Cảnh báo: Tiếp xúc với khói cháy rừng làm gia tăng nguy cơ sinh non ở sản phụ
Công trình nghiên cứu được thực hiện ở bang California (Mỹ) trên 2 triệu ca sinh nở, 40% trong số đó là phụ nữ mang thai sống trong phạm vi bán kính 24km gần các đám cháy rừng. Kết quả cho thấy việc người mẹ phải sống trong môi trường nhiệt độ tăng cao và tiếp xúc với khói từ các đám cháy trong thời kỳ mang thai làm tăng gấp đôi nguy cơ hở thành bụng bẩm sinh – dị tật bẩm sinh của thành bụng khiến ruột và một số cơ quan khác của trẻ bị thoát ra ngoài qua một cái lỗ bên cạnh rốn. Những phát hiện này đã được công bố vừa qua tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Y học Bà mẹ và Thai nhi. Nghiên cứu sẽ được xuất bản trên Tạp chí Sản phụ khoa Mỹ.
Sản phụ phải sống trong môi trường nhiệt độ tăng cao và tiếp xúc với khói từ các đám cháy làm tăng gấp đôi nguy cơ hở thành bụng bẩm sinh. Ảnh minh họa
Các vụ cháy rừng gây ô nhiễm không khí có khả năng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của phụ nữ mang thai và thai nhi. Đối với những bà mẹ sống gần các đám cháy rừng trong 3 tháng đầu của thai kỳ, nguy cơ dị tật bẩm sinh ở trẻ tăng đến 28%. Các nhà nghiên cứu cũng đã thu thập dữ liệu từ hồ sơ bệnh viện của những người mang thai từ năm 2007 đến 2012, sau đó phân tích các ước tính hàng ngày về khói cháy rừng trong mã ZIP của những người tham gia trong thời kỳ họ mang thai, dựa trên hình ảnh vệ tinh.
Kết quả cho thấy rằng chỉ một ngày tiếp xúc với khói thuốc làm tăng nhẹ nguy cơ sinh non tự phát – được xác định là trước tuần thứ 37 của thai kỳ. Nhưng tỷ lệ sinh non tăng 0,3% với mỗi ngày tiếp xúc với khói thuốc. Khói cháy rừng cực kỳ nguy hại cho sức khỏe con người bởi vì nó chứa bụi mịn PM2.5 có thể đi sâu vào lá phổi và khiến các bệnh như hen suyễn và bệnh tim trở nên tồi tệ hơn. Những hạt bụi li ti này cũng có thể bay xa hàng trăm, đôi khi tới hàng nghìn kilomet từ điểm khởi phát vụ cháy.
Anne Waldrop – bác sĩ phân khoa về bà mẹ và thai nhi tại Đại học Stanford, tác giả chính của nghiên cứu – cho biết: “Cháy rừng dẫn tới những thay đổi chất lượng không khí nghiêm trọng và đột ngột. Và một số bằng chứng cho thấy khói cháy rừng có thể gây tác động tồi tệ đến sức khỏe của bạn hơn các loại chất ô nhiễm khác. Vì thế, ngay cả khi chúng ta nỗ lực giảm thiểu các loại chất gây ô nhiễm không khí khác, mà cháy rừng diễn ra thường xuyên hơn, nặng nề hơn, và trên quy mô rộng hơn, thì việc tiếp xúc với khói cháy rừng là một vấn đề y tế nghiêm trọng, đặc biệt với các quần thể dễ bị tổn thương như thai phụ”. Phơi nhiễm chỉ liên quan đến sinh non trong 20 tuần đầu tiên của thai kỳ, tuy nhiên, không phải trước khi thụ thai. Rất có thể nhiều người trong số này người đã không nhận ra những ngày mà họ đã bị phơi nhiễm.
Tiến sĩ Leonardo Trasande, giáo sư nhi khoa tại Đại học New York, người nghiên cứu sức khỏe môi trường của trẻ em, cho biết nguy cơ sinh non có thể trở nên tồi tệ hơn theo thời gian khi các vụ cháy rừng trở nên thường xuyên và dữ dội hơn. Nghiên cứu riêng của Trasande đã tập trung vào mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí và sinh non. Trước đó, ông ước tính rằng gần 16.000 ca sinh non ở Mỹ chỉ riêng trong năm 2010 là do tiếp xúc với ô nhiễm không khí.
Ước tính gần 16.000 ca sinh non ở Mỹ chỉ riêng trong năm 2010 là do tiếp xúc với ô nhiễm không khí. Ảnh minh họa
Trên phạm vi toàn cầu, một phân tích khác cho thấy ô nhiễm không khí có khả năng góp phần gây ra gần 6 triệu ca sinh non vào năm 2019. Rakesh Ghosh, tác giả của phân tích đó và là nhà dịch tễ học tại Đại học California, San Francisco, cho biết việc tiếp xúc với khói cháy rừng trong những tuần mang thai đầu tiên có thể khiến túi ối bị vỡ sớm do viêm nhiễm. Sinh non là một yếu tố rủi ro dẫn đến tử vong trong 28 ngày đầu tiên đến một năm đầu đời của trẻ sơ sinh. Nghiên cứu cũng cho thấy rằng sinh non có thể liên quan đến sự chậm phát triển trong thời thơ ấu. “Mức độ phơi nhiễm của con người với các vụ cháy rừng được dự đoán sẽ gia tăng trong những thập kỷ tới. Do đó, hiểu biết thấu đáo về các tác động tiêu cực của nạn cháy rừng và hiện tượng nóng lên toàn cầu đến sức khỏe là rất quan trọng”, giáo sư Bo Young Park, công tác tại ĐH California, khẳng định.
Ở Úc, nghiên cứu được thực hiện trên 1 triệu phụ nữ mang thai sống ở những khu vực nóng nhất của bang New South Wales kết luận nguy cơ sinh non của họ lên đến hơn 16%. Được biết đây là lần đầu tiên tình trạng này được ghi nhận tại một vùng ôn đới của quốc gia này. Rủi ro tương tự cũng được ghi nhận trong các nghiên cứu được thực hiện ở bang Texas và California, Mỹ.
Khánh Mai (t/h)