại tài khoản của các tổ chức thụ hưởng, tránh trường hợp nộp tiền vào tài khoản cá nhân./.
Nguồn: Báo lao động thủ đô