Cảnh báo tình trạng mua bán chất độc xyanua dễ dàng trên mạng

Những ngày qua, dư luận cả nước rúng động vì vụ việc tại Nhơn Trạch (Đồng Nai), nghi bị đầu độc bằng xyanua. Trong khi đó, hiện nay, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện nhan nhản hội nhóm mua bán trao đổi hóa chất với nhau. Trong đó xyanua là chất được mọi người hỏi mua và bán lại với số lượng nhiều.

Mặt hàng xyanua được chào bán và mua rất dễ dàng

Theo tài khoản “Hóa Chất T.P”, hiện nay cơ sở này đang bán với giá 250.000đ/500g hàng xuất xứ từ Trung Quốc; và 400.000/500g đối với hàng của hãng Merck (xuất xứ Đức). Sau đó người này yêu cầu khách hàng thanh toán 100% đơn hàng sau đó sẽ gửi xyanua đi, thời gian nhận chỉ khoảng 2 ngày.

Tham khảo một tài khoản khác tên “NgocThuyN.”, người này cho biết lúc nào cũng sẵn hàng xyanua để giao cho khách hàng. Nhưng người này cũng cho biết hiện chỉ sẵn hàng một loại, được bán với giá 500.000đ/100g. Khi ngỏ ý muốn xem hàng, người này đã gửi những hình ảnh về xyanua. Dễ nhận thấy mặt hàng này được bảo quản rất sơ sài, không đảm bảo an toàn…

Ngoài ra, theo khảo sát trên các hội nhóm mua bán hóa chất, loại mặt hàng xyanua được chào bán và mua rất dễ dàng, không có quy định, ràng buộc hay quy chuẩn nào. Chỉ cần có nhu cầu, người bán sẵn sàng chào hàng.

Bàn về việc mua bán chất xyanua, Luật sư Vũ Văn Lịch (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, cá nhân, tổ chức muốn kinh doanh, mua bán hóa chất xyanua cần phải tuân thủ các quy định tại Luật Hóa chất 2007 và Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 9-10-2017 của Chính phủ. Việc mua bán chất xyanua phải có phiếu kiểm soát. Tuy nhiên, hiện nay pháp luật lại không quy định cụ thể về việc cá nhân, tổ chức phải đáp ứng các điều kiện nào thì mới được mua, sử dụng chất xyanua. Đồng thời, cũng không có quy định về việc người bán phải kiểm tra điều kiện của người mua mới được bán. Điều này đã dẫn đến tình trạng mua bán chất xyanua diễn ra phổ biến, tràn lan trên thị trường.

Luật sư Lịch cũng cho biết thêm, chất xyanua không thuộc danh mục hóa chất bị cấm bán mà nằm trong danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp. “Để tránh những sự việc đau lòng như vừa qua, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cũng cần thường xuyên tiến hành kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, mua bán chất xyanua, kịp thời có biện pháp xử lý đối với những trường hợp không tuân thủ quy định pháp luật”, Luật sư Lịch kiến nghị.

Tìm hiểu về chất xyanua 

Cyanide (hay còn gọi là xyanua) là 1 hợp chất hóa học có chứa nhóm cyano (C≡N), bao gồm một nguyên tử cacbon C liên kết ba với một nguyên tử nito N, có thể hiện diện dưới dạng chất lỏng (axit xyanhydric) hoặc chất khí (xyanogen clorua) hoặc chất rắn (muối natri xyanua hoặc kali xyanua). Ở dạng khí và chất lỏng, các hợp chất xyanua không có màu, đôi khi được mô tả là có mùi “hạnh nhân đắng”. Tuy nhiên, rất ít người có thể nhận biết ra mùi đặc trưng này của xyanua.

BS.CK2 Lê Vũ Phượng Thy – Trưởng khoa Hồi sức Tích cực Chống độc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM) cho biết, xyanua là một chất kịch độc thường được sử dụng trong các ngành công nghiệp như sơn, dệt nhuộm, luyện kim, khai thác vàng, sản xuất thuốc trừ sâu…

Đặc biệt, xyanua cũng được tìm thấy trong các loại thực phẩm tự nhiên thường gặp như măng tươi, khoai mì, cao lương (hạt bo bo), các loại quả hạch (mơ, táo, đào…) và hạt hạnh nhân…hoặc các thực vật bị nhiễm nấm.

Xyanua nguy hiểm thế nào?

Theo Trưởng khoa Hồi sức Tích cực Chống độc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, xyanua có thể nhiễm vào cơ thể thông qua đường da, đường ăn uống hoặc đường hô hấp. Cơ chế gây ngộ độc của xyanua là gây ức chế hô hấp tế bào, gây ngưng hô hấp, ngưng tuần hoàn, tác động tới các cơ quan trọng yếu như não và tim…

“Một người trưởng thành khỏe mạnh có thể tử vong trong vòng 3-5 phút sau hấp thụ 50mg xyanua”, bác sĩ Thy nói.

Ngay sau khi tiếp xúc với xyanua, nạn nhân sẽ nhanh chóng xuất hiện các triệu chứng như lo lắng, kích động, mệt mỏi, khó thở, thở gấp, đau đầu, buồn nôn, tụt huyết áp, mất phản xạ… Nếu bệnh nhân không được cấp cứu kịp thời có thể tử vong. Các trường hợp ngộ độc nặng nếu sống sót có thể để lại các di chứng như yếu liệt, rối loạn vận động giống hội chứng giống Parkinson…

Cần làm gì khi nghi ngờ ngộ độc xyanua?

Bác sĩ Thy cho rằng, xyanua được hấp thụ rất nhanh và tỷ lệ tử vong rất cao. Vậy nên, ngay khi phát hiện các triệu chứng bất thường về sức khỏe và nghi ngờ bị ngộ độc xyanua, nạn nhân cần nhanh chóng thực hiện các thao tác sau:

Trường hợp đang ở trong môi trường nhiều khí xyanua, người dân cần thoát ra ngoài nhanh nhất có thể. Người phát hiện cần nhanh chóng di chuyển nạn nhân ra chỗ thoáng khí và đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Trường hợp tiếp xúc xyanua qua da hoặc mắt, người dân cần rửa vùng da, mắt tiếp xúc với chất độc dưới vòi nước chảy hoặc nhiều lần bằng nước sạch. Sau đó, cần đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ kịp thời và đúng cách.

Các trường hợp ngộ độc xyanua qua đường ăn uống, ngay khi nghi ngờ ngộ độc cần đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để xử trí tình huống cấp cứu (nếu có). Sau đó chuyển nạn nhân đến các bệnh viện có đủ máy móc thiết bị để tiếp tục can thiệp các kỹ thuật hồi sức chuyên sâu như lọc máu hấp phụ, thay huyết tương, hỗ trợ hô hấp tuần hoàn qua màng ngoài cơ thể (ECMO)… khi cần.

Trước lo ngại của nhiều người về việc trong thực phẩm có chứa Xyanua thì có nên ăn hay không, Trưởng khoa Hồi sức Tích cực Chống độc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho hay, khi sử dụng các thực phẩm có chứa xyanua như măng tươi, khoai mì… người dân cần loại bỏ độc tố ra khỏi thực phẩm bằng cách gọt vỏ, ngâm nước, luộc mở vung…trước khi sử dụng và nên ăn ở lượng vừa phải, không nên ăn lượng lớn các thực phẩm trên trong một lần để tránh bị ngộ độc.

Khánh Mai (t/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích