Cảnh báo nhiều hình thức lừa đảo nở rộ trong dịp cận Tết
Lừa “việc nhẹ lương cao”
Mới đây, chị H.L.B sống tại một chung cư ở thành phố Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) đã lên tiếng trong group chung cư về tình trạng mình vừa bị lừa mất hơn 10 triệu đồng do tin lời “tuyển việc nhẹ lương cao” được đăng trên group chung cư trong 1 – 2 tháng gần đây.
Chị B. cho biết, vì muốn kiếm thêm “100k – 200k/ngày” như bài đăng trên group, chị đã liên hệ với người đăng và được hướng dẫn phải nạp tiền mua hàng để tăng view, doanh số ảo cho công ty, sau đó sẽ được lấy hoa hồng tương đương với số tiền đã nạp.
Để tạo lòng tin, đối tượng lừa đảo này hướng dẫn chị có thể nạp từ 100.000 – 200.000 đồng để thử. Sau khi nạp tiền theo hướng dẫn, chị B. lấy được tiền hoa hồng giống như đối tượng lừa đảo nói nên đã tiếp tục nạp thêm tiền. Mức tiền tăng dần từ 500.000 đến 1 triệu đồng. Do mức hoa hồng tăng theo số tiền đóng, đối tượng lừa đảo dẫn dụ chị nạp thêm tiền để có thể tăng thêm hoa hồng gần 2 đến 3 lần.
Đến khi tiền thật và hoa hồng lên đến 20 triệu đồng, chị B. muốn rút tiền thì được thông báo phải nộp số tiền tương ứng để có thể rút được tiền. Lúc này, chị mới nghi ngờ mình bị lừa nên muốn dừng lại và đòi lại tiền đã đóng nhưng không được.
Bên cạnh kịch bản lừa đảo đã cũ như của chị B., các kịch bản tuyển việc làm lừa đảo khác có nội dung thay đổi một chút cũng khiến nhiều người mắc bẫy như: Tuyển người bình luận sản phẩm, đánh máy đề cương… với mức lương từ 100.000 – 300.000 đồng/ngày; cộng tác viên bán vé máy bay chiết khấu hoa hồng lên đến 20%; cắt mác quần áo nhận tiền công liền tay; cộng tác viên vận đơn…
Cụ thể, mới đây, anh N.T.S, ngụ tại Hà Nội, đã sập bẫy của những đối tượng sử dụng chiêu trò “bán vé máy bay chiết khấu hoa hồng 10 – 20%”. Ngay sau khi nhìn thấy quảng cáo về một công ty chuyên cung cấp dịch vụ đặt vé máy bay và phòng khách sạn trực tuyến, nạn nhân đã “nhẹ dạ cả tin” chuyển cho đối tượng lừa đảo số tiền hơn 32 triệu đồng trong vòng chưa đầy một ngày.
Theo anh N.T.S, trong quá trình lừa đảo, các đối tượng liên tục dồn ép khiến anh bị ảnh hưởng tâm lý, rơi vào trạng thái hoang mang, lo lắng và sợ rằng sẽ không lấy lại được số tiền, buộc anh phải tiếp tục chuyển tiền. Khi số tiền nạp lên đến hàng chục triệu đồng, đối tượng lừa đảo đã nêu lý do rất khó tin như: tài khoản bị đóng băng, hệ thống lỗi… để trì hoãn việc rút tiền, từ đó chiếm đoạt hoàn toàn tiền của anh N.T.S.
Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, mặc dù hình thức lừa đảo “làm cộng tác viên” không mới, nhưng do các đối tượng lừa đảo liên tục thay đổi về nội dung kịch bản nên nhiều người vẫn bị dính bẫy. Theo đó, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân không nên chủ quan khi gặp các trường hợp và hành vi không minh bạch trên mạng xã hội. Tuyệt đối không làm theo yêu cầu tạm ứng trước tiền; không nên quá tin tưởng vào những đề nghị quá hấp dẫn và những công việc dễ dàng, không quan trọng trình độ hay kỹ năng… Đặc biệt lưu ý, không được cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng hay mã OTP cho bất kỳ ai và dưới bất kỳ hình thức nào.
Lừa đảo mua vé máy bay giá rẻ
Qua một Fanpage trên mạng xã hội Facebook có tên “Sunny Travel – Vé máy bay giá rẻ”, chị T.N (ngụ tại Đà Nẵng) đã đặt mua vé máy bay. Thế nhưng, sau khi chị thông báo đã chuyển tiền thành công thì ngay lập tức chị bị người giao dịch chặn liên hệ; đồng thời, toàn bộ tin nhắn giao dịch giữa cả hai cũng đã bị đối tượng lừa đảo bán vé máy bay giá rẻ thu hồi.
Theo Cục An toàn thông tin, hình thức của các đối tượng lừa đảo chiêu trò trên chủ yếu là tạo lập các trang Fanpage giả mạo trên mạng xã hội, đăng bài quảng cáo nhằm thu hút sự chú ý của người dùng bằng những hình ảnh và ưu đãi hấp dẫn. Khi có khách hàng tìm đến, các đối tượng sẽ hướng dẫn họ làm theo yêu cầu. Để tạo lòng tin, các đối tượng đồng phạm khác còn giả làm khách đặt mua vé máy bay và tự tạo giao dịch thành công. Ngay sau khi người bị hại chuyển tiền, ngay lập tức các đối tượng sẽ chặn Facebook, xóa toàn bộ dấu vết, các tài khoản đã sử dụng liên hệ và cắt liên lạc.
Bên cạnh hình thức giả mạo tài khoản mạng xã hội, nhiều đối tượng còn tự nhận là nhân viên của hãng nên có chiết khấu cao, giả mạo đại lý ủy quyền để đưa ra các mức giá hấp dẫn khiến nhiều người mắc bẫy.
Trước tình trạng trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần phải tỉnh táo trước khi thực hiện giao dịch trên mạng xã hội, đặc biệt là với các quảng cáo giá siêu rẻ và ưu đãi lớn. Khi có nhu cầu mua vé máy bay, khách hàng nên trực tiếp đặt vé qua website chính của hãng hàng không hoặc gọi trực tiếp lên tổng đài nếu không thành thạo việc đặt vé qua mạng.
Trước khi thực hiện bất cứ giao dịch nào, khách hàng cần tìm hiểu kỹ và xác nhận thông tin mã vé và kiểm tra có hiệu lực, đồng thời yêu cầu nhân viên của hãng soát lại thông tin hành trình bay, hành khách bay. Đặc biệt, không nên giao dịch qua bên trung gian thứ ba hay các đại lý khi không rõ về chất lượng, độ uy tín.
Lừa đảo đầu tư tiền kỹ thuật số
Theo thống kê của cơ quan chức năng, tại Việt Nam, có tới gần 26 triệu người sở hữu tiền kỹ thuật số, trong khi nhà nước chưa công nhận bất cứ loại tiền kỹ thuật số nào. Đáng lưu ý, số nạn nhân bị lừa đảo liên quan đến tiền kỹ thuật số tại Việt Nam chiếm tới 2/3 số vụ lừa đảo trên không gian mạng.
Một trong số các sàn đầu tư lừa đảo trên ứng dụng có tên Token Pocket. Bằng nhiều chiêu trò, các đối tượng sở hữu app này đã lôi kéo và thu hút hàng chục nghìn người tham gia đầu tư, sau đó bất ngờ đóng tài khoản của nạn nhân để chiếm đoạt tiền. Mục tiêu của các đối tượng lừa đảo này là những doanh nhân, chủ doanh nghiệp, hoa hậu, người đẹp, thậm chí là cả các cán bộ hưu trí…
Theo Cục An toàn thông tin, hình thức chung mà các đối tượng sử dụng là mạo danh các sàn đầu tư nước ngoài hoặc giả mạo công ty để tạo ra các trang web, ứng dụng đầu tư lừa đảo. Các tên miền của những sàn giao dịch này thường chỉ tồn tại trong một thời gian và sẽ ngừng hoạt động sau khi đã lừa được một lượng người nhất định sẽ chuyển sang một tên miền khác để ngăn cản hoạt động điều tra, truy vết của các cơ quan chức năng.
Nhằm ngăn chặn hình thức lừa đảo trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân phải luôn giữ cảnh giác và chỉ tin tưởng vào các nền tảng và sàn giao dịch có uy tín và được xác thực; cẩn trọng trước các lời đề nghị hoặc giới thiệu các hoạt động đầu tư qua bất cứ hình thức nào, đặc biệt là không gian mạng.
Đồng thời, người dân nên tìm hiểu kỹ về các sàn giao dịch, công ty đầu tư tiền kỹ thuật số. Nếu cảm thấy không chắc chắn, hãy tham khảo đánh giá của chuyên gia tài chính hoặc luật sư để có thể đưa ra quyết định thông minh, an toàn và tránh rủi ro lừa đảo. Bên cạnh đó, người dùng cũng nên cẩn trọng với các khoản phí không rõ ràng hoặc quá cao so với thị trường thông thường.
Lừa đảo cho vay tiền cận Tết
Càng gần Tết, nhu cầu vay tiền chi tiêu cá nhân, gia đình càng tăng cao. Các đối tượng lừa đảo đã lợi dụng điều này đã liên tục gọi điện thoại mời chào hoặc chia sẻ đường link, tin nhắn giả mạo ngân hàng… với mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
Nhiều tài khoản mạng xã hội không khỏi than phiền khi một ngày nhận đến 2 – 3 cuộc điện thoại mời chào cho vay tiêu dùng, rút tiền mặt qua thẻ tín dụng với chi phí thấp, thời gian nhận tiền chỉ trong 5 phút. Thế nhưng, một tài khoản Facebook T.V cho biết đã mất thông tin và tất cả số tiền trong tài khoản thẻ tín dụng sau khi đồng ý rút 20 triệu đồng vì đăng nhập vào trang giả mạo mPOS.
“Tôi vừa nhận được tin nhắn phải xác nhận lại tài khoản của ngân hàng, họ gửi cho mình đường link nhưng khi mình nhấn vào đường link đó thì tài khoản ngân hàng của mình bỗng dưng bị phong tỏa”, tài khoản T.V này cho biết.
Trước nhiều hình thức lừa đảo trên, Cục An toàn thông tin và Bộ Công an khuyến cáo cho người dân, đặc biệt là những người dân đã trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo, cần phải thường xuyên cập nhật và nắm bắt thông tin về vấn đề an toàn không gian mạng; luôn cảnh giác với những lời mời chào trên mạng xã hội.
“Tuyệt đối không cung cấp những thông tin cá nhân như căn cước công dân, chứng minh nhân dân, số tài khoản ngân hàng, mã OTP… để tránh bị đánh cắp thông tin sử dụng cho mục đích phi pháp. Không thực hiện bất kỳ giao dịch nào trên mạng xã hội nếu chưa xác minh được chính xác người nhận tiền là ai. Nếu đã bị lừa thì lập tức báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất; tuyệt đối không nghe theo hướng dẫn của bất cứ đối tượng nào mạo danh có thể lấy lại tiền giúp nạn nhân mà phải chuyển phí trước”, Cục An toàn thông tin khuyến cáo.
Theo TTXVN
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu