Cảnh báo những thiệt hại kinh tế mới do sự trở lại của El Nino
Cảnh báo những thiệt hại kinh tế mới do sự trở lại của El Nino
El Nino có nguy cơ gây ra phản ứng dây chuyền gồm các hiện tượng thời tiết nguy hiểm, tình trạng thiếu lương thực và mất điện, đe dọa làm gián đoạn chuỗi cung ứng và thúc đẩy lạm phát gia tăng.
Khi thế giới đang phải vật lộn để phục hồi sau đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột Nga-Ukraine vẫn đang tiếp diễn, sự trở lại của El Nino sau gần 4 năm báo trước những thiệt hại mới đối với nền kinh tế toàn cầu vốn đã mong manh.
Việc chuyển từ hình thái La Nina lạnh hơn sang giai đoạn nóng hơn có thể gây ra sự hỗn loạn, đặc biệt là ở các nền kinh tế mới nổi đang phát triển nhanh hiện nay. Tình trạng quá tải lưới điện và mất điện trở nên thường xuyên hơn. Nắng nóng cực đoan làm gia tăng số ca cấp cứu y tế, trong khi hạn hán làm tăng nguy cơ hỏa hoạn. Cùng với đó là tình trạng mất mùa, ngập lụt và nhà cửa bị phá hủy.
Theo mô hình phân tích của Bloomberg Economics, các đợt El Nino trước đây đã tác động rõ rệt đến lạm phát toàn cầu, khiến giá các mặt hàng phi năng lượng tăng 3,9 điểm phần trăm và giá dầu mỏ tăng 3,5 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, tăng trưởng GDP cũng bị ảnh hưởng, đặc biệt là ở Brazil, Australia, Ấn Độ và các quốc gia dễ bị tổn thương khác.
Cùng với thời tiết khắc nghiệt hơn và nhiệt độ nóng hơn do biến đổi khí hậu, giai đoạn hiện nay được dự báo sẽ chứng kiến một chu kỳ El Nino gây thiệt hại nặng nề nhất kể từ khi các nhà khí tượng học bắt đầu quan sát hiện tượng thời tiết này. El Nino góp phần làm gia tăng nguy cơ lạm phát đình trệ (stagflation), trong đó lạm phát vẫn ở mức cao ngay cả khi quy mô nền kinh tế thu hẹp.
Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ cho biết, tổ chức này đang theo dõi cẩn thận những diễn biến của El Nino. Tháng 3 vừa qua, Peru đã công bố kế hoạch chi hơn 1 tỷ USD để ứng phó với các tác động của khí hậu và thời tiết trong năm nay.
“El Nino xuất hiện không đúng thời điểm khi mà thế giới đang phải vật lộn với nguy cơ lạm phát và suy thoái kinh tế cao. Các ngân hàng trung ương bị hạn chế hơn trong những gì họ có thể làm”, bà Bhargavi Sakthivel, nhà kinh tế học của Bloomberg Economics nhận định.
Trong khi các can thiệp chính sách có xu hướng tác động đến nhu cầu, thì hiện tượng El Nino lại thường ảnh hưởng đến nguồn cung. Chẳng hạn như ở Chile, El Nino có thể gây ra mưa lớn, từ đó hạn chế khả năng tiếp cận các mỏ đồng vốn cung cấp khoảng 30% lượng đồng trên thế giới. Việc sản lượng khai thác sụt giảm và các lô hàng bị trì hoãn sẽ ảnh hưởng đến giá kim loại được sử dụng trong hàng hóa như chip máy tính, ô-tô và thiết bị gia dụng.
Một thí dụ khác là ở Trung Quốc, nhiệt độ tăng cao đã giết chết nhiều gia súc và làm gia tăng áp lực lên hệ thống lưới điện ở quốc gia này. Mùa hè năm ngoái, tình trạng hạn hán buộc chính phủ Trung Quốc phải cắt điện nhiều nhà máy trong gần hai tuần, làm gián đoạn nguồn cung cho các ông lớn ngành chế tạo, bao gồm Apple Inc. và Tesla Inc. Các nhà chức trách dự đoán tình trạng thiếu điện sẽ xảy ra nhiều hơn vào mùa hè năm nay.
Thậm chí ngay cả giá một tách cà phê cũng có thể tăng lên nếu Brazil, Việt Nam và các nhà cung cấp hàng đầu khác bị ảnh hưởng.
“Khi hiện tượng El Nino xảy ra đồng thời với xu hướng nóng lên trong thời gian dài của khí hậu Trái đất, nó giống như một cú va chạm kép”, bà Katharine Hayhoe, nhà khoa học trưởng tại tổ chức môi trường The Nature Conservancy có trụ sở tại bang Virginia (Mỹ), cho biết.
Tác động của El Nino kéo dài trong nhiều năm. Các nhà kinh tế tại Cục Dự trữ Liên bang Dallas năm 2019 từng cảnh báo, thiệt hại do El Nino gây ra “có khả năng tác động tiêu cực dai dẳng đến tăng trưởng sản lượng” và thậm chí có thể “làm thay đổi vĩnh viễn quỹ đạo thu nhập”.
Giới nghiên cứu khí hậu cũng phát hiện những tác động kinh tế phức hợp của hình thái thời tiết này. Các nhà khoa học thuộc Đại học Dartmouth (Mỹ) ước tính, thời kỳ El Nino 1997-1998 khiến GDP toàn cầu mất 5,7 nghìn tỷ USD trong vòng 5 năm sau đó. Dự báo đến cuối thế kỷ 21, thiệt hại kinh tế do El Nino gây ra sẽ lên tới 84 nghìn tỷ USD.
Vùng nhiệt đới và Nam bán cầu là những khu vực hứng chịu những rủi ro nghiêm trọng nhất. Theo mô hình kinh tế của Bloomberg Economics, El Nino có nguy cơ khiến tăng trưởng GDP hằng năm ở Ấn Độ và Argentina giảm gần 0,5 điểm phần trăm, trong khi mức giảm 0,3 điểm phần trăm có thể được ghi nhận ở Peru, Australia và Philippines.
Giá cả tăng mạnh cũng góp phần làm trầm trọng thêm tác động mà El Nino mang lại. Ngay từ năm 2000, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo, các chu kỳ El Nino hoạt động mạnh có thể khiến lạm phát tăng 4 điểm phần trăm, đó là còn chưa tính đến tác động hiện nay của tình trạng biến đổi khí hậu.
Nhiệt độ tăng cao “khuếch đại” những tác động của các hiện tượng khí hậu. Đợt La Nina (thời tiết mát mẻ hơn) gần đây nhất, từ 2020 đến 2023, nóng hơn bất kỳ đợt El Nino nào trước năm 2015. Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) tính toán, có 98% khả năng sự kết hợp giữa khí nhà kính tích tụ trong đợt La Nina vừa qua và sự quay trở lại của El Nino sẽ làm cho giai đoạn 5 năm tới trở nên nóng nhất từ trước đến nay, đẩy nhiệt độ toàn cầu chạm những ngưỡng kỷ lục mới.
“El Nino sẽ chỉ làm trầm trọng thêm tác động của biến đổi khí hậu mà chúng ta đang trải qua – nắng nóng gay gắt hơn, hạn hán nghiêm trọng hơn và cháy rừng dữ dội hơn”, bà Friederike Otto, giảng viên cao cấp tại Viện Môi trường và Biến đổi Khí hậu Grantham cho hay.
Chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với El Nino
Năm nay đã phá vỡ các kỷ lục thời tiết ở châu Á. Theo Trung tâm Dự đoán khí hậu Mỹ, El Nino đã chính thức bắt đầu, và các điều kiện của hình thái thời tiết này được dự đoán sẽ tăng cường trong những tháng tới.
Điều khiến nhiều nhà khoa học lo sợ là trong những năm gần đây – ngay cả khi không có El Nino, thế giới chứng kiến ngày càng nhiều hiện tượng thời tiết đôi khi giống như những cảnh quay trong một bộ phim về thảm họa thiên nhiên của Hollywood.
Greg Mullins, một người có thâm niên hơn 50 năm làm nhiệm vụ cứu hỏa ở Australia, nhớ lại nỗi sợ hãi khi đối mặt với bức tường lửa cao hơn 18m trong vụ cháy năm 2020 ở Vịnh Batemans trên bờ biển phía đông.
“Những gì chúng tôi có thể làm chỉ là tránh cây đổ, tia lửa và than hồng, thật không thể tin được. Tôi đã tham gia cứu hỏa ở Mỹ và từng học cách chữa cháy rừng ở Pháp, Tây Ban Nha, Canada, nhưng chưa bao giờ chứng kiến một đám cháy lớn như vậy”, ông Mullins chia sẻ.
Trong thời kỳ El Nino, mùa đông thường ít mưa và tuyết hơn ở miền bắc nước Mỹ và Canada, làm tăng thêm nỗi lo hạn hán đang hoành hành trong khu vực.
Ở Đông Nam Á, điều kiện khô hạn cũng làm trầm trọng thêm tình trạng những đám khói hằng năm tập trung trên khắp lãnh thổ Singapore khi nông dân ở các nước láng giềng đốt cây rừng để trồng cọ dầu, gỗ bột giấy và cây cao su.
Khi nhiệt độ tăng lên, hệ thống lưới điện trên toàn thế giới phải gồng mình để theo kịp nhu cầu sử dụng điện tăng vọt trong thời tiết nắng nóng. Điều đó làm tăng nhu cầu về nhiên liệu, gồm than và khí đốt.
“Sự biến động về thời tiết ngày càng tăng sẽ dẫn đến rủi ro và tần suất xảy ra các sự cố an ninh năng lượng cao hơn”, ông Saul Kavonic, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tài nguyên và năng lượng tích hợp tại Credit Suisse Group AG, cho biết khi đề cập đến tình trạng mất điện do thiếu nhiên liệu.
Việc chuyển đổi nhanh chóng sang năng lượng tái tạo ở nhiều quốc gia đã làm tăng thêm nguy cơ mất điện. Các trang trại năng lượng mặt trời chìm trong bóng tối khi nhu cầu điện đạt đỉnh vào những buổi tối mùa hè nóng bức, và hạn hán cũng khiến việc sử dụng năng lượng thủy điện trở nên hạn chế.
Mất điện gây gián đoạn bất kể thời tiết; trong những đợt nắng nóng gay gắt, mất điện có thể gây ra những hậu quả vô cùng nặng nề. Say nắng có thể dẫn đến tổn thương thần kinh nghiêm trọng, thậm chí là tử vong. Nhiệt độ quá cao cũng làm tăng nguy cơ bị đau tim, đột quỵ và chấn thương tại nơi làm việc.
Các vấn đề về lương thực
Trong khi một số loại cây trồng được hưởng lợi từ El Nino – lượng mưa cao hơn ở California có lợi cho bơ và hạnh nhân, nhiều mặt hàng chủ lực bao gồm dầu cọ, đường, lúa mì, ca cao và gạo lại được sản xuất ở những khu vực có nguy cơ đối mặt với các điều kiện trồng trọt khó khăn hơn.
Charanjit Singh Gill, 67 tuổi, một nông dân trồng lúa ở Punjab (Ấn Độ), bày tỏ lo ngại về việc lượng mưa sẽ không đủ để cung cấp nước cho hoạt động sản xuất nông nghiệp.
“Không có cách nào khác ngoài việc chi nhiều tiền hơn cho máy phát điện chạy bằng dầu diesel để bơm nước ngầm”, ông nói, đồng thời cho biết, trong thời kỳ El Nino 2015-2016, chi phí sản xuất của ông đã tăng 35%.
Người nghèo trên thế giới sẽ phải đối mặt với những hậu quả thảm khốc nhất. Tình trạng mất an ninh lương thực hiện đang ở mức cao kỷ lục với 222 triệu người bị ảnh hưởng, do tác động tổng hợp của các cuộc xung đột, thời tiết khắc nghiệt và các cú sốc kinh tế.
Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, đợt El Nino 2015-2016 đã làm tăng tỷ lệ suy dinh dưỡng, khiến nhiều người phải di dời, đồng thời làm trầm trọng thêm sự bùng phát thương hàn và bệnh tả. Gần hai chục quốc gia đã đưa ra lời kêu gọi hỗ trợ nhân đạo với tổng số tiền lên tới hơn 5 tỷ USD.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị