Cảnh báo những thủ đoạn lừa đảo mới
Giả danh nhân viên y tế
Mới đây, Phòng Cảnh sát hình sự Công an thành phố Hà Nội bắt giữ 5 đối tượng gồm Nguyễn Hồng Dương (sinh năm 1995; hộ khẩu thường trú: Liễu Đề, Nghĩa Hưng, Nam Định); Hoàng Văn Khánh (sinh năm 2000, hộ khẩu thường trú: Xuân Mai, Chương Mỹ, Hà Nội); Ngô Văn Đại (sinh năm 1995, hộ khẩu thường trú: Trực Thuận, Trực Ninh, Nam Định); Phạm Xuân Đức (sinh năm 2002, hộ khẩu thường trú: Phúc Tân, Hoàn Kiếm, Hà Nội) và Nguyễn Thị Lới (sinh năm 2000, hộ khẩu thường trú: Phú Thịnh, Kim Động, Hưng Yên) để điều tra về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Theo điều tra, tháng 4/2021, Dương lập Công ty cổ phần EHA GROUP (nhưng chưa đăng ký kinh doanh) để bán thực phẩm chức năng về mắt. Dương rủ Khánh cùng một số đối tượng khác làm cùng. Sau đó, các đối tượng phân công chạy quảng cáo trên mạng, dùng sim rác gọi điện tư vấn bán hàng thực phẩm chức năng về mắt cho khách. Đến tháng 7/2021, do làm ăn thua lỗ và dịch Covid-19, các đối tượng nghỉ bán hàng.
Các đối tượng bị bắt giữ. (Ảnh: CQCA) |
Khoảng tháng 10/2021, Dương, Khánh và Đức nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của khách hàng bằng cách làm giả các giấy tờ của Bệnh viện Mắt Trung ương, Sở Y tế thành phố Hà Nội… và yêu cầu nhân viên tư vấn bán hàng liên lạc với khách hàng tự giới thiệu là nhân viên, bác sĩ của Sở Y tế Thành phố, Bệnh viện Mắt Trung ương.
Các đối tượng giới thiệu về các sản phẩm thuốc của công ty, cam kết nếu khách mua thuốc theo liệu trình (từ 1 – 3 tháng, mỗi liệu trình từ 6 – 8 hộp thuốc) sẽ được Bệnh viện Mắt Trung ương hỗ trợ chính sách “hồ sơ vàng” được hưởng quyền lợi như: hỗ trợ phần quà 5 triệu đồng; hỗ trợ rút tiền chi trả đối với hồ sơ của khách; hỗ trợ tình trạng mắt cho bệnh nhân trong vòng 10 năm không mất phí mua thuốc.
Mỗi năm Bệnh viện Mắt Trung ương hỗ trợ tặng bệnh nhân một bộ liệu trình thuốc hoàn toàn miễn phí. Trường hợp bệnh nhân điều trị sau 2 tháng hiệu quả dưới 80% bệnh viện cam kết hoàn trả 50% chi phí mua thuốc trước đó cho bệnh nhân. Sở Y tế Thành phố hỗ trợ rút tiền chi trả đối với hồ sơ vàng…
Khi khách hàng đồng ý mua, các đối tượng sẽ chuẩn bị thuốc kèm theo giấy tờ giả do Đức sử dụng phần mềm tạo ra. Dương chịu trách nhiệm nhập thực phẩm chức năng của các công ty trên thị trường với giá rẻ, bán cho khách với giá cao hơn.
Với thủ đoạn trên, các đối tượng đã chiếm đoạt tài sản của khách hàng qua việc mua hàng để được cấp sổ vàng khám chữa bệnh. Căn cứ vào tài liệu điều tra, Phòng Cảnh sát hình sự đã bắt giữ các đối tượng để điều tra về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Lừa đảo khi thuê phòng trọ
Nắm bắt nhu cầu thuê phòng trọ của học sinh sinh viên thời điểm đầu năm học, nhiều đối tượng đã sử dụng thủ đoạn giả danh chủ nhà lên mạng đăng thông tin cho thuê. Bằng hình thức trên, những đối tượng này đã chiếm đoạt cả trăm triệu đồng từ các tân sinh viên…
Công an quận Hoàng Mai đang xác minh vụ lừa đảo của hàng chục người với thủ đoạn như trên. Trước đó, đầu tháng 10/2022, một nhóm sinh viên đến nhận phòng trọ tại phố Đông Thiên, phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai thì bất ngờ phát hiện phòng trọ có người ở, trong khi mọi người đã đặt tiền nhà cho một đối tượng tự xưng là chủ phòng trọ.
Khi hỏi rõ mới biết, người thuê được xem quảng cáo cho thuê phòng trọ trên mạng. Người đứng ra cho thuê phòng trọ chỉ là người thuê phòng tại đây và đã bỏ đi. Bất ngờ vì việc bị lừa, mọi người đã đến Công an phường Vĩnh Hưng trình báo. Bước đầu ghi nhận số tiền bị lừa là gần 100 triệu đồng.
Để tránh “tiền mất, tật mang” khi đi thuê phòng, sinh viên cần tìm hiểu kỹ thông tin trên mạng, hỏi kỹ người dân xung quanh khu vực nhà trọ, không đặt cọc, chuyển khoản khi thấy có dấu hiệu lừa đảo. Khi ký hợp đồng thuê nhà, thì làm việc trực tiếp với chủ nhà cần kiểm tra ký các điều khoản, đặc biệt là về giá cả, thời gian thuê…
Nguồn: Báo lao động thủ đô