Cảnh độc đáo ở nơi thờ nữ tình báo đầu tiên của chính sử Việt Nam

Có tuổi đời hàng trăm năm, rặng duối khổng lồ sừng sững bao quanh nơi thờ nữ tình báo đầu tiên của chính sử Việt Nam.

Rặng duối cổ khổng lồ bao quanh đình

Về thăm đình Ruối (hay còn gọi là đình Kiến Quốc) ở xã Yên Nghĩa (huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định), rất nhiều người dân ngỡ ngàng trước công trình bằng cây duối cổ độc đáo, chạy dài như một thành trì che chắn cho ngôi đình.

Ông Nguyễn Văn Minh – Phó Ban quản lý di tích lịch sử văn hóa đình Ruối kể lại lời các cụ cao niên, từ khi đình Ruối thờ bà Lương Thị Minh Nguyệt – nữ tình báo đầu tiên của chính sử Việt Nam được lập nên cách đây hàng trăm năm, hàng duối đã được trồng.

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, đến nay, hàng duối vẫn phát triển xanh tốt, giúp cho ngôi đình giữ nguyên nét mộc mạc, cổ kính nhưng không kém phần trang nghiêm.

Cảnh độc đáo ở nơi thờ nữ tình báo đầu tiên của chính sử Việt Nam
Rặng duối cổ dài khoảng 250m

Rặng duối được chia thành 3 tầng với chiều dài khoảng 250m, rộng hơn 5m, cao đến 10m, chia làm 2 cổng ra vào.

Cổng chính được tạo hình nghệ thuật với chiều cao 10m khiến tổng thể di tích càng thêm nguy nga, tráng lệ. Cổng này được mở mỗi khi có hội. Những ngày thường, người dân sẽ di chuyển qua cổng phụ.

Cảnh độc đáo ở nơi thờ nữ tình báo đầu tiên của chính sử Việt Nam
Cổng chính cao 10m, được mở vào mỗi dịp lễ hội
Cảnh độc đáo ở nơi thờ nữ tình báo đầu tiên của chính sử Việt Nam
Cổng phụ để nhân dân di chuyển vào những ngày bình thường

Để giữ gìn được hàng duối cổ, ban quản lý di tích cử người cắt tỉa định kỳ theo tháng, theo quý. Bà Phạm Thị Hậu (xã Yên Nghĩa) chia sẻ :”Tôi đã chăm sóc tường duối ở đây được hơn 10 năm, cứ khoảng 2 tháng tôi lại cắt tỉa 1 lần, mỗi lần cắt trong 10 ngày”.

Cảnh độc đáo ở nơi thờ nữ tình báo đầu tiên của chính sử Việt Nam
Rặng duối được cắt tỉa định kỳ 2 tháng 1 lần, bảo vệ kỹ lưỡng, cẩn thận

Trao đổi với VietNamNet, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Nghĩa Hoàng Tiến Mạnh cho biết: “Đây là rặng duối cổ gắn liền với bao thế hệ của người dân địa phương nên chính quyền cũng như mỗi người dân đều phải nâng cao, chú ý đến công tác chăm sóc, bảo vệ. Nhiều người dân nơi đây quan niệm, bức tường duối như tòa thành bảo vệ cho di tích cũng như sự bình yên của nhân dân”.

Cảnh độc đáo ở nơi thờ nữ tình báo đầu tiên của chính sử Việt Nam
Cảnh độc đáo ở nơi thờ nữ tình báo đầu tiên của chính sử Việt Nam
Đình Ruối – nơi thờ nữ tình báo đầu tiên của chính sử Việt Nam

Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đình Ruối thờ bà Lương Thị Minh Nguyệt và chồng là ông Đinh Công Tuấn – những người có công lớn giúp quân Lam Sơn đánh đuổi giặc Minh tại thành Cổ Lộng.

Theo các tư liệu lịch sử, năm 1406, nhà Minh đem 20 vạn quân sang xâm lược nước ta. Năm 1407, tướng giặc Mộc Thạnh sai quân lấy đất núi Thiên Kiện (núi Bô), đập phá tháp Chương Sơn (xã Yên Lợi, huyện Ý Yên ngày nay) vận chuyển về cánh đồng Lai Cách (xã Yên Thọ, huyện Ý Yên) để đắp thành Cổ Lộng nhằm án ngữ đường thủy trên sông Đáy và đường bộ Thiên Lý từ Bắc vào Nam.

Trước cảnh ấy, bà Lương Thị Minh Nguyệt đã cùng chồng mở quán bán hàng tại chân thành Cổ Lộng, âm thầm nắm cách bố trí phòng bị của giặc, ghi chép thành sơ đồ. Khi Lê Lợi tiến quân ra Đông Quan, bà tìm đến dâng tấm sơ đồ vẽ kho lương thực và vũ khí, đề xuất kế sách hạ thành.

Một đêm cuối năm 1426, trong tiết trời giá rét, bà đem theo một số thôn nữ trẻ vào thành mang rượu, thịt bán cho giặc. Quân giặc không đề phòng, sau khi ăn uống no say liền chui vào túi để ngủ. Bà và các thôn nữ nhanh chóng thắt chặt các miệng túi. Khi thành chỉ còn lại đám lính nhỏ canh gác, bà mở cửa thành để ông Đinh Công Tuấn cùng binh lính phục sẵn dẫn đại quân xông vào. Thành Cổ Lộng nhanh chóng thất thủ.

Cảnh độc đáo ở nơi thờ nữ tình báo đầu tiên của chính sử Việt Nam
Bên trong đình Ruối – nơi thờ bà Lương Thị Minh Nguyệt và chồng là ông Đinh Công Tuấn

Chiến thắng giặc Minh, vợ chồng bà không nhận chức quan Vua Lê Thái Tổ ban mà chỉ xin ban ruộng đất và miễn sưu thuế 3 năm cho nhân dân trong vùng. Khi cả hai vị anh hùng qua đời, năm 1443 Vua cho lập đền thờ Kiến Quốc ở làng, ban cho thôn 100 mẫu ruộng tốt để làm việc tế tự.

Năm 1902, đời vua Thành Thái năm thứ 13, đền được trùng tu quy mô lớn, đổi tên đền thành đình Kiến Quốc.

Với những giá trị về lịch sử và văn hóa, đình Ruối được Nhà nước chính thức công nhận là Di tích quốc gia vào năm 1992.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích