Cảnh báo: Phát hiện hàng loạt máy tính bị lợi dụng để phát tán mã độc
Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia cho biết, thống kê từ Chiến dịch làm sạch mã độc trên không gian mạng, cứ 20.000 người tham gia chiến dịch, có gần 9.000 IP nằm trong mạng botnet (mạng máy tính ma) và gần 3.000 IP liên quan đến rò rỉ dữ liệu. Botnet là mạng lưới các thiết bị máy tính đã bị chiếm quyền điều khiển được sử dụng để thực hiện các cuộc tấn công mạng.
Theo đó tất cả những người dùng máy tính, di động, các thiết bị IoT có kết nối Internet đều có thể trở thành nạn nhân của mã độc. Những vị trí thường bị tin tặc tấn công là blog, hệ thống quản lý nội dung, phần mềm diễn đàn và website thương mại điện tử.
Với máy tính PC, mã độc có thể chiếm quyền điều khiển máy tính, lấy cắp dữ liệu quan trọng, ảnh hưởng đến băng thông và chất lượng dịch vụ mạng. Còn với thiết bị di động, mã độc chủ yếu lấy cắp các dữ liệu nhạy cảm như thẻ tín dụng, mật khẩu, nhật ký cuộc gọi, SMS… và theo dõi người dùng. Do đó, việc xác định loại mã độc nào đã lây nhiễm vào thiết bị là cách phòng chống và giải quyết tấn công mạng một cách triệt để.
Hiện có hàng nghìn máy tính bị lợi dụng để phát tán mã độc. Ảnh minh họa
Các phần mềm phòng chống mã độc được Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia thuộc Cục An toàn thông tin cập nhật, cung cấp miễn phí trên Cổng không gian mạng quốc gia, cho phép bất kỳ cá nhân, tổ chức hay doanh nghiệp nào có thể kiểm tra điểm yếu trình duyệt, hệ điều hành; lộ lọt dữ liệu hay chọn dùng công cụ xử lý mã độc chuyên sâu.
Mặc dù nguy cơ tấn công mạng rất hiện hữu, đa dạng và phổ biến với hầu hết những ai làm việc bằng các thiết bị có kết nối internet. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia về an ninh mạng, không quá khó để phòng chống.
Dùng phần mềm diệt virus: Bởi ngay cả phần mềm diệt virus miễn phí hoặc phần mềm đi kèm Windows vẫn tốt hơn so với không cài phần mềm diệt virus. Những người có kinh nghiệm thường sẽ sử dụng các phần mềm hàng đầu, có trả phí để đảm bảo an toàn trước mã độc, virus.
Cập nhật phần mềm và hệ thống: Đa số các phần mềm độc hại chỉ khai thác vào những lỗ hổng đã bị phát hiện trên phần mềm và hệ thống (hệ điều hành, phần cứng, hoặc thiết bị mạng). Do đó, cần ưu tiên việc cập nhật hệ điều hành và các bản vá để tránh bị khai thác lỗ hổng bảo mật.
Mã hóa mạng wifi tại nhà: Đổi mật khẩu wifi định kỳ giúp người dùng tránh được việc hacker khai thác dữ liệu nếu như chúng vô tình “dò” được. Ngoài ra, cũng nên lưu ý sử dụng mật khẩu có độ bảo mật cao, là chuỗi kết hợp giữa số và chữ viết thường và viết hoa, và ký tự đặc biệt như %^*.
Đảm bảo truy cập trên mạng riêng bảo mật VPN, đặc biệt khi kết nối qua mạng wifi công cộng: Khi máy tính kết nối qua wifi công cộng, thì bất kỳ ai có mật khẩu mạng wifi đó cũng có thể “nghe lỏm” dữ liệu truy cập Internet từ máy tính. Chúng thậm chí có thể truy cập vào máy tính và các thiết bị nếu không bật tính năng chặn truy cập. Vì vậy, khi truy cập mạng wifi công cộng cần kết nối qua mạng riêng bảo mật VPN.
Cẩn thận e-mail rác hoặc lừa đảo. Hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân qua tin nhắn hoặc mạng xã hội. Nếu như không “mặt đối mặt”, đừng bao giờ chắc chắn rằng mình đang nói chuyện với ai, kể cả với người bạn thân nhất. Khi một người bị lộ thông tin cá nhân, hacker sẽ tìm cách tiếp tục khai thác những thông tin trong danh sách bạn bè mà chủ nhân của tài khoản thậm chí không hề hay biết.
An Dương (T/h)