Canada: Cháy rừng đã tạo ra 1,7 tỷ tấn CO2 trong năm 2023

Canada: Cháy rừng đã tạo ra 1,7 tỷ tấn CO2 trong năm 2023

Dữ liệu từ Cơ quan theo dõi Khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu cho thấy các vụ cháy rừng tại Canada đã tạo ra 1,7 tỷ tấn CO2 vào năm 2023.

Cháy rừng do biến đổi khí hậu đang phá hủy hàng loạt cánh rừng trên toàn thế giới, thải ra môi trường lượng lớn khí CO2 và thúc đẩy sự nóng lên toàn cầu.

Tại Canada, dữ liệu từ Cơ quan theo dõi Khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu cho thấy các vụ cháy rừng đã tạo ra 1,7 tỷ tấn CO2 vào năm 2023, nhiều gấp ba lần lượng khí mà các hoạt động kinh tế tại nước này thải ra.

Theo ông Samantha Burgess, phó giám đốc Cơ quan theo dõi Khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu, cho biết: “Nhiệt độ trong năm 2023 được xem là nóng nhất trong ít nhất 100.000 năm qua”.

Cháy rừng gia tăng do thời tiết ngày càng ấm hơn và khô hơn, gây ra thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng ở Canada.

tm-img-alt
Cháy rừng tại khu phức hợp Donnie Creek, phía Nam Fort Nelson, British Columbia, Canada, ngày 3/6/2023. Ảnh: Reuters

“Cùng với tình trạng nóng lên toàn cầu, các vụ cháy rừng ngày càng dữ dội và xảy ra thường xuyên tại những nơi vốn hiếm gặp trước đây” – Thủ tướng Canada Justin Trudeau viết trên Twitter vào tháng 6/2023.

Cháy rừng tại Canada bắt đầu gia tăng vào tháng 4, khiến tỉnh miền Tây Alberta phải ban bố tình trạng khẩn cấp. Vào tháng 6, một vụ cháy rừng lớn tại TP Quebec đã khiến nhiều người dân phải rời bỏ nhà cửa. Tỉnh miền Tây British Columbia đã chứng kiến trận cháy rừng lớn nhất trong lịch sử.

Theo Trung tâm phòng cháy chữa cháy liên ngành Canada, hơn 180.000 km2 rừng ở Canada – gần bằng một nửa diện tích Nhật Bản – đã bị thiêu rụi trong các vụ cháy rừng. Không những vậy, khói từ các vụ cháy đã lan sang nước Mỹ, gây ô nhiễm nghiêm trọng tại New York, Chicago và Detroit.

Không chỉ Canada, rừng đang nhanh chóng “bốc hơi” ở nhiều khu vực trên thế giới. Theo Viện Tài nguyên Thế giới (WRI) tại Mỹ, trung bình 8,3 triệu ha rừng bị cháy/năm trong giai đoạn 2020-2022, gần gấp đôi so với mức trung bình từ năm 2001-2003 và hơn gấp đôi mức thiệt hại hàng năm do chặt hạ cũng như các hoạt động phá rừng tại Brazil, nơi được bao phủ bởi phần lớn khu rừng nhiệt đới Amazon, gây ra.

Theo Marta Arbinolo, nhà phân tích chính sách tại Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), cho biết: “Chúng tôi nhận thấy biến đổi khí hậu đang khiến nạn cháy rừng trở nên nghiêm trọng hơn và ngược lại”.

Tình trạng nóng lên toàn cầu gây ra các đợt nắng nóng và khô hạn, khiến cháy rừng dễ dàng bùng phát mỗi khi có tia sét đánh trúng cây cối hoặc người cắm trại thiếu cẩn thận khi sử dụng lửa. Các vụ cháy rừng tạo ra một lượng lớn CO2, khiến tình trạng nóng lên toàn cầu ngày càng trầm trọng hơn.

Theo báo cáo năm 2022 của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) và tổ chức GRID-Arendal tại Na Uy, tỷ lệ cháy rừng được dự báo sẽ tăng đến 14% vào năm 2030, so với giai đoạn 2010-2020. UNEP cảnh báo cháy rừng nghiêm trọng có thể xảy ra ngay cả ở những khu vực trước đây không bị ảnh hưởng.

Vào tháng 11/2023, các cơ quan chủ chốt của EU đã đạt được thỏa thuận về một loạt các biện pháp ngăn chặn cháy rừng, như: việc làm cho vùng đất than bùn ẩm ướt trở lại. Cháy rừng thường xảy ra do đất than bùn, một loại đất được tạo thành từ thực vật phân hủy hoặc bị carbon hóa, bị khô.

Hải Đăng (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích