Cảnh giác với lừa đảo trực tuyến ứng dụng trí tuệ nhân tạo

Muôn vàn loại “bẫy”

Mới đây, ngày 21/6, Ngân hàng Agribank chi nhánh Ba Vì đã kịp thời ngăn chặn giúp khách hàng P.T. N (thôn Yên Kỳ, xã Phú Sơn) thoát được vụ lừa đảo số tiền 260 triệu đồng. Theo đó, khách hàng P.T. N đến giao dịch đề nghị nhân viên Ngân hàng Agribank chi nhánh Ba Vì cho rút hết số tiền tiết kiệm mặc dù chưa đến kỳ hạn. Thời điểm này, bà N vẫn đang liên lạc điện thoại với một đối tượng tự xưng công an, thông báo bà đã vi phạm pháp luật. Để không bị niêm phong tài sản và bị tam giam, bà phải mở tài khoản chuyển tiền để phục vụ công tác điều tra.

Cảnh giác với lừa đảo trực tuyến ứng dụng trí tuệ nhân tạo
Bà P.T.N (thôn Yên Kỳ, xã Phú Sơn, Ba Vì) may mắn được cán bộ ngân hàng kịp thời tư vấn, ngăn chặn lừa đảo.

Những lời dọa dẫm liên tiếp của đối tượng khiến bà N hoảng hốt, nhanh chóng làm theo hướng dẫn và đến Ngân hàng để thực hiện các thủ tục rút tiền, chuyển vào tài khoản mới mà đối tượng vừa hướng dẫn lập. Tuy nhiên, với tinh thần cảnh giác cao, các giao dịch viên đã kịp thời nắm bắt, tìm hiểu lí do rút tiền của khách hàng. Sau khi biết được đây là chiêu thức lừa đảo, lợi dụng sự cả tin và chưa nắm rõ kiến thức của người dân về pháp luật, giao dịch viên đã giải thích, khuyên nhủ và ngăn chặn thành công việc chuyển tiền của khách hàng.

Bên cạnh phương thức truyền thống như giả danh Công an, Viện Kiểm sát, các cơ quan thực thi nhiệm vụ, các đối tượng lừa đảo trực tuyến còn sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi khác như đánh cắp thông tin khách hàng, làm giả số tài khoản ngân hàng theo đúng họ tên và giả danh khách hàng để mượn tiền của bạn bè, người thân; sử dụng AI để tạo cuộc gọi video call, giả danh hình ảnh, giọng nói, lừa đầu tư qua mạng hay việc làm trực tuyến…

Vẫn còn xót xa vì sự cả tin của mình, chị Trương Thị Nga (Linh Đàm, Hoàng Mai) cho hay, thông thường chị vẫn hay cho một người bạn kinh doanh quần áo, những lúc thiếu tiền vay để nhập hàng. Chính vì thế, cuối tháng 4/2023, chị nhận được tin nhắn của bạn qua zalo nhờ chuyển tiền qua một số tài khoản của ngân hàng khác nhưng vẫn là tên của bạn chị. Nếu hỏi trực tiếp chị đưa ngay, hoặc nhắn tin nhờ chuyển qua tài khoản cũ. Nhưng lần này, lại là tài khoản ngân hàng khác khác, nên thấy nghi ngờ, chị yêu cầu bạn gọi lại. Ngay sau đó, người này đã gọi điện thoại có hình ảnh (video call) cho chị thúc giục chuyển tiền gấp. Khi nhìn thấy hình ảnh bạn mình, chị Nga đã chuyển 20 triệu đồng đến tài khoản được cung cấp qua Zalo. Sau đó, chị mới biết mình đã bị kẻ lừa đảo dùng công nghệ Deepfake (sử dụng công nghệ AI để làm giả hình ảnh, giọng nói) nhằm thực hiện cuộc gọi có hình ảnh và lừa được tiền.

“Lúc bạn gọi, tôi thấy có hình của bạn nhưng hơi mờ, giật và nói được vài câu thì cuộc gọi bị gián đoạn, tôi nghĩ do kết nối internet yếu nên không nghi ngờ và chuyển tiền luôn. Buổi tối đi làm về gọi lại cho bạn thì mới biết mình bị lừa”, chị Nga nói.

Cần nâng cao nhận thức của người dân

Theo Cục An toàn Thông tin, thời gian vừa qua, các vụ lừa đảo trực tuyến đã và đang diễn biến phức tạp trên môi trường số. Theo ghi nhận của Cục An toàn thông tin, trong 6 tháng đầu năm, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái; tăng 37,82 % so với 6 tháng cuối năm 2022.

Có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam, tập trung vào các nhóm đối tượng: Người cao tuổi với 15 hình thức lừa đảo thường xuyên; trẻ em có 3 hình thức dẫn dụ trên mạng; sinh viên/thanh niên có 13 hình thức; các đối tượng công nhân/người lao động, nhân viên văn phòng bị dẫn dụ với 19 hình thức lừa đảo…Một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng này được xác định đến từ nhận thức của người sử dụng.

Để đấu tranh với tội phạm trên không gian mạng, công an các quận, huyện, thị xã của thành phố Hà Nội đã đưa nhiều giải pháp cảnh báo người dân, qua đó kịp thời ngăn chặn nhiều vụ việc đáng tiếc. Đại tá Nguyễn Ngọc Quyền, Trưởng Công an quận Hà Đông cho biết, trong quá trình dẫn dắt bị hại, đối tượng lừa đảo đã nghiên cứu kỹ các cuộc trò chuyện với chủ tài khoản trước đó, từ đó nhắn tin với lời lẽ, cách viết tương tự, khiến nạn nhân mất cảnh giác. Vì vậy, bên cạnh việc ngăn chặn kịp thời các vụ lừa đảo công nghệ cao, đơn vị đã đặt biển cảnh báo (khổ A4, nền đỏ, chữ vàng) tại tất cả phòng giao dịch ngân hàng trên địa bàn…

Tương tự, Trung tá Trần Anh Dũng – Trưởng Công an phường Đức Giang, quận Long Biên chia sẻ: Thông qua nhiều kênh, nhiều hình thức thông tin, tuyên truyền, thời gian qua Công an quận và phường đã thường xuyên cập nhật, phổ biến, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân nhận biết phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm “nóng”, như trộm cắp, cướp giật, tội phạm lừa đảo sử dụng công nghệ cao…

Nhằm nâng cao ý thức của người dân về lừa đảo trên không gian mạng, theo Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, Công an thành phố đang tập trung đẩy mạnh tuyên truyền đến từng người dân bằng các hình thức như: Thông qua hệ thống loa phát thanh, nhóm Zalo, Facebook phòng, chống tội phạm trên địa bàn các phường; lồng ghép nội dung trong các cuộc họp tại các tổ dân phố, khu dân cư và thông qua các hoạt động, sinh hoạt cộng đồng. Lực lượng Cảnh sát khu vực chủ động trực tiếp phát các bài tuyên truyền đến từng doanh nghiệp, người dân; đồng thời, đăng tải bài tuyên truyền trên bảng tin tại các điểm sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa và các cụm dân cư.

Đặc biệt, lực lượng Công an cũng phối hợp với các cấp hội tuyên truyền trực tiếp đến từng hội viên nhằm lan tỏa rộng rãi đến từng hộ gia đình, đặc biệt chú ý đến đối tượng là người cao tuổi, sống một mình hoặc thường xuyên ở nhà một mình. Về phần người dân, cần nâng cao ý thức, kiến thức để phòng tránh và đối phó với những trường hợp lừa đảo trên không gian mạng.

Lê Thắm

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích