Cần xem lại quy định cho vay mua nhà ở xã hội

Cần xem lại quy định cho vay mua nhà ở xã hội
Ảnh minh họa: Nguồn laodong.vn

Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến các bộ, ngành, tỉnh, thành, tổ chức xã hội, đoàn thể dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 25/2015/TT-NHNN ngày 9/12/2015 hướng dẫn cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội. Theo đó, một trong những thay đổi đáng chú ý tại quy định đối tượng áp dụng là người dân muốn mua nhà ở xã hội chỉ còn một phương án duy nhất, phải đến Ngân hàng Chính sách xã hội vay vốn ưu đãi với lãi suất 4,8%/năm.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng dự kiến bổ sung Khoản 4 Điều 6 về mức cho vay theo hướng bổ sung mức vay tối đa không quá 500 triệu đồng. Đối với khách hàng vay vốn ưu đãi để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở của mình thì mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án vay, tối đa không quá 500 triệu đồng và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc dự thảo quy định đối với người vay tiền mua nhà ở xã hội thay vì đến “gõ cửa” các ngân hàng thương mại cổ phần trước đây thì nay chỉ cần đến Ngân hàng chính sách xã hội là một bước tiến lớn. Quy định này không chỉ “giải phóng” cho người mua mà còn “giải phóng” cho doanh nghiệp thoát khỏi một số thủ tục rườm rà, dẫn đến chi phí xây dựng tăng cao.

Trong khi đó, hiện nay giá nhà ở xã hội cũng không thấp hơn giá nhà ở thương mại cấp trung bình là bao. Ví dụ, theo tính toán của Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh, trong 5 năm qua, tất cả các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội đã phải vay thương mại với lãi suất khoảng 9%/năm và chi phí này được tính vào giá bán, giá cho thuê, giá thuê mua nhà ở xã hội. Dẫn đến đơn giá nhà ở xã hội lên đến khoảng 18-20 triệu đồng/m2, tăng cao so với đơn giá 13-15 triệu đồng/m2 trong giai đoạn 2011-2015.

Dự thảo Thông tư lần này đã khá thoáng, song theo quy định hiện tại (Luật Nhà ở) thì vẫn chưa “thông”. Cụ thể, người dân muốn được vay tiền tại Ngân hàng Chính sách xã hội để mua nhà ở xã hội bắt buộc phải gửi tiết kiệm tối thiểu 12 tháng mới đủ điều kiện.

Thực tế, đa số người mua nhà ở xã hội đều thuộc diện có thu nhập trung bình và thấp, để tích lũy số tiền 300-400 trăm triệu mua nhà ở xã hội là cả vấn đề. Vì không có tiền tích lũy nhiều nên mới phải đi vay, song theo quy định muốn vay lại phải có tiền gửi tiết kiệm ít nhất 12 tháng.

Câu hỏi đặt ra, một chính sách an sinh của Chính phủ góp phần cụ thể hóa mục tiêu để người thu nhập trung bình và thấp có điều kiện tiếp cận với nhà ở lại bị ràng buộc bởi quy định không cần thiết. Để người thu nhập trung bình và thấp tiếp cận được với nhà ở và đơn giản hóa “địa chỉ”, “thủ tục” cho vay, nên chăng các cấp có thẩm quyền cần xem xét lại quy định “muốn vay vốn phải có tiền gửi tiết kiệm”!

H.Lê

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích