Cần xử lý nghiêm việc tung tin thất thiệt

Cần xử lý nghiêm việc tung tin thất thiệt

Liên tiếp hơn một tuần nay, trên mạng xã hội xuất hiện tin đồn với nội dung “sẽ có một số tập đoàn lớn bị xử lý…”, ngay lập tức thị trường chứng khoán đỏ sàn, thậm chí thủng đáy. Đến ngày 25/10, khi người phát ngôn của Bộ Công an Trung tướng Tô Ân Xô chính thức bác tin đồn thất thiệt này và khẳng định: “Thông tin sẽ tiến hành xử lý tiếp một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn là tin giả, sai sự thật”, nhiều người mới vỡ lẽ hóa ra mình bị lừa! Trước đó, cũng trên mạng xã hội tràn ngập thông tin về ngân hàng… khiến không ít người dân hoang mang.

Người ta hay nói: “Thông tin là chìa khóa của quyền lực”, trong kỷ nguyên số với sự lên ngôi của mạng xã hội, các kênh thông tin trực tuyến và sự hiếu kỳ của người xem đang có một nghịch lý diễn ra: Thông tin thật lượng độc giả xem ít, thông tin xấu, giật gân, câu khách, lượng người xem rất nhiều. Sáng chuẩn bị đi làm, ngồi nhâm nhi cà phê với một bác hàng xóm vừa có chuyến du lịch 3 tháng tại Mỹ và châu Âu nói: “Đi ra nước ngoài mới thấy tốc độ đường truyền internet của Việt Nam rất tốt; có đi ra nước ngoài mới thấy tự do thông tin ở Việt Nam vào loại thoáng nhất thế giới. Muốn đăng gì trên mạng thì đăng, muốn “chém gió” thế nào ngoài quán nhậu thì chém. Ở nước ngoài, đăng trên mạng xã hội mà thông tin không được kiểm chứng, tin giả, tin thất thiệt, tin bôi xấu danh dự cá nhân… rất dễ bị kiện, bị phạt tiền và truy tố như chơi. Nhưng cứ lên mạng, không ít người lại đổ lỗi Việt Nam thiếu dân chủ, trong khi các tin thất thiệt ngày càng có xu hướng tăng”.

Trở lại câu chuyện tại sao lại có nhiều tin giả, tin thất thiệt trên không gian mạng? Xét về yếu tố pháp luật, hành lang pháp lý vẫn còn thiếu và sở hở nên chưa đủ sức răn đe với những người tung tin giả trên không gian mạng. Cạnh đó, các mạng xã hội đa số thuộc sở hữu của những tập đoàn nước ngoài, nên việc quản lý khá khó khăn. Nhận biết được điều đó, kèm thêm yếu tố càng đăng thông tin trên mạng xã hội được nhiều người quan tâm (view) thì càng có tiền, càng có nhiều đơn vị tài trợ quảng cáo. Chính vì thế, nhiều kẻ thậm chí không ở Việt Nam, nhưng hễ có sự kiện trong nước là lại cắt hình, cóp nhặt tin, dựng thành video với những lời lẽ cực hót… đăng trên không gian mạng. Người xem thấy thế càng hiếu kỳ, càng vào xem. Chính vì thế, mới có chuyện rất thật nhưng không kém phần khôi hài, đến bác bán nước chè ở vỉa hè, thợ cắt tóc cũng trở thành “nhà tổ chức nhân sự”…

Tuy nhiên, ở góc độ tiếp cận thông tin, đã đến lúc người đọc, người nghe, người xem phải hiểu rằng, bất kỳ quốc gia nào cũng có những quy định về bí mật thông tin. Từ thông tin được công bố công khai đến thông tin cấp độ mật, tuyệt mật, tối mật. Vậy thử hỏi, các thông tin về nhân sự, khởi tố, kỷ luật, hay tập đoàn A, B, C làm ăn thế này, thế kia… sao có thể “lọt” ra ngoài để các thế lực, kẻ xấu có thể tung lên mạng dễ như “mua rau” đến vậy? Đấy là chưa kể yếu tố bên ngoài, muốn phá hoại chúng ta có tổ chức. Ví dụ việc khởi tố các đối tượng liên quan đến chứng khoán, cổ phiếu… chúng ngay lập tức dựng lên những thông tin bịa đặt, tin đồn thất thiệt về lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán nhằm mục đích tạo ra những cơn địa chấn, để tạo khủng hoảng xã hội.

Vì vậy, để mạng xã hội được “sạch”, để không còn những kẻ dùng mạng xã hội phục vụ mưu đồ chính trị, vụ lợi cá nhân làm ảnh hưởng đến uy tín quốc gia, nền kinh tế… Đã đến lúc chúng ta phải xử lý thật nghiêm khắc đối với những đối tượng này để cảnh tỉnh, răn đe. Kiên quyết không để tin giả, tin thất thiệt lộng hành trên không gian mạng.

L.H

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích