Cảnh báo hiểm họa từ cơ sở thẩm mỹ không phép

Liên tiếp xử phạt thẩm mỹ viện hoạt động không phép

Gần đây nhất, Thanh tra Sở Y tế An Giang đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Mỹ viện Quốc tế ASIA tại TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang. Ông Nguyễn Văn Toàn – chủ hộ kinh doanh, bị phạt 70 triệu đồng vì các vi phạm nghiêm trọng, bao gồm việc cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động và sử dụng người hành nghề không có chứng chỉ.

Lực lượng chức năng kiểm tra thẩm Mỹ viện Quốc tế ASIA. Ảnh: baoangiang.com.vn

Trước đó, trong một cuộc kiểm tra đột xuất ngày 30/8/2024, đoàn kiểm tra phát hiện nhân viên của cơ sở này là bà Trương Như Ngân đã thực hiện 2 lần kỹ thuật bắn tia lazer, để xoá nốt ruồi ở mũi cho khách hàng N.K.B. trú tại thị trấn Hội An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang và hộ kinh doanh Mỹ viện Quốc tế ASIA đã thu tiền 2,9 triệu đồng. Tuy nhiên, bà Trương Như Ngân không xuất trình được văn bằng chuyên môn về lĩnh vực y tế, chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện tang vật, phương tiện có liên quan đến vụ việc, gồm: Bản doanh thu ASIA năm 2024, gồm 87 trang có chữ ký xác nhận của bà Đặng Thị Mỹ Huyền và Trương Như Ngân trên từng trang. Trong đó, có 64 trường hợp có thực hiện các kỹ thuật thẩm mỹ làm đẹp xâm lấn vào cơ thể.

Trước đó, cơ sở Nha khoa Việt Đức tại huyện Thoại Sơn bị xử phạt 70 triệu đồng và đình chỉ hoạt động do cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh mà không có giấy phép, cho thấy tình trạng các cơ sở thẩm mỹ hoạt động không phép còn diễn ra phổ biến tại địa phương.

Kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các cơ sở thẩm mỹ

Trước tình trạng trên, TS.BS Trần Quang Hiền – Giám đốc Sở Y tế An Giang, đã đưa ra những phân loại cụ thể và cảnh báo về các rủi ro có thể gặp phải khi sử dụng các dịch vụ thẩm mỹ không đảm bảo. Theo ông, cơ sở thẩm mỹ có thể chia thành ba nhóm chính, với mỗi nhóm có yêu cầu và mức độ quản lý khác nhau.

Nhóm 1: Cơ sở dịch vụ chăm sóc sắc đẹp: Là những cơ sở chăm sóc da (spa), tóc, móng… Những cơ sở này không sử dụng thuốc gây tê dưới bất cứ dạng gì nên không thuộc quản lý của Sở Y tế.

Nhóm 2: Cơ sở dịch vụ thẩm mỹ xăm, phun, thêu trên da không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm. Những cơ sở này chỉ cần giấy phép kinh doanh do UBND huyện, thị xã cấp (nếu loại hộ kinh doanh cá thể) hoặc do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp phép (nếu loại hình doanh nghiệp).

Nhóm 3: Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, là những cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) cung cấp các dịch vụ thẩm mỹ ngoại khoa (phẫu thuật thẩm mỹ) hoặc thẩm mỹ nội khoa có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể hoặc xăm, phun, thêu trên da, nhưng có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm. Những cơ sở này, ngoài giấy phép kinh doanh, khi hoạt động phải bắt buộc được Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động và phê duyệt danh mục kỹ thuật theo quy định của pháp luật.

Cơ sở khám chữa bệnh có sử dụng phương pháp xâm lấn bắt buộc phải có giấy phép của Sở Y tế. Ảnh minh họa

Với nhu cầu làm đẹp ngày càng gia tăng, nhiều phòng khám, viện thẩm mỹ đã mọc lên, hoạt động trái phép với những “bác sĩ dởm” cầm dao kéo, kim tiêm đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người dân. 

Rủi ro từ việc sử dụng dịch vụ thẩm mỹ không đảm bảo

Theo ngành chức năng, có trường hợp người dân sau khi thực hiện các kỹ thuật làm đẹp tại cơ sở thẩm mỹ bị hư, không đẹp, không đúng như quảng cáo đã trình báo và làm đơn gửi cơ quan chức năng khiếu nại, do ảnh hưởng đến sức khỏe, sắc đẹp, không như ý. Nhưng khi cơ quan chức năng chuẩn bị thanh tra, kiểm tra, thì nguyên đơn rút đơn khiếu nại, với lý do đã được cơ sở thẩm mỹ đền tiền bồi thường. Còn có trường hợp sau khi thẩm mỹ, gương mặt bị biến dạng, phải âm thầm đi tìm chỗ để sửa lại.

Theo Sở Y tế An Giang, cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không giấy phép, không chứng chỉ hành nghề thường do những người không có trình độ chuyên môn về y tế nói chung và thẩm mỹ tạo hình nói riêng thực hiện. Ngoài ra, do không được Sở Y tế thẩm định, cấp phép, phòng khám có thể không thực hiện đúng các quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn, lây nhiễm các bệnh xã hội, phòng tránh rủi ro cho khách hàng khi hành nghề, không có khả năng thực hiện các biện pháp sơ cấp cứu cần thiết khi xảy ra tai biến. Trong tình huống xấu, người thực hiện dịch vụ do không được quản lý bởi y tế địa phương nên dễ dàng chối bỏ trách nhiệm đối với khách hàng.

Người dân khi đến các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không giấy phép làm các thủ thuật xâm lấn hay dùng thuốc có tác dụng dược lý, khả năng gặp các rủi ro dị ứng thuốc dẫn đến phản ứng phản vệ với các cấp độ khác nhau. Tai biến thủ thuật có thể dẫn đến tàn phế hoặc nguy hiểm tính mạng sẽ cao hơn. Khi đó, người dân chẳng những không đạt được mục đích làm đẹp theo ý muốn, mà còn bị tổn thương, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của bản thân.

TS.BS Trần Quang Hiền khuyến cáo: “Trước tình trạng cơ sở thẩm mỹ thành lập lên ngày càng nhiều, ngành y tế mong muốn người dân khi lựa chọn các dịch vụ làm đẹp có xâm lấn cần tỉnh táo, cảnh giác trước khi quyết định”.

Duy Trinh (t/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích