Cẩn trọng với bánh Trung thu không rõ nguồn gốc
“Đến hẹn lại lo”
Theo ghi nhận của phóng viên, những ngày này tại các chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội, nhiều hàng kinh doanh hoa quả, bánh kẹo có nguồn gốc nước ngoài được bày bán khá đa dạng chủng loại. Các loại bánh nướng, bánh dẻo khác nhau phục vụ thị trường tết Trung thu có mẫu mã rất bắt mắt, giá cả đa dạng từ vài chục nghìn cho tới cả triệu đồng một hộp 4 đến 6 chiếc. Không chỉ vậy, nhiều chủ hàng còn giới thiệu, mời chào khách hàng mua nguyên liệu làm bánh Trung thu đã được chế biến sẵn như trứng muối, đỗ xanh, hạt sen xay nhuyễn… được đóng trong các bịch nilon nhằng nhịt chữ nước ngoài.
Qua tìm hiểu, Nhiều sản phẩm bánh nướng, bánh dẻo và nguyên liệu làm bánh có xuất từ Trung Quốc, chủ yếu được nhập theo đường tiểu ngạch không rõ nguồn gốc, nhãn mác sản phẩm, không hạn sử dụng và đều được đóng gói, bảo quản rất sơ sài không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra, phát hiện hàng nghìn chiếc bánh kẹo Trung thu do nước ngoài sản xuất. |
Bà Phạm Thị Diên (phường Văn Quán, quận Hà Đông) cho biết, hàng năm cứ đến dịp Trung thu, bà thường làm bánh cho các cháu, nhưng không dám mua nguyên liệu ở chợ do lo ngại về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo bà Diên, các loại nhân bánh chế biến sẵn của Trung Quốc có giá rất rẻ, từ 40.000 – 50.000 đồng/kg. Trong khi đó, nếu đặt mua nguyên liệu từ các cơ sở kinh doanh có tiếng ở Hà Nội, để làm 1kg nhân bánh theo phương pháp cổ truyền thì giá phải từ 120.000 – 150.000 đồng/kg.
Không chỉ các chợ truyền thống, càng gần đến Trung thu, trên chợ “mạng” cũng rộn ràng kinh doanh các mặt hàng bánh, kẹo… với nhiều mức giá, hình thức đa dạng, với giá chỉ vài nghìn đồng. Theo quảng cáo của người bán, đây là mặt hàng được lấy từ Trung Quốc, không phải hàng trôi nổi. Loại bánh này hút hàng ở chỗ hương vị lạ, cỡ bánh nhỏ, ít đường, không béo… Chính những điều này đã đánh vào tâm lý tò mò của người dân. Mặc dù vậy, chất lượng sản phẩm đã được kiểm định hay chưa người bán không hề cho biết, và rất nhiều người mua dường như cũng không quan tâm hoặc để ý đến vấn đề này…
Cùng với việc trên thị trường xuất hiện nhiều loại bánh Trung thu và nguyên liệu không rõ nguồn gốc thì qua kiểm tra của cơ quan chức năng tại nhiều cơ sở sản xuất bánh Trung thu cũng phát hiện tràn lan vi phạm về an toàn thực phẩm. Điển hình như vào sáng 15/8, lực lượng chức năng kiểm tra hộ kinh doanh cửa hàng bánh kẹo Dũng Hải (tại thôn Chùa Tổng, xã La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội).
Tại thời điểm kiểm tra, cửa hàng đang bày bán 10.800 chiếc bánh Trung thu có nhãn ghi bằng tiếng nước ngoài, đựng trong các thùng carton. Theo giá niêm yết tại cửa hàng, bánh có giá 2.500 đồng/chiếc. Trị giá lô hàng hóa là 27 triệu đồng. Chủ cửa hàng không xuất trình được hóa đơn chứng từ của lô bánh Trung thu, đồng thời khai nhận, gần Tết Trung thu, do nhu cầu tiêu thụ cao nên đã nhập hàng trôi nổi trên thị trường về bán.
Gần đây nhất, ngày 18/8, phóng viên đã có dịp theo chân Đội Cảnh sát kinh tế – Công an quận Cầu Giấy và Đội Quản lý thị trường số 13, Cục Quản lý thị trường Hà Nội ghi nhận vụ việc lực lượng chức năng phát hiện một đối tượng đang tập kết hàng hóa nghi hàng nhập lậu. Qua kiểm tra, bên trong 33 thùng carton chứa 2.040 chiếc bánh Trung thu và 1.350 gói bánh kẹo các loại do nước ngoài sản xuất. Chủ lô hàng không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc và khai nhận, số hàng trên được mua trôi nổi trên thị trường với giá gần 30 triệu đồng.
Tăng cường kiểm tra xử lý
Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, những năm gần đây, lực lượng chức năng liên tục triệt phá nhiều kho, xưởng chứa trữ bánh Trung thu nhập lậu, giá rẻ. Thông thường, các đối tượng thu gom, mua trôi nổi hàng hóa từ các tỉnh biên giới phía Bắc với giá rất rẻ, sau đó bán kiếm lời với giá cao gấp nhiều lần. Thị trường bánh Trung thu thường có xu hướng tiêu thụ mạnh vào thời điểm cận dịp lễ truyền thống. Vì vậy, tình trạng một số cơ sở kinh doanh trên địa bàn nhập hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ về bán kiếm lời vẫn xảy ra.
Theo cảnh báo của Công an thành phố Hà Nội, do nhu cầu của người dân dịp Tết Trung thu tăng cao nên nhiều đối tượng nhập về các loại bánh không rõ nguồn gốc. Trước tình hình trên, Công an Thành phố đã yêu cầu các đơn vị chức năng tăng cường tuần tra địa bàn, đặc biệt vào khung giờ mà các đối tượng thường lợi dụng để tập kết, vận chuyển bánh Trung thu không rõ nguồn gốc để đấu tranh, triệt phá.
Theo Trung tá Nguyễn Phi Hùng – Đội trưởng Đội Cảnh sát Kinh tế, Công an quận Cầu Giấy, thời điểm này đang chuẩn bị vào dịp Tết Trung thu, nhu cầu tiêu thụ bánh kẹo của người dân tăng cao, do vậy, nhiều đối tượng nhập lậu các mặt hàng này đưa về Hà Nội bán. Vì đặc điểm địa bàn có tuyến đường xuyên trục nối từ các tỉnh biên giới phía Bắc về Hà Nội, hàng ngày có rất nhiều phương tiện vận tải, xe khách đi lại, do vậy, các đối tượng đã lợi dụng để gửi hàng hóa nhập lậu qua xe khách, xe tải về Thủ đô tiêu thụ.
Hiện nay, Đội Cảnh sát Kinh tế Công an quận Cầu Giấy đã tăng cường lực lượng mật phục, chốt chặn tại các tuyến trọng điểm để kiểm tra, phát hiện và phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 13 xử lý.
Về vai trò quản lý tại địa phương, tại quận Ba Đình, Ủy ban nhân dân quận đã ban hành Kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Trung thu trên địa bàn quận. Thông tin với phóng viên, bà Phạm Thị Diễm – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Ba Đình, cho biết, Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm của quận đã chỉ đạo đoàn kiểm tra tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.
Trong đó tập trung vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Trung thu như: Bánh, mứt, kẹo, bia rượu,… nội dung kiểm tra tập trung vào hồ sơ công bố tiêu chuẩn sản phẩm; nhãn sản phẩm hàng hoá; hồ sơ nguồn gốc sản phẩm hàng hoá, nguyên liệu, phụ gia thực phẩm; giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; giấy chứng nhận sức khoẻ đối với người lao động; điều kiện cơ sở, trang thiết bị dụng cụ…/.
Theo các chuyên gia y tế, bánh Trung thu nói riêng, bánh kẹo nhập lậu nói chung thường không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe cho người sử dụng. Nhà sản xuất có thể dùng phẩm màu, đường hóa học, chất bảo quản không được phép sử dụng… để có được giá thành rẻ, kéo dài thời gian sử dụng. Hơn nữa, nếu trên sản phẩm không công khai về thành phần sử dụng sẽ rất nguy hiểm cho những người có cơ địa dị ứng, nhất là trẻ nhỏ. Đã có không ít trường hợp trẻ ăn bánh kẹo bị dị ứng, ngộ độc nhưng cha mẹ lại không rõ nguyên nhân từ đâu. Do đó, người tiêu dùng cần cân nhắc khi lựa chọn các loại bánh giá rẻ này. |
Nguồn: Báo lao động thủ đô