Cảnh giác app giả lừa đảo tràn lan trên mạng xã hội
Gần đây, trong những ngày bão lũ, lợi dụng tinh thần tương thân tương ái của người dân Việt Nam, nhiều kẻ xấu đua nhau lập các trang web, fanpage mạo danh các tổ chức, cơ quan nhà nước nhằm phát tán tin giả, giăng bẫy lừa đảo, trục lợi từ lòng tốt của người dân.
Tình trạng giả mạo các app (ứng dụng), website của các ngân hàng, tổ chức, cơ quan nhà nước nhằm mục đích lừa đảo ngày càng tràn lan. Trang web này vừa bị dập, lập tức xuất hiện thêm nhiều trang khác…
Theo Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, đến nay đã ghi nhận 125.226 địa chỉ website giả mạo cơ quan, tổ chức tại Việt Nam.
Bênh canh việc theo dõi các thông tin cập nhật về tình hình bão lũ cũng như đời sống người dân ở các tỉnh phía Bắc, chị H. (TP Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) thấy có trang fanpage kêu gọi quyên góp hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng.
“Trang fanpage dùng hình ảnh chính thức của hội chữ thập đỏ và có ghi thông tin là trang chính thức của hội cũng như công bố con số hơn 1 triệu người theo dõi, kèm theo những hình ảnh thương tâm của đồng bào trong bão lũ nên tôi không mảy may suy nghĩ nhiều”, chị H. kể lại.
Tuy nhiên, sau khi chuyển số tiền 30 triệu đồng vào số tài khoản nhận là cá nhân, chị H. bắt đầu cảm thấy “ngờ ngợ” và sau đó mới té ngửa khi phát hiện mình sập bẫy kẻ lừa đảo.
Fanpage trên mạng xã hội Facebook giả mạo Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ninh để lừa đảo bằng cách kêu gọi quyên góp, ủng hộ người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.
Tại cuộc họp giao ban mới đây, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cũng cảnh báo về một số trang cá nhân/fanpage trên mạng xã hội mạo nhận là nạn nhân/người dân bị ảnh hưởng và Facebook giả mạo Hội Chữ thập đỏ để lừa đảo bằng cách kêu gọi quyên góp, ủng hộ người dân bị ảnh hưởng bởi bão Yagi.
Một bạn tên Th. thông tin có tổ chức hướng dẫn bạn đọc này cài app vào điện thoại để điểm danh nhận… lì xì, sau đó chiêu dụ nộp tiền nuôi bò kỹ thuật số với lãi suất cao. Thậm chí nhóm lừa đảo này quảng cáo có trang trại nuôi bò ở Úc, với tên gọi na ná tên của một doanh nghiệp lớn của Úc nhằm lôi kéo thêm nạn nhân
Theo Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) thuộc Bộ TT&TT, trong tháng 8 đã phát hiện 55 website giả mạo thương hiệu với mục đích lừa đảo được phát tán trên mạng. Trong đó chủ yếu là mạo danh các ngân hàng, sàn thương mại điện tử, bảo hiểm, cơ quan nhà nước.
Có thể kể ra một số thương hiệu bị mạo danh website nhiều nhất như: Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Công an, Công ty cổ phần Giao hàng tiết kiệm, Điện máy xanh, Kho bạc Nhà nước, sàn thương mại điện tử Lazada, Shopee, Tiki, Sendo…
Trước tình hình trên, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo:
1. Người dân cần kiểm tra kỹ thông tin trước khi chia sẻ và nâng cao khả năng tự bảo vệ khỏi những thông tin sai lệch.
2. Chỉ nên theo dõi các trang thông tin từ chính phủ, cơ quan báo chí có uy tín để cập nhật tin tức chính xác nhằm hạn chế những rủi ro về lừa đảo trực tuyến hoặc trở thành nạn nhân của đối tượng xấu trên mạng.
3. Người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, không gửi tiền quyên góp, ủng hộ đồng bào bị thiệt hại vào các tài khoản không rõ nguồn gốc.
4. Khi nhận được thông tin trên mạng kêu gọi tài trợ hay bán hàng phục vụ chống bão lũ, cần phải kiểm chứng nội dung kỹ càng. Cần theo dõi trên các phương tiện truyền thông chính thống để biết các tổ chức chính thống, các địa chỉ tin cậy tiếp nhận tiền, hàng hóa ủng hộ người dân các địa phương chịu hậu quả nặng nề của bão.
5. Tuyệt đối không chuyển tiền cho các cá nhân hoặc tổ chức tự phát không có danh tính rõ ràng. Chỉ thực hiện quyên góp thông qua các tài khoản chính thống thuộc cơ quan nhà nước hoặc tổ chức/ cá nhân uy tín.
6. Trong trường hợp người dùng không nắm rõ thông tin thì có thể tham khảo thêm ý kiến của người thân trong gia đình hoặc cơ quan.
7. Đồng thời, người dân, cơ quan tổ chức cần đẩy mạnh việc chia sẻ thông tin cảnh báo rộng rãi để mọi người cùng nêu cao tinh thần cảnh giác.
Thanh Hiền (t/h)