Canada: Khói từ các đám cháy rừng lan sang tới châu Âu
Canada: Khói từ các đám cháy rừng lan sang tới châu Âu
Khói từ các đám cháy rừng ở Québec, Canada trong nhiều tuần qua đã bay qua Đại Tây Dương và phủ đen bầu trời Tây Nam châu Âu.
Theo trang Politico, Dịch vụ Giám sát Khí quyển Copernicus (CAMS) cho biết khi các đám cháy ở Quebec và Ontario (Canada) ngày càng lan rộng, và một đám khói lớn đã bay qua Đại Tây Dương.
Giới chức ở Bồ Đào Nha cho biết bầu trời đã bị bao phủ bởi khói. Tây Ban Nha, Pháp và các nước Tây Âu khác cũng bị ảnh hưởng bởi những đám cháy này. Dự báo, cháy rừng ngày càng tồi tệ ở Québec và Ontario có thể sẽ khiến bầu trời mù mịt và hoàng hôn màu cam đậm ở châu Âu trong tuần này.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy khói từ các đám cháy rừng ở Quebec đã lan sang Đại Tây Dương cách xa hàng nghìn km. Vào hôm 26/6, khói đã bay đến Quần đảo Azores. Đến ngày 27/6, các đám khói đã lơ lửng trên bầu trời Tây Âu.
Khói ở châu Âu không phải là mối nguy hại cho sức khỏe như ở Canada và Mỹ, vì chúng bay cao hơn nhiều trong không trung, ở độ cao ít nhất 1.097 mét so với bề mặt. Các chuyên gia lưu ý rằng những đám khói này có thể tạo ra khung cảnh bình minh và hoàng hôn sống động trong những ngày tới.
Truyền thông Pháp đưa tin nước này sẽ chứng kiến khói và bồ hóng trong không khí ở mức đỉnh điểm vào ngày 28/6.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết bầu trời châu Âu sẽ không chuyển sang màu cam – như cảnh tượng từng xảy ra ở New York và các thành phố khác ở Bắc Mỹ hồi đầu tháng này. Giới chức cũng cho rằng người dân không phải lo lắng về việc ngạt khói.
CAMS cho biết trong một tuyên bố: “Điều quan trọng cần lưu ý là khói bay đến từ khoảng cách quá xa. Chẳng hạn giai đoạn này, khói có xu hướng bay ở độ cao cao hơn, các chất gây ô nhiễm không khí tồn đọng trong khí quyển lâu hơn. Điều đó khiến chúng biểu hiện dưới dạng bầu trời mờ ảo với hoàng hôn màu đỏ/cam. Việc khói lan đến từ khoảng cách xa không có tác động đáng kể đến chất lượng không khí bề mặt”.
Khói từ hàng trăm vụ cháy rừng bùng phát ở Canada đã tràn sang Na Uy và dự kiến sẽ tấn công miền Nam châu Âu trong vài ngày tới. Trước đó, hàng chục bang tại Mỹ đã phải ban bố cảnh báo về sức khỏe do cháy rừng tại quốc gia láng giềng.
Viện Nghiên cứu khí hậu và môi trường Na Uy hôm 9/6 cho biết, khói từ các đám cháy rừng tại Canada đã di chuyển qua Greenland và Iceland kể từ ngày 1/6. Các quan sát ở miền Nam Na Uy đã ghi nhận nồng độ ngày càng tăng của hạt bụi mịn. Theo nhà nghiên cứu Nikolaos Evangeliou, người dân tại một số khu vực đã có nhìn thấy sương mù hoặc ngửi thấy mùi khói. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng nhấn mạnh, số lượng hạt trong không khí ở Na Uy không đủ lớn để gây hại cho sức khỏe cộng đồng.
Trong khi khói là một hình ảnh kỳ lạ đối với Tây Âu, thì ở Bắc Mỹ, cháy rừng và khói vẫn là một vấn đề nan giải. Theo CAMS, mức phát thải từ các đám cháy rừng ở Canada đạt 160 megaton CO2 kể từ đầu tháng 5. Con số này tương đương với lượng khí thải hàng năm của Hà Lan.
Giới chức đã cản báo chất lượng không khí không đạt tiêu chuẩn ở khoảng 172 cộng đồng ở Canada. Ngoài ra, vùng trung tây Mỹ cũng đang phải hít thở trong bầu không khí kém chất lượng.
Cháy rừng ở Canada đã hoành hành trong nhiều tuần qua và khiến hàng nghìn người phải sơ tán với sự hỗ trợ từ các đối tác quốc tế. Chính quyền địa phương đã chỉ ra rằng hiện tại, có 487 đám cháy rừng đang hoạt động ở Canada, trong đó có 257 đám cháy nằm ngoài tầm kiểm soát.
Theo Trung tâm chữa cháy rừng liên ngành của Canada, 7,8 triệu hecta diện tích đất hoang đã bị tàn phá bởi cháy rừng. Con số này cho thấy Canada đang hứng chịu mùa cháy rừng tồi tệ nhất kể từ khi cơ quan này bắt đầu theo dõi dữ liệu từ năm 1980.
Ghi nhận lượng khí CO2 cao kỷ lục do cháy rừng
Ngày 27/6, các nhà khoa học Liên minh châu Âu (EU) cho biết các vụ cháy rừng hoành hành trên khắp Canada đã thải ra lượng khí carbon dioxit (CO2) trong 6 tháng đầu năm 2023 nhiều hơn so với bất kỳ mức nào từng ghi nhận trong các năm trước đây.
Theo số liệu của Cơ quan Giám sát Khí quyển Copernicus (CAMS), hàng trăm vụ cháy rừng kể từ đầu tháng 5 năm nay đã sản sinh ra gần 600 triệu tấn CO2, tương đương 88% lượng khí nhà kính của quốc gia này thải ra từ tất cả các nguồn trong năm 2021. Đáng chú ý, hơn 50% trong số này được ghi nhận chỉ riêng trong tháng 6.
Tuyên bố của CAMS nhấn mạnh lượng khí thải từ các đám cháy rừng là nguồn phát thải hằng năm lớn nhất đối với Canada trong 21 năm qua kể từ khi cơ quan này tiến hành thu thập dữ liệu. Trước đó, mức khí thải CO2 cao nhất do cháy rừng chỉ là 500 tấn, được ghi nhận vào năm 2014.
Trên toàn thế giới, chỉ riêng trong năm 2021, các vụ cháy rừng đã giải phóng khoảng 1,8 tỷ tấn CO2 vào khí quyển, so với mức khoảng 38 tỷ tấn khí thải dạng này từ các hoạt động nhiên liệu hóa thạch và công nghiệp.
Với nhiệt độ ngày càng tăng do khủng hoảng khí hậu, các vụ cháy rừng được dự báo có thể sẽ xảy ra phổ biến hơn và có quy mô lớn hơn. Và điều đáng quan tâm lúc này là những tác động của hiện tượng này tới Bắc Cực.
An Khải (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị