Cảnh báo việc tự ý mua thuốc kháng đông, kháng viêm điều trị Covid-19

Cảnh báo việc tự ý mua thuốc kháng đông, kháng viêm điều trị Covid-19

Thời gian qua một số người dân đã tự ý mua thuốc kháng đông, kháng viêm để điều trị Covid-19. Về việc này bác sĩ cảnh báo không tự ý dùng thuốc mà cần có sự hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ.

Cảnh báo việc tự ý mua thuốc kháng đông, kháng viêm

Thời gian qua trước diễn biến phức tạp của dịch Covid 19 tại Hồ Chí Minh nên đã xuất hiện 1 bộ phận người dân ráo riết săn lùng các loại thuốc kháng đông như Rivaroxaban và thuốc kháng viêm như Examethasone, Prednisolone, Methylprednisolone để “thủ” phòng thân khi cần.

Liên quan đến vấn đề này, Sở Y tế TP.HCM lần lượt ban hành 3 văn bản cập nhật hướng dẫn điều trị F0 tại nhà nhằm giảm gánh nặng cho hệ thống điều trị tại các bệnh viện.

Về việc này ông Tăng Chí Thượng – phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết: “Trong mùa dịch các thuốc thiết yếu mà người dân cần có bao gồm thuốc hạ sốt, thuốc nâng cao thể trạng như vitamin, chất dinh dưỡng vi lượng, các thuốc y học cổ truyền. Ngoài ra có thể bổ sung các thuốc kháng viêm corticoid và kháng đông dạng uống trong một số tình huống có chỉ định.

Việc sử dụng thuốc kháng viêm corticoid và kháng đông dạng uống chỉ nên áp dụng khi người bệnh có triệu chứng sớm của suy hô hấp và chưa liên hệ được nhân viên y tế để được hướng dẫn, hỗ trợ”.

Cũng liên quan đến vấn đề này, một bác sĩ đang điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 cảnh báo: “Người dân không nên săn lùng uống các loại thuốc này vô tội vạ, dẫn đến tiền mất tật mang. Mỗi người có một cơ địa, bệnh lý mức độ khác nhau, do đó cần có sự chỉ định về liều lượng của bác sĩ.

Việc sử dụng các loại thuốc kháng viêm corticoid phải theo phân độ của Bộ Y tế hướng dẫn, điều này chỉ có bác sĩ điều trị mới có thể đánh giá và chỉ định. Nếu bệnh nhân bị tiểu đường khi dùng thuốc kháng viêm corticoid sẽ rất nguy hiểm, có thể tử vong do rối loạn đường huyết. Ngoài ra, việc sử dụng thuốc kháng đông, đặc biệt là ở các bệnh nhân mắc COVID-19 điều trị ở nhà, cần hết sức thận trọng bởi có thể gây rối loạn đông máu, đe dọa đến tính mạng. Việc sử dụng thiếu kiểm soát các loại thuốc nêu trên còn gây ra các di chứng nặng nề về sau”.

20201115_030043_256906_Methylprednisolone_MK.max-800x800

Thuốc kháng viêm Methylprednisolone

F0 sử dụng thuốc tại nhà như thế nào?

Theo Sở Y tế TP. HCM, người mắc COVID-19 được cách ly tại nhà cần chuẩn bị các thuốc thiết yếu gồm:

– Thuốc hạ sốt, thuốc nâng cao thể trạng (vitamin, chất dinh dưỡng vi lượng, các thuốc y học cổ truyền).

Ngoài ra, người mắc COVID-19 có thể bổ sung các thuốc kháng viêm corticoid và kháng đông dạng uống trong một số tình huống có chỉ định.

– Theo Sở Y tế TP. HCM, chỉ định sử dụng thuốc kháng viêm corticoid và kháng đông dạng uống khi người bệnh có triệu chứng sớm của suy hô hấp (cảm giác khó thở và/hoặc nhịp thở > 20 lần/phút và/hoặc SpO2

Thuốc kháng viêm corticoid có thể sử dụng:

+ Dexamethasone: người lớn 6mg/lần/ngày, trẻ em 0,15mg/kg/ngày (tối đa 6mg/ngày), uống sau khi ăn (tốt nhất vào buổi sáng).

Nếu không có sẵn Dexamethasone, có thể sử dụng một trong các thuốc thay thế sau:

+ Prednisolone: người lớn 40mg/lần/ngày, trẻ em 1mg/kg/ngày (tối đa 40mg/ngày), uống sau khi ăn (tốt nhất vào buổi sáng).

+ Hoặc Methylprednisolone: người lớn 16mg/lần (uống 2 lần/ngày cách 12 giờ); trẻ em 0,8mg/kg/lần (2 lần/ngày cách 12 giờ), tối đa 32mg/ngày; uống sau khi ăn (buổi sáng và buổi tối).

Cần lưu ý, người có bệnh dạ dày cần uống kèm thuốc dạ dày. Nếu có đáp ứng tốt, thời gian sử dụng tối đa là 7 ngày.

– Thuốc kháng đông dạng uống có thể sử dụng 1 trong 3 loại này:

+ Apixaban: liều lượng 2,5mg, uống 2 lần/ngày.

+ Rivaroxaban: liều lượng 10mg/lần/ngày.

Hoặc Dabigatran: liều lượng 220mg, uống 1 lần/ngày.

Sở Y tế TP. HCM cũng lưu ý, thời gian sử dụng tối đa loại thuốc này là 7 ngày, chỉ sử dụng cho người trên 18 tuổi và thận trọng khi sử dụng cho người trên 80 tuổi; chống chỉ định: phụ nữ có thai và cho con bú, người suy gan, suy thận, có tiền căn xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết tiết niệu, có các bệnh lý dễ chảy máu; khi sử dụng cần theo dõi các dấu hiệu xuất huyết như xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, xuất huyết tiêu hóa…

Theo thông tin từ Bộ Y tế, TP.HCM đã triển khai thí điểm chương trình điều trị tại nhà (home-based care) có kiểm soát cho các trường hợp F0 tại nhà và cộng đồng.

Lưu ý: Thông tin mang tính tham khảo, mọi vấn đề về thuốc cần sự tư vấn, kê đơn của bác sĩ

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Bạn cũng có thể thích