Càng số hóa mạnh mẽ, càng tăng cường công khai, minh bạch
Sáng 24/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban, với trọng tâm thảo luận về kinh tế số.
Phát triển kinh tế số bền bỉ, không có điểm dừng
Phát biểu kết luận, Thủ tướng nhấn mạnh: “Chuyển đổi số đã “đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, chúng ta phải tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, các cấp, các ngành, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp”.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ việc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số còn nhiều tồn tại, hạn chế. Nhiều lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương chưa coi chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực cho chuyển đổi số.
Việc xây dựng, hoàn thiện môi trường pháp lý, cơ chế, chính sách còn chưa kịp thời. Còn 390/1.086 thủ tục hành chính chưa được cắt giảm, đơn giản hóa theo các nghị quyết của Chính phủ. Chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa cao, chưa thực sự thu hút người dân, doanh nghiệp. Tỉ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến chưa cao. Tỉ lệ cung cấp dịch vụ công toàn trình còn thấp. Đặc biệt, tỉ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu rất thấp, tính kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu còn kém, gây lãng phí…
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban, với trọng tâm thảo luận về kinh tế số. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc) |
Tại phiên họp này, Thủ tướng nhấn mạnh những bài học lớn. Cụ thể: Một là, sự vào cuộc với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, đề cao vai trò người đứng đầu. Nắm chắc tình hình thực tế, có phản ứng linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; chỉ đạo điều hành đồng bộ, linh hoạt, tổ chức triển khai quyết liệt, xác định rõ ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm.
Hai là, lấy người dân, doanh nghiệp là chủ thể, là trung tâm của chuyển đổi số quốc gia; để người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng những thành quả từ chuyển đổi số quốc gia mang lại, trên tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau; minh bạch hóa và tăng cường sự tham gia của người dân, doanh nghiệp.
Ba là, xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý về chuyển đổi số quốc gia, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nhất là về kinh tế số, xã hội số.
Bốn là, luôn giữ vững kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, tăng cường kiểm tra, giám sát; kiên quyết phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm; đẩy mạnh truyền thông chính sách, góp phần tạo đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân.
Năm là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.
Về quan điểm phát triển kinh tế số, Thủ tướng nêu rõ, phải bám sát tình hình thực tế, quán triệt, hiện thực hoá, vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước để thúc đẩy chuyển số quốc gia nói chung, phát triển kinh tế số nói riêng thực chất, hiệu quả. Huy động sự vào cuộc, tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Phát triển kinh tế số là đòi hỏi khách quan, yêu cầu bắt buộc trong phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam phù hợp xu thế phát triển hiện nay. Phát triển kinh tế số phải gắn với kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ; góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Các đại biểu dự phiên họp. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc) |
Phát triển kinh tế số là một quá trình liên tục, bền bỉ, không ngừng nghỉ, không có điểm dừng; chúng ta phải đổi mới tư duy, có tầm nhìn chiến lược, tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt; huy động hiệu quả mọi nguồn lực, đẩy mạnh hợp tác công tư để bắt cùng, tiến kịp và vượt lên so với khu vực, thế giới…
Mỗi bộ, ngành, địa phương phải có 1 đề án chuyển đổi số
Thủ tướng đề nghị các Bộ trưởng, trưởng ngành, Bí thư, Chủ tịch UBND các cấp phải quyết tâm cao hơn, chỉ đạo quyết liệt trong triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia, chú trọng “3 tăng cường” và “5 đẩy mạnh”.
Trong đó, “3 tăng cường” gồm: Tăng cường nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số tới từng người dân, doanh nghiệp và nhất là người đứng đầu; tăng cường tiềm lực cho chuyển đổi số, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên bố trí nguồn lực; tăng cường hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt và huy động mọi nguồn lực xã hội.
“5 đẩy mạnh” gồm: Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý đầy đủ thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số; đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, nền tảng số tạo tiền đề quan trọng cho phát triển kinh tế số; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, lập nghiệp trong chuyển đổi số; đẩy mạnh phát triển nhân lực số, kỹ năng số đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội; đẩy mạnh an ninh mạng, an toàn thông tin để quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp, bảo vệ chủ quyền không gian mạng quốc gia từ sớm, từ xa.
Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc) |
Chỉ rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu ưu tiên các nguồn lực, bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Chương trình chuyển đổi số quốc gia và 3 Chiến lược: Về phát triển Chính phủ số; về phát triển kinh tế số và xã hội số; về phát triển dữ liệu số. Trong đó, khẩn trương xử lý các nhiệm vụ quá hạn, tồn đọng trong giai đoạn 2022-2023.
“Mỗi bộ, ngành, địa phương phải có 1 đề án chuyển đổi số như Bộ Công an đã làm và kết nối với Đề án 06”, Thủ tướng yêu cầu và giao Bộ Công an phổ biến kinh nghiệm.
Các bộ, ngành, địa phương phải khẩn trương kiện toàn các ban chỉ đạo, hoạt động mạnh mẽ, thực chất. Thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và các nhiệm vụ trong Đề án 06.
Đồng thời, các bộ, ngành khẩn trương tổ chức các phiên họp chuyên đề số hóa các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý. Trong quý II/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương báo cáo Phó Thủ tướng phụ trách tổ chức phiên họp chuyên đề về số hóa ngành Nông nghiệp, ngành Công Thương.
Các địa phương phải phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp viễn thông xóa bỏ các vùng lõm sóng di động tại các thôn, bản đã có điện lưới quốc gia, hoàn thành trước tháng 12/2024; tiếp tục nâng cao chất lượng mạng băng rộng di động.
Ngoài ra, Thủ tướng, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn vướng mắc, hoàn thành triển khai 12/53 dịch vụ công thiết yếu còn lại theo Quyết định 06/QĐ-TTg, Quyết định 422/QĐ-TTg và 20 dịch vụ công ưu tiên theo Quyết định số 206/QĐ-TTg; kết nối các hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính với Cổng Dịch vụ công quốc gia, hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ (Hệ thống EMC). 7 địa phương khẩn trương trình HĐND ban hành nghị quyết về miễn, giảm phí, lệ phí trong sử dụng dịch vụ công trực tuyến (hoàn thành trong tháng 5/2024).
Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương tiến hành tổng rà soát, đánh giá tình hình bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng đối với các hệ thống thông tin trong phạm vi quản lý theo hướng dẫn của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông.
Thủ tướng tin tưởng rằng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế số của nước ta sẽ có bước phát triển mạnh mẽ, thực sự là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Nguồn: Báo lao động thủ đô