Cảnh báo nguy cơ trẻ mắc các bệnh đường tiêu hóa gia tăng mùa nắng nóng
Cảnh báo nguy cơ trẻ mắc các bệnh đường tiêu hóa gia tăng mùa nắng nóng
Hiện thời tiết các tỉnh phía Nam vẫn tiếp tục nắng gắt với nhiệt độ 37 – 38 độ. Các bác sĩ cho biết, đây là thời điểm dễ bùng phát một số bệnh về lây nhiễm qua đường tiêu hóa như tiêu chảy, ngộ độc thức ăn.
Nhiều trẻ nhập viện vì nôn trớ, tiêu chảy
Theo thống kê của các bệnh viện, thời gian gần đây, thời tiết nắng nóng khiến cho nhiều trẻ đến khám và nhập viện liên quan đến các bệnh về tiêu hóa như tiêu chảy, nhiễm trùng đường ruột. Tại khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP Hồ Chí Minh), trung bình mỗi ngày có 100 trẻ nằm điều trị vì các bệnh trên.
Còn tại khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh, số trẻ đến khám vì bệnh lý tiêu hóa như rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy cấp, ngộ độc có xu hướng tăng. Theo thống kê của bệnh viện, trước đây mỗi ngày bệnh viện chỉ tiếp nhận 10 – 20 trẻ nhập viện do bệnh lý tiêu hóa.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, số trẻ đến khám tăng gấp 3 – 6 lần, dao động từ 40 – 60 trẻ. Riêng khoa Cấp cứu ghi nhận 6 -10 trẻ nhập viện thăm khám mỗi đêm vì nôn ói nhiều, mất nước. Như trường hợp bệnh nhi 3 tuổi, ngụ Bến Tre được gia đình đưa lên TP Hồ Chí Minh cấp cứu trong tình trạng bị sốt cao 40 độ, tiêu lỏng 9 lần/ngày, người mệt lả, lừ đừ. Bé được gia đình đưa đến bệnh viện sau 3 ngày có triệu chứng bệnh, song diễn tiến nặng, từ nhiễm trùng đường tiêu hóa dẫn đến nhiễm trùng máu và phải điều trị kháng sinh kéo dài.
Bác sĩ chuyên khoa 1, Lâm Bội Hy, khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh cho biết, nhiễm trùng đường tiêu hóa chủ yếu lây qua đường ăn uống. Các sinh vật gồm nấm men, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng tấn công cơ thể gây nhiễm trùng đường ruột, dễ biến chứng nhiễm trùng máu.
Theo các bác sĩ, trẻ mắc bệnh tiêu hóa tăng chủ yếu do thời tiết nắng nóng, thói quen nằm quạt và điều hòa sai cách, việc bảo quản thực phẩm mùa nóng chưa được tốt khiến thực phẩm dễ bị ôi thiu… Triệu chứng phổ biến các bé đến khám tại khoa Nhi gồm đau bụng, đi tiêu lỏng, sốt ói, mệt mỏi, một số trẻ cùng lúc mắc thêm viêm họng có thể ho, ói.
Bác sĩ Trương Thị Ngọc Phú, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao là thời điểm thuận lợi bùng phát một số mặt bệnh về lây nhiễm qua đường tiêu hóa như tiêu chảy, ngộ độc thức ăn. Bên cạnh đó, bệnh có nguy cơ diễn tiến nặng, gây nguy hiểm cho trẻ em.
Các bác sĩ nhận định, nhiều khả năng số trẻ mắc bệnh liên quan đến đường tiêu hóa sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, bởi theo dự báo, tình trạng nắng nóng tại các tỉnh phía Nam sẽ tiếp tục kéo dài đến hết tháng 4.
Trẻ dễ bị ngộ độc thực phẩm
Lý giải nguyên nhân vì sao trẻ dễ mắc bệnh liên quan đến đường tiêu hóa vào thời tiết nắng nóng, bác sĩ Bội Hy cho biết, hệ miễn dịch của trẻ còn non yếu, nguy cơ bệnh chồng bệnh. Mặt khác, thời tiết thất thường khiến trẻ biếng ăn dẫn đến đề kháng kém và tăng nguy cơ mắc bệnh khi virus, vi khuẩn xâm nhập, tấn công.
Ngoài ra, thời tiết nắng nóng làm cơ thể ra nhiều mồ hôi, gây mất nước và điện giải, đặc biệt là ở trẻ em dẫn đến mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa. Nắng nóng cũng khiến thức ăn, thực phẩm dễ bị ôi, thiu, nhiễm nấm và vi khuẩn, là nguyên nhân gây bệnh đường tiêu hóa.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, trẻ bị ngộ độc thực phẩm là khi ăn, uống nhầm thực phẩm bị nhiễm vi trùng, virus, nấm, ký sinh trùng… hoặc tồn dư hóa chất. Các vi trùng gây bệnh trực tiếp hoặc sinh các loại độc tố gây hại cơ thể. Biểu hiện của ngộ độc thực phẩm đa dạng, thường gặp nhất là các triệu chứng tiêu hóa như nôn ói, đau bụng, tiêu chảy, sốt…; hoặc các cơ quan khác như gan, thận, thần kinh, tim mạch… Tùy theo loại ngộ độc mà biểu hiện bệnh có thể xuất hiện ngay sau ăn hoặc sau vài giờ đến 1- 2 ngày.
Còn theo bác sĩ Lâm Bội Hy, các bệnh tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm thường do vi khuẩn như e.coli, campylobacter, listeria, salmonella, botulinum… gây ra. Thời tiết nóng khiến thực phẩm ôi thiu, hư hỏng nếu không bảo quản đúng, trẻ ăn phải dễ bị vi khuẩn tấn công hệ tiêu hóa, gây rối loạn tiêu hóa, nặng hơn là ngộ độc.
“Sau khoảng 2 ngày nhiễm virus, vi khuẩn, trẻ có thể có các biểu hiện nôn, buồn nôn, sốt, tiêu chảy nhiều lần và kéo dài trong 3 – 10 ngày. Nếu không được khám, điều trị kịp thời, trẻ có thể mất nước, mất điện giải, thậm chí nguy hiểm tính mạng nếu ngộ độc hoặc nhiễm trùng nặng”, bác sĩ Bội Hy thông tin thêm.
Để phòng ngừa các bệnh tiêu hóa, bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần lựa chọn thực phẩm kỹ lưỡng, hạn chế cho trẻ sử dụng nước có gas, giảm ăn đồ lạnh, xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý trong mùa nắng nóng như uống đủ nước, tăng cường rau xanh. Phụ huynh cần tuân thủ cho trẻ ăn chín, uống sôi, rửa sạch thực phẩm trước khi ăn; vệ sinh tủ lạnh sạch sẽ, không để chung thực phẩm tươi sống và thực phẩm nấu chín; thức ăn bảo quản lâu trong tủ mát vẫn có thể bị hỏng và ngộ độc, do đó không nên sử dụng đồ ăn thừa sau 4 – 5 ngày bảo quản ngăn mát.
Sở An toàn Thực phẩm TP Hồ Chí Minh hướng dẫn các bước sơ cứu khi khi phát hiện trường hợp bị ngộ độc thực phẩm: Để hạn chế độc tố ngấm vào cơ thể, biện pháp sơ cứu đầu tiên nên làm là kích thích để người bị ngộ độc nôn những thức ăn trong dạ dày ra ngoài. Tiến hành gây nôn cho người bệnh còn tỉnh, cần để người bệnh nằm nghiêng, kê hơi cao phần đầu để chất thải nôn ra không bị trào ngược vào phổi, không gây sặc cho người bệnh. Với người bệnh bị ngộ độc thực phẩm đã hôn mê thì không nên kích thích gây nôn vì sẽ dễ gây sặc, ngạt thở.
Uống nhiều nước và nghỉ ngơi: Sau khi người bệnh nôn và đi ngoài thì cơ thể sẽ bị mất nước. Chính vì vậy, cần tiến hành bù nước cho người bệnh bằng cách cho uống nhiều nước lọc, nước oresol để bù nước cho người bệnh.
Sau khi tiến hành sơ cứu ban đầu nhưng bệnh nhân vẫn có thể gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào. Do đó, cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất hoặc gọi cấp cứu 115. Giữ và bảo quản lạnh thực phẩm nghi ngờ gây ngộ độc thực phẩm để gửi mẫu kiểm nghiệm tìm nguyên nhân. Không sử dụng thực phẩm nghi ngờ gây ngộ độc và cảnh báo những người thân xung quanh.
Khi nhiều người cùng bị ngộ độc thực phẩm phải khẩn trương tổ chức cấp cứu cho người bệnh và khai báo ngay đến cơ quan chức năng gần nhất.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị