Canada: Ước tính thiệt hại lớn chưa từng thấy trong mùa cháy rừng năm 2023

Canada: Ước tính thiệt hại lớn chưa từng thấy trong mùa cháy rừng năm 2023

Theo nhà nghiên cứu Yan Boulanger thuộc Bộ Tài nguyên thiên nhiên Canada, các vụ cháy rừng xảy ra trong năm 2023 đã phá vỡ “tất cả các kỷ lục” về thiệt hại trong lịch sử cháy rừng tại nước này.

Năm nay, Cơ quan Cứu hỏa Liên ngành Canada ghi nhận mùa cháy rừng tồi tệ nhất lịch sử với gần 6.500 đám cháy trong năm, khiến hơn 200.000 người phải sơ tán. Hàng trăm nghìn cá thể động vật hoang dã thiệt mạng. Tại các khu rừng phía bắc bị tàn phá, không còn bất kỳ dấu vết nào của các loài động vật. Hơn 18 triệu ha diện tích nước này bị thiêu rụi, ngang ngửa diện tích quốc gia Bắc Phi Tunisia và hơn gấp đôi kỷ lục 7,6 triệu ha năm 1989.

Theo nhà nghiên cứu Yan Boulanger thuộc Bộ Tài nguyên thiên nhiên Canada, những con số trên đã phá vỡ “tất cả các kỷ lục” về thiệt hại trong lịch sử cháy rừng tại Canada.

Tỉnh Quebec – vốn không quen ứng phó với các đám cháy rừng lớn như khu vực phía Tây Canada – hứng chịu thiệt hại vô cùng lớn trong mùa cháy rừng năm nay. Khu rừng vân sam ở thị trấn Abitibi-Temiscamingue bị tàn phá nặng nề sau trận cháy dữ dội hồi tháng 6 vừa qua. Toàn bộ khu rừng là cảnh tượng hoang tàn, cây cối cháy đen.

tm-img-alt
Lính cứu hỏa chữa cháy ở Vanderhoof, miền bắc tỉnh British Columbia, Canada, hồi tháng 7. Ảnh: CBC

Giáo sư về sinh thái rừng Maxence Martin tại Đại học Quebec ở Abitibi-emiscamingue cho rằng có rất ít cơ hội tái sinh khu rừng này, do thông ở đây còn quá non chưa kịp ra quả hạt cho thế hệ tiếp theo. Trong khi đó, lâm nghiệp là ngành công nghiệp chính ở vùng đất xa xôi này, cung cấp 60.000 việc làm trực tiếp và gián tiếp cho toàn thị trấn. Cháy rừng năm nay đã tác động đáng kể đến ngành này.

Ông Martin cho biết nếu tốc độ cháy rừng tiếp tục xu hướng như hiện nay, đến năm 2100, khoảng 1/3 diện tích rừng phương Bắc ở Quebec sẽ bị mất. Khu vực này là một phần vành đai cây xanh rộng lớn bao quanh Bắc Cực – trải dài từ Canada qua Alaska (Mỹ), Siberia và Bắc Âu – tạo thành vùng hoang dã rộng lớn nhất thế giới.

Tại các khu rừng phía Bắc, nguy cơ cháy rừng càng cao bởi điều kiện khô hơn và nóng hơn do ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu. Trong khi đó, các đám cháy rừng thải carbon vào khí quyển, góp phần vào sự nóng lên toàn cầu, lặp lại vòng luẩn quẩn của biến đổi khí hậu.

Điều đáng lo ngại, cháy rừng tại các khu rừng phía Bắc này thải ra lượng carbon nhiều gấp 10 – 20 lần trên cùng đơn vị diện tích bị đốt cháy so với các hệ sinh thái khác. Điều này khiến lượng khí thải của Canada cao chưa từng có, ở mức 473 megaton trong năm nay. Theo dữ liệu từ đài quan sát Copernicus của châu Âu, con số này cao hơn gấp 3 lần so với kỷ lục trước đó.

Ngoài ra, trong các khu rừng phương Bắc, do lớp mùn trên mặt đất dày nên đám cháy có thể âm ỉ trong nhiều tháng. Tại thị trấn Lebel-sur-Quevillon ở Quebec, 2.000 cư dân đã phải sơ tán hai lần do cháy rừng chỉ riêng trong mùa Hè này.

Phần lớn Canada, bao gồm cả vùng cực Bắc, đang phải đối mặt với tình trạng hạn hán khắc nghiệt. Hồi đầu năm nay, bão sét đã gây ra hàng trăm vụ cháy chỉ trong một ngày. Chính quyền các địa phương đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài suốt mùa Hè.

Lần đầu tiên trong lịch sử, gần như tất cả người dân Canada bị ảnh hưởng bởi mùa cháy rừng năm nay – ảnh hưởng trực tiếp hoặc ảnh hưởng do khói cháy rừng bay xa hàng nghìn km.

Theo Bộ trưởng Tài nguyên thiên nhiên Marc-Andre Parisien, Canada không có đủ phương tiện để dập tắt tất cả các đám cháy, cũng như khoảng cách quá xa, quá khó tiếp cận để chữa cháy, cách tốt nhất là các địa phương phải chủ động phòng chống cháy rừng.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích