Cảnh báo mực nước Biển Caspi xuống thấp nghiêm trọng

Cảnh báo mực nước Biển Caspi xuống thấp nghiêm trọng

Cơ quan Vũ trụ Iran (ISA) vừa qua đã cảnh báo tình trạng mực nước Biển Caspi liên tục xuống thấp trong vài thập kỷ đang đặt ra những thách thức về môi trường đối với các quốc gia xung quanh.

Các chuyên gia của ISA đã nghiên cứu hình ảnh vệ tinh và phát hiện trong thời gian qua, đặc biệt là 2 năm trở lại đây, phần phía Bắc của Biển Caspi đã bị thu hẹp đáng kể do mực nước giảm, trong khi phần phía Nam hầu như thay đổi. Người phát ngôn của ISA Hossein Dalirian nhấn mạnh đây là vấn đề “nghiêm trọng và quan trọng”, đặt ra những nguy cơ tiềm ẩn về môi trường đối với các quốc gia xung quanh trong những năm tới.

tm-img-alt
Mực nước biển giảm ở Biển Caspi đặt ra những nguy cơ tiềm ẩn về môi trường đối với các quốc gia xung quanh trong những năm tới. Ảnh: azernews.az

Trước đó, hôm 11/8, hãng thông tấn Tasnim của Iran dẫn lời một quan chức phụ trách lĩnh vực môi trường cho biết mực nước Biển Caspi đã giảm 26 cm chỉ trong vòng 12 tháng tính đến tháng 3/2023 và giảm gần 2 mét kể từ năm 1996. Lượng nước đổ vào từ sông Volga giảm mạnh, bên cạnh các yếu tố tự nhiên khác, đã khiến mực nước biển giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 30 năm. Theo quan chức này, trong khi hệ sinh thái Biển Caspi thay đổi theo hình thái tự nhiên, thì mực nước lại trải qua thời kỳ suy giảm dài bất thường.

Biển Caspi được bao quanh bởi 5 quốc gia gồm Iran, Kazakhstan, Nga, Azerbaijan và Turkmenistan. Theo World Atlas, Biển Caspi là hồ nước lớn nhất thế giới với diện tích bề mặt 371.000 km2 và thể tích 78.200 km3. Đây là hồ nước mặn duy nhất nằm trong số 10 hồ nước lớn nhất thế giới. Biển Caspi cũng là hồ sâu thứ ba thế giới với phần sâu nhất đạt 1.025 m và độ sâu trung bình là 211 m.

Biển Caspi từng là một phần của Địa Trung Hải cổ đại. Khoảng 11.000 năm trước, chuyển động của lớp vỏ đã tách Biển Caspi khỏi Địa Trung Hải và Biển Đen và trở thành một hồ nước mặn được bao quanh bởi các lục địa ở mọi phía. Biển Caspi có nhiều nguồn cung cấp nước, trong đó có dòng chảy bên trong dài nhất thế giới chính là sông Volga.

Hải Đăng (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích