Cảnh giác trước những chiêu lừa đảo tinh vi
Tái diễn thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại
Mới đây, Công an quận Thanh Xuân, Hà Nội, đã phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, điều tra vụ lừa đảo chiếm đoạt 860 triệu đồng với thủ đoạn gọi điện giả mạo cơ quan công an. Trước đó, ngày 5/10, Công an phường Kim Giang, quận Thanh Xuân nhận được đơn trình báo của bà T. (63 tuổi) về việc bị lừa đảo chiếm đoạt 860 triệu đồng.Theo đơn trình báo, bà T. nhận được điện thoại từ các đối tượng tự xưng là công an, kiểm sát viên thông báo, bà T có liên quan tới một vụ án. Các đối tượng yêu cầu bà T. phải chuyển tiền vào tài khoản của các đối tượng cung cấp để kiểm tra.Sau khi thực hiện theo hướng dẫn của đối tượng, bà T. mới biết mình bị lừa và đến cơ quan công an trình báo.
Người dân cần nâng cao cảnh giác để tránh mắc bẫy của những đối tượng xấu. Ảnh minh họa |
Cách đây không lâu, Công an quận Hoàng Mai cũng tiến hành điều tra một vụ lừa đảo, chiếm đoạt số tiền 520 triệu đồng qua điện thoại. Theo Công an quận Hoàng Mai, ngày 22/8, Công an phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai tiếp nhận đơn trình báo của chị T. (42 tuổi) trú tại địa bàn về việc nhận được một cuộc điện thoại từ đối tượng tự xưng là cán bộ điện lực. Người này thông báo thẻ căn cước công dân của chị T. có đăng ký dịch vụ điện tại thành phố Hồ Chí Minh và đang nợ tiền. Sau đó, người này tiếp tục nói căn cước công dân của chị T. có đứng tên một tài khoản ngân hàng liên quan đến một vụ buôn bán ma túy và yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản để xác minh. Chị T. đã cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng và mã OTP cho đối tượng, sau đó phát hiện tài khoản bị rút mất 520 triệu đồng. Lúc này, chị T. mới biết mình bị lừa và đến cơ quan công an trình báo.
Anh H. (34 tuổi) ở Cầu Giấy, Hà Nội cho biết bản thân anh là người từng bị đối tượng “lạ” gọi điện tới để lừa tiền nhưng do “tỉnh táo” nên anh đã không bị “sập bẫy”. Anh H. kể lại: “Chúng có cả một đội ngũ, xây dựng kịch bản bài bản, dẫn dắt, nói chuyện rất thuyết phục, dụ từng bước một. Nếu tâm lý tôi không vững, không thường xuyên đọc thông tin trên báo thì đã bị lừa và nhận một bài học với cái giá rất đắt rồi”. Anh H. khuyên mọi người nên thường xuyên theo dõi tin tức trên các phương tiện thông tin đại chúng và chia sẻ cho những người thân của mình biết để tránh bị các đối tượng xấu lừa, mất tiền oan. Đồng thời, anh H. cũng mong mỏi lực lượng chức năng cần nhanh chóng triệt phá những đường dây lừa đảo đáng sợ này…
Theo Công an thành phố Hà Nội Hà Nội, mặc dù đã có rất nhiều cảnh báo về thủ đoạn mạo danh các cơ quan chức năng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản nhưng vẫn còn có người “sập bẫy”. Đó thường là những người ít cập nhật thông tin xã hội, báo chí. Khi xảy ra vụ việc, nạn nhân lo sợ bị mất uy tín nên có trường hợp không trình báo với cơ quan công an, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.
Qua đó, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về các thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Tuyệt đối không cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP và chuyển tiền cho các đối tượng. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an.
Thận trọng khi chơi phường, hụi
Thời gian qua, trên địa bàn Thành phố đã xảy ra nhiều vụ “vỡ” phường, hụi với quy mô và mức độ khác nhau, có những vụ gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng cho mỗi người chơi. Dù ở mức độ nào, các vụ “vỡ” phường, hụi đều gây ra nhiều hệ lụy, không ít người rơi vào cảnh trắng tay, có người tìm đến cái chết, mong thoát khỏi cảnh nợ nần chồng chất…
Ngày 16/10 vừa qua, Công an huyện Mỹ Đức, Hà Nội đã phát đi thông báo truy nã hai đối tượng là Nguyễn Văn Dũng (sinh năm 1970, trú tại xã Bột Xuyên, Mỹ Đức, Hà Nội) và Trần Thị Hương (sinh năm 1975, vợ Dũng). Đôi vợ chồng này trước đó bị khởi tố về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.Theo điều tra, từ khoảng cuối năm 2017 đến tháng 3/2019, vợ chồng Nguyễn Văn Dũng và Trần Thị Hương tổ chức “chơi phường”, “chơi họ” trên địa bàn huyện Mỹ Đức.Mỗi người khi tham gia đều được vợ chồng Dũng, Hương cấp cho một sổ chơi nhưng không biết trong “dây phường” gồm những ai. Đến lịch lấy “tiền phường”, nhiều người dân liên hệ vợ chồng Dũng, Hương nhưng không được.
Đối tượng Nguyễn Văn Dũng và Trần Thị Hương. Ảnh: CQCA |
Quá trình điều tra, Công an huyện Mỹ Đức xác định, cả hai đã bỏ trốn khỏi địa phương. Tổng số tiền vợ chồng Dũng, Hương chiếm đoạt của 35 công dân các xã Bột Xuyên, An Mỹ, Lê Thanh, Hồng Sơn là hơn 3 tỷ đồng.Căn cứ vào tài liệu điều tra, ngày 20/11/2019, Công an huyện Mỹ Đức đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Dũng và Trần Thị Hương về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Do hai bị can đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú, ngày 7/12/2019, Công an huyện Mỹ Đức đã ra quyết định truy nã hai đối tượng trên.Công an huyện Mỹ Đức đề nghị người dân nếu phát hiện các đối tượng có thể báo ngay cho Công an huyện Mỹ Đức (số điện thoại 0979389352) hoặc cơ quan công an nơi gần nhất. Mới đây, Công an huyện Mỹ Đức tiếp tục phát đi thông báo truy nã hai đối tượng này.
Theo tìm hiểu được biết, chơi phường, hụi gồm có hai loại: Phường, hụi không tính lãi và phường, hụi tính lãi. Nếu tham gia phường, hụi không tính lãi, tất cả mọi người sẽ cùng góp và lần lượt nhận một khoản tiền như nhau, không phân biệt ai nhận trước, ai nhận sau. Đối với phường, hụi tính lãi, người nào “hốt hụi” (nhận tiền) trước sẽ lỗ nhiều, người “hốt hụi” sau cùng sẽ được lời nhất. Theo nguyên tắc, người rút đầu tiên trả lãi cho người rút cuối. Đến mỗi kỳ mở phường, hụi, chủ hụi sẽ tập hợp mọi người lại, những ai đang thiếu tiền và muốn “hốt hụi” sẽ đề nghị trả một số tiền lãi nhất định, ai bỏ cao nhất sẽ được ưu tiên “hốt hụi” trước (người rút trước được gọi là “hụi chết”). Sau đó, thay vì đóng đều như ban đầu thỏa thuận, hụi chết sẽ đóng thêm phần lãi ghi trong phiếu.
Mặc dù là hình thức huy động vốn không chính thống, nhưng nhiều người dân thích chơi hụi hơn là vay tiền của ngân hàng hay các công ty tài chính. Việc đóng hụi sau đó cũng như hình thức trả góp. Chơi hụi không có gì xấu, nó còn là hình thức huy động vốn nhanh chóng để người dân tiết kiệm tiền hoặc ứng trước tiền cho những tình huống khẩn cấp với thủ tục đơn giản, tuy nhiên, việc chơi hụi chỉ dựa vào niềm tin cá nhân của các thành viên mà không có tài sản bảo đảm (không có tài sản cầm cố, thế chấp) thì rất dễ gặp sự cố bất trắc. Đặc biệt là chủ hụi, người nắm vai trò đầu mối cũng cần được xem xét có đáng tin hay không. Bên cạnh đó, người dân không nên xem phường, hụi là hình thức đầu tư để hưởng lãi suất cao.
Đối với những người cần tiền gấp, thường là những người dân nghèo, hụi có thể là cách thức dễ dàng và nhanh chóng nhất để họ có một số vốn làm ăn và thoát khỏi tình cảnh nguy cấp hiện tại. Vì thế, nhiều người đã không ngại ngần tham gia các “dây hụi” dù đã nhiều lần được cảnh báo về những rủi ro có thể xảy ra. Điều này đã khiến không ít người dân rơi vào cảnh lao đao, trắng tay, mất hết số tiền dành dụm cả đời vào cạm bẫy mang tên “hụi”. Đối với những người tham gia phường, hụi, trong quá trình chơi cần có sổ sách ghi chép cẩn thận, giấy tờ biên nhận rõ ràng, có chữ ký của cả hai bên về việc giao nhận tiền. Đặc biệt, trước khi quyết định tham gia vào một phường, hụi nào đó, người chơi cần tìm hiểu rõ các quy định của pháp luật liên quan. Việc hiểu rõ bản chất của mô hình phường, hụi là yếu tố, thông tin quan trọng để lựa chọn những người “cầm cái” cũng như các thành viên trong nhóm có độ tin cậy cao, lý lịch rõ ràng và có khả năng về tài chính…
Từ những vụ việc kể trên, mong rằng mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác để tránh mắc bẫy của những đối tượng xấu. Trong trường hợp bị kẻ xấu lợi dụng cần nhanh chóng trình báo để các cơ quan chức năng kịp thời tiến hành điều tra, xử lý./.
Nguồn: Báo lao động thủ đô